Việc dân kiện chính quyền lâu nay vẫn được ví von như “trứng chọi với đá”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn có nhiều vụ dân thắng kiện, dù tỉ lệ không nhiều.
Khắc phục các quyết định tùy tiện
Ngày 20-9, TAND tỉnh Đắk Nông đã sửa án của tòa cấp dưới, tuyên bà Nguyễn Thị Thảo (Quảng Khê, Đắk G’long) thắng kiện, hủy quyết định thu hồi đất của UBND huyện Đắk G’long.
Đất của gia đình bà Thảo thuộc vùng dân cư ổn định và không nằm trong vùng quy hoạch xây dựng trường mẫu giáo nhưng lại bị buộc thu hồi. UBND huyện áp giá bồi thường đất và tài sản trên đất mang tính áp đặt, chỉ bằng một nửa so với số tiền gia đình bà Thảo nhận chuyển nhượng đất trước đây.
Một chủ tịch phường ở TP Nha Trang, Khánh Hòa huy động hơn 40 người cưỡng chế tháo dỡ bốn cọc sắt căng bạt của một sạp tạp hóa ở chợ vì cho là “công trình xây dựng trái phép”. “Công trình xây dựng” này là bốn cọc sắt dùng để căng bạt che mưa nắng cho sạp tạp hóa của bà Nguyễn Thị Hồng ở chợ Phước Thái. Bà Hồng khởi kiện, tòa đã hủy các quyết định cưỡng chế này vì vi phạm trình tự thủ tục theo quy định…
Ông Quách Tài (ngụ quận 6, TP.HCM) khởi kiện yêu cầu hủy quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy đỏ của UBND TP.HCM. TAND TP.HCM đã chấp nhận yêu cầu của ông Tài, tuyên hủy quyết định vì Luật Đất đai 2013 là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất, còn công văn và báo cáo… chỉ là các văn bản áp dụng pháp luật.
Sau gần sáu năm kiện tụng khắp nơi, ngày 22-6, bà Nguyễn Thị Trường (quận 2, TP.HCM) đã được TAND quận 2 tuyên thắng kiện, buộc UBND quận 2 phải hủy bỏ quyết định thu hồi 675,7 m2 đất của gia đình bà…
Xóa tâm lý ỷ lại, nể nang...
Lâu nay, thực tế là dân ít khi thắng kiện cơ quan nhà nước (CQNN) nên có hiện tượng CQNN thường không cân nhắc kỹ khi ra quyết định (trong nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì đất đai), thậm chí biết sai mà vẫn ra quyết định. Nếu việc xét xử các vụ kiện hành chính được thực hiện kịp thời và công minh, đồng thời với việc áp dụng các hình thức kỷ luật hoặc trách nhiệm thích đáng với người ra quyết định sai thì sẽ giảm được tối đa việc ra quyết định bất chấp pháp luật.
Việc thay đổi về thẩm quyền xét xử được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng “tòa huyện xử quan huyện” nên người dân đi kiện như “con kiến kiện củ khoai”. Pháp luật đã phân định rõ thẩm quyền từng cấp. HĐXX độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Để đưa ra phán quyết công bằng, bảo vệ pháp luật, bảo vệ lẽ phải, HĐXX vụ án hành chính còn phải độc lập với cả chính quyền, không chịu chi phối của chính quyền - những người bị kiện trong các vụ án hành chính. Bởi lãnh đạo chính quyền - những người ban hành quyết định chính là người có tiếng nói trong việc tái bổ nhiệm thẩm phán. Cũng may, Luật Tổ chức TAND đã có quy định kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán đến 10 năm đối với lần bổ nhiệm thứ hai. Hai lần đứng trước tòa với tư cách luật sư bảo vệ quyền lợi cho người khởi kiện là người dân, tôi thực sự tâm đắc và vui mừng khi Luật Tố tụng hành chính cho dân được quyền kiện chính quyền, đối thoại với chính quyền.
Việc tòa hủy quyết định trái pháp luật của chính quyền sẽ đem đến hiệu quả tích cực cho xã hội. Đó là lẽ phải, lẽ công bằng và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân được bảo vệ. Bức xúc của người dân được quan tâm, lắng nghe. Người dân sẽ tin tưởng vào công lý, vào tinh thần thượng tôn pháp luật để từ đó có hành xử trong khuôn khổ pháp luật, giúp xã hội ổn định, phát triển. Về phía chính quyền, các vị chủ tịch thua kiện sẽ phải sửa sai, thận trọng hơn để việc ban hành quyết định đúng pháp luật và khách quan, phải xem lại các quyết sách của mình đối với người dân trong địa phương mình quản lý, đồng thời xem lại năng lực của cán bộ mình…