Mới đây, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND TP Cần Thơ kết tội Trần Hùng Tâm (sinh năm 1982, ngụ An Giang) về tội cướp giật tài sản. Lý do cần hủy án là trong phiên tòa phúc thẩm, TAND TP Cần Thơ đã chấp nhận kháng cáo xin tăng hình phạt của chính bị cáo Tâm. Theo kháng nghị, đây là vi phạm tố tụng nên đã đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm hủy án để xét xử lại.
Chuyện hy hữu
Theo hồ sơ, chiều 17-1-2009, Tâm và Trần Phước Hiền đi từ TP Long Xuyên, An Giang đến quán cà phê tại TP Cần Thơ gặp Đoàn Văn Phúc. Tại đây, Phúc cho biết bà Nguyễn Thị Út, hàng xóm của Phúc, thường đi thu tiền hụi từ 16 giờ đến 17 giờ hằng ngày. Từ đó ba người đã bàn bạc kế hoạch theo dõi để giật giỏ tiền của bà Út. Thực hiện ý đồ này, Phúc chở Tâm bám theo bà Út trên đường bà đi thu hụi rồi đến đoạn đường vắng ra tay giật giỏ. Sau khi giật được giỏ, Tâm lấy điện thoại, còn 25 triệu đồng tiền mặt thì chia làm ba. Sau đó Hiền và Phúc bị bắt và bị TAND quận Thốt Nốt kết án về tội cướp giật tài sản.
Riêng Tâm thì bỏ trốn lên TP.HCM. Trong thời gian trốn Tâm có hành vi trộm cắp tài sản và bị bắt. Năm 2012, TAND quận Thủ Đức, TP.HCM xử phạt Tâm ba năm tù về tội trộm cắp tài sản. Chấp hành xong hình phạt tù, Tâm lại phạm tội và bị tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Bình Dương.
Tìm được Tâm, cơ quan tố tụng quận Thốt Nốt đã tiếp tục xử lý bị cáo này về hành vi phạm tội trước đây. Ngày 29-4-2016, TAND quận Thốt Nốt xử sơ thẩm, tuyên phạt Tâm tám năm sáu tháng tù về tội cướp giật tài sản.
Sau đó, bị cáo Tâm kháng cáo. Nhưng thay vì xin giảm án thì Tâm yêu cầu tăng hình phạt cho chính mình. Ngoài kháng cáo của bị cáo thì bản án này không bị VKS kháng nghị và bị hại cũng không kháng cáo. Xử phúc thẩm ngày 21-7-2016, TAND TP Cần Thơ chấp nhận kháng cáo này, tuyên sửa án tăng hình phạt đối với Tâm lên chín năm tù.
Xét bản án phúc thẩm, VKSND Cấp cao nhận thấy việc tòa cấp phúc thẩm sửa án theo hướng tăng hình phạt đối với bị cáo Tâm trong trường hợp này là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng. Vì theo khoản 3 Điều 249 BLTTHS, tòa phúc thẩm chỉ được quyền sửa án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt nếu VKS kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu. Trường hợp này tòa xét xử như trên gây bất lợi cho bị cáo, vì vậy cần hủy án để xét xử lại.
Đáng ra phải trả đơn kháng cáo
Luật sư (LS) Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, đồng tình với phân tích của VKSND Cấp cao trong kháng nghị nêu trên. Theo LS Hoan, trong vụ án này VKS không kháng nghị, người bị hại không kháng cáo nên việc tòa phúc thẩm xử tăng hình phạt là vi phạm Điều 249 BLTTHS về quyền sửa án sơ thẩm của cấp phúc thẩm. Bởi Điều 249 không quy định cấp phúc thẩm được quyền tăng hình phạt nếu bị cáo kháng cáo theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự. Vì vậy, VKSND Cấp cao kháng nghị theo hướng hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại là phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
“Trong lịch sử tố tụng hình sự chưa từng xảy ra vụ việc bị cáo kháng cáo tăng hình phạt cho mình nên tòa án phúc thẩm càng cần phải xem xét lý do tại sao bị cáo làm như vậy. Nếu thấy cần thiết thì phải tiến hành giám định để xác định năng lực nhận thức của bị cáo” - LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn LS TP.HCM, nói.
Theo LS Trạch, việc tòa án cấp phúc thẩm tăng hình phạt như trên là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Khi xét xử phúc thẩm, tòa cần xác định phạm vi xét xử, quy định liên quan, các tình tiết vụ án và các chứng cứ có liên quan để xét xử. Bị cáo kháng cáo tăng hình phạt là quyền của bị cáo, trách nhiệm của tòa là xem xét nội dung kháng cáo đó có phù hợp và đúng luật hay không. Bởi nội dung kháng cáo không phải là cơ sở pháp lý để tòa phúc thẩm tăng nặng hoặc giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo.
Ông Vũ Phi Long, nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, cho rằng BLTTHS mới và cũ đều không quy định việc bị cáo kháng cáo đề nghị tăng án cho chính mình. Vì vậy, tòa phúc thẩm chấp nhận và xử như trên là vi phạm tố tụng. Theo ông Long, lý ra ngay từ lúc nhận đơn kháng cáo, cấp sơ thẩm phải giải thích cho bị cáo thẩm quyền của cấp phúc thẩm theo luật là như thế nào.
Tại phiên tòa phúc thẩm, tòa cũng có nghĩa vụ giải thích quyền kháng cáo của bị cáo thế nào là đúng luật. Trường hợp đã giải thích mà bị cáo vẫn cương quyết giữ kháng cáo thì tòa sẽ trả đơn, không xét xử phúc thẩm với lý do việc kháng cáo vi phạm tố tụng. Với kinh nghiệm từng xét xử của mình, ông xác nhận rằng chỉ có trường hợp bị cáo kháng cáo tăng án với bị cáo khác trong vụ án khi bị cáo này là nạn nhân.
Luật quy định rõ 1. Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau: a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo. b) Áp dụng điều khoản Bộ luật Hình sự (BLHS) về tội nhẹ hơn. c) Giảm hình phạt cho bị cáo. d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định xử lý vật chứng. đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo. 2. Nếu có căn cứ, tòa án cấp phúc thẩm có thể giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản BLHS về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị. 3. Trong trường hợp VKS kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn; tăng mức bồi thường thiệt hại, nếu có kháng nghị của VKS hoặc kháng cáo của người bị hại, nguyên đơn dân sự; nếu có căn cứ, tòa án vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều khoản BLHS về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại. (Điều 249 BLTTHS) |