Ngày 24-4, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã có kết luận điều tra bổ sung, tiếp tục đề nghị VKS cùng cấp truy tố Trần Quốc Thắng tội cướp giật tài sản. Vụ án này TAND TP.HCM đã nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, bởi theo tòa, tài liệu, chứng cứ có nhiều mâu thuẫn.
Bắn chỉ thiên 6 phát súng
Theo cáo trạng, 16 giờ ngày 16-5-2013, các trinh sát hình sự Công an quận 1 đang làm nhiệm vụ tuần tra địa bàn. Phát hiện Thắng ngồi sau xe SH 150i do Tỷ (chưa rõ lai lịch) điều khiển có biểu hiện nghi vấn cướp giật tài sản nên theo dõi. Đến đường Bùi Viện (quận 1), Tỷ áp sát một người đàn ông đang cầm iPad đi bộ dưới lòng đường để Thắng dùng hai tay giật. Người này dùng hai tay giữ lại nên Thắng không lấy được. Tỷ chở Thắng bỏ chạy, các trinh sát liền đuổi theo (chỉ một trinh sát ở lại hướng dẫn người này đến Công an phường Phạm Ngũ Lão trình báo).
Các trinh sát đuổi theo xe Thắng qua nhiều tuyến đường. Sáu phát súng chỉ thiên đã được bắn nhưng Tỷ vẫn không dừng xe lại. Khi đến đường Bến Vân Đồn phường 6, quận 4, Tỷ quăng xe chạy bộ. Thắng bị bắt giữ cùng chiếc xe của mình. Các trinh sát đưa Thắng về Công an phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) lập biên bản phạm tội quả tang.
CQĐT Công an quận 1 khởi tố vụ án, đề nghị phê chuẩn khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam nhưng VKSND quận 1 từ chối vì không đủ căn cứ. Vụ án được tạm đình chỉ, đến tháng 6-2014 thì được phục hồi điều tra. Thắng bị bắt tạm giam ngày 25-7-2014 đến nay.
Đường Bùi Viện, quận 1 (TP.HCM), nơi Trần Quốc Thắng bị cho là có hành vi cướp giật hụt. Ảnh: PHƯƠNG LOAN
Chỉ có trinh sát hình sự làm nhân chứng
Người bị hại trong vụ án là khách du lịch người Nga, đã rời Việt Nam đi sang nước khác vào hôm sau. Tại biên bản ghi lời khai ngay sau khi xảy ra sự việc, người bị hại khai: “Giữa tôi và tên cướp giật không giằng co máy iPad nhưng tôi khẳng định tên ngồi sau đã chạm tay vào máy của tôi”.
Các trinh sát hình sự được xác định là nhân chứng.
Suốt từ khi bị bắt đến nay, Thắng thống nhất lời khai là chỉ va chạm chứ hoàn toàn không có hành vi cướp giật. Ban đầu tại công an phường, Thắng khai rằng Thắng ngồi sau. Khi hồ sơ được chuyển qua CQĐT, Thắng khai lại: “Tôi là người cầm lái. Sở dĩ trước đây tôi khai mình ngồi sau là bởi tại công an phường, người ta nói chỉ có ngồi sau mới giật được và đánh tôi nên tôi buộc phải nhận là người ngồi sau”.
Cáo trạng xác định: “Tại CQĐT, Thắng không nhận tội. Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của người bị hại và nhân chứng, đã có đủ cơ sở kết luận Thắng thực hiện hành vi cướp giật nêu trên”.
Tháng 5-2016, VKSND quận 1 chuyển vụ án cho Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Chứng cứ kết tội Thắng là lời khai của các trinh sát hình sự. CQĐT đã rà soát tìm người chứng kiến. Tuy nhiên, kết quả là không tìm được ai chứng kiến việc truy đuổi và bắt giữ Thắng.
Đấu lý giữa tòa và viện
Quá trình tố tụng, giữa VKS và tòa án đã có những quan điểm trái ngược trong đánh giá các chứng cứ liên quan vụ án. Những thắc mắc, yêu cầu của tòa được viện lý giải, trả lời. Chúng tôi lược ghi như sau:
Tòa: Nhân chứng Phạm Trọng Nghĩa là người chứng kiến rõ sự việc và trực tiếp đưa du khách người Nga đến công an phường trình báo trước khi bắt được Thắng. Tuy nhiên, việc bắt Thắng và lập biên bản phạm tội quả tang lại được ghi nhận trước khi ông Nghĩa làm báo cáo vụ việc. Như vậy, không có căn cứ để cho rằng lời khai của ông Nghĩa là khách quan.
VKS: Đây chỉ là sơ suất ghi không chính xác về thời gian.
Tòa: Thắng bị truy cứu tội cướp giật với chứng cứ chứng minh phạm tội là bắt giữ quả tang nên đòi hỏi các tài liệu tố tụng phải được ghi nhận đầy đủ, chi tiết và chính xác. Tuy nhiên, bản trình báo của ông Nghĩa không thể cho rằng có sơ suất vì có dấu hiệu tẩy xóa, sửa chữa.
VKS: Tuy có sai sót về thời gian nhưng sau đó ông Nghĩa đã có các lời khai thống nhất, phù hợp với các lời khai nhân chứng khác và phù hợp chứng cứ khác như biên bản phạm tội quả tang, bản trình báo của người bị hại. Vụ việc xảy ra đã lâu, hồ sơ chuyển qua chuyển lại nhiều lần, do đó không xác định được người sửa chữa biển số xe của Thắng từ số không đúng thành số đúng, sửa nội dung “dùng hai tay giật”. Riêng việc sửa thời gian trong bản trình báo là do ông Nghĩa nhớ nhầm nên sửa chữa cho chính xác.
Tòa: Biên bản phạm tội quả tang vi phạm khoản 1 Điều 82 BLTTHS khi không giải ngay đến cơ quan công an, VKS hoặc UBND gần nhất.
VKS: Điều luật này không quy định rõ. Tuy nhiên, nếu lập biên bản tại quận 4 thì không có bị hại, tài sản bị chiếm đoạt để lập biên bản. Do vậy, đưa về quận 1 để lập biên bản là hợp lý.
Tòa: Theo trình báo của ông Nghĩa thì “có hai thanh niên mặc áo trắng, quần jean, người ngồi sau mặc áo thun màu đen, khoác áo màu trắng bên ngoài giật mạnh chiếc iPad trên tay người nước ngoài”. Tuy nhiên, tại công an phường cũng như tại CQĐT không có lời khai của bất cứ ai miêu tả hoặc lập biên bản nhận dạng về tình tiết này đối với Thắng. Theo truy tố thì hành vi của Thắng là chưa đạt nên việc miêu tả nhận dạng rất quan trọng và cần thiết...
VKS: Khoản 1 Điều 82 và Điều 95 BLTTHS không quy định phải miêu tả nhận dạng đối tượng khi ghi nhận trình báo vụ việc và trong biên bản bắt người phạm tội quả tang. Cho nên lời khai của những người làm chứng là đảm bảo khách quan... Điều đáng lưu ý là hiện nay tình hình cướp giật đang gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Vụ án đã bị kéo dài, trả hồ sơ nhiều lần vì những sai sót nhỏ, đề nghị tòa đưa ra xử sớm...
Chúng tôi sẽ theo dõi và thông tin đến bạn đọc khi vụ án có động thái tố tụng mới.
Người bị cáo buộc cướp giật nói gì? Khoảng 15 giờ 45 ngày 16-5-2013, tôi đi liên hệ với cơ quan thi hành án TP để nộp án phí của vụ án hình sự trước. Khi về, tôi đang chạy trên đường Nguyễn Trãi thì gặp bạn cùng xóm trước đây, hai đứa rủ nhau đi cà phê. Tôi chở bạn tôi đi bằng xe Honda SH 150i của tôi. Đến đường Bùi Viện, quận 1 thì xe có va quẹt với một người đàn ông đang đi bộ dưới lòng đường. Tôi không rõ người đàn ông đó là người Việt Nam hay người nước ngoài vì không kịp nhìn. Người đàn ông la lên. Lúc này, một số thanh niên điều khiển xe với tốc độ nhanh chạy lên. Tôi tưởng là người quen của người đàn ông đó nên sợ bị đánh, bị giữ xe nên tiếp tục chạy. Tôi có nghe phía sau có tiếng súng nổ nhưng không rõ bao nhiêu tiếng, cũng không biết là tiếng súng của ai. Về đến đường Bến Vân Đồn, quận 4, những thanh niên này truy đuổi đến, cúp đầu xe tôi. Bạn tôi xuống xe và chạy đi. Những người này xưng là cảnh sát hình sự và đưa tôi về Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 làm việc vì cho là tôi cướp giật. Nhưng tôi không cướp giật và không biết gì về việc đó. Bị cáo TRẦN QUỐC THẮNG, trình bày tại các phiên tòa |