Hôm qua (16-7), Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã gặp nhau tại Helsinki (Phần Lan). Tháp tùng ông Trump có Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, chuyên gia Nga - cố vấn tổng thống Mỹ Fiona Hill. Phái đoàn của ông Putin gồm sáu người, trong đó có người phát ngôn của tổng thống Dmitry Petrov và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov.
“Hợp tác với Nga không phải là điều tồi tệ”
Trước thượng đỉnh, ông Trump viết trên Twitter rằng “quan hệ Mỹ-Nga chưa bao giờ tồi tệ hơn” hiện nay và đổ lỗi cho những ai cáo buộc Nga can dự vào bầu cử Mỹ 2016. Bộ Ngoại giao Nga cũng đồng ý với nhận định đó của ông Trump. Tuy nhiên, thượng đỉnh càng trở nên được chú ý và gây khó khăn cho cả hai nhà lãnh đạo khi vừa mới đây Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 12 viên chức tình báo quân sự Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 khiến nhiều nghị sĩ Mỹ kêu gọi ông Trump hủy hội nghị.
Cả ông Trump và ông Putin đều trì hoãn việc đến điểm hẹn thượng đỉnh, điều này được giới quan sát cho rằng đó là “chiến thuật ngoại giao”. Máy bay của ông Putin đã đến thủ đô Helsinki chậm hơn khoảng một tiếng đồng hồ so với thời gian bắt đầu thượng đỉnh; trong khi ông Trump cũng trì hoãn việc đến phủ tổng thống Phần Lan - nơi diễn ra các chương trình thảo luận giữa hai bên.
Theo tường thuật của The Guardian, ở màn chào hỏi hai nhà lãnh đạo đã bắt tay nhau rất nhanh, chỉ vỏn vẹn trong vòng ba giây. Trong bài phát biểu khai mạc, ông Trump chúc mừng Nga đã tổ chức một giải vô địch bóng đá thế giới “thật sự tuyệt vời”. Tổng thống Trump cho biết “điều quan trọng nhất là chúng ta có rất nhiều điều tốt đẹp để thảo luận với nhau”. Theo đó, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về vấn đề thương mại, quân sự, tên lửa và Trung Quốc. Tổng thống Mỹ đã không đề cập đến nghi án Nga can dự sâu vào bầu cử Mỹ năm 2016; hay sự hiện diện của Nga trong các vấn đề Ukraine, chiến tranh Syria; và quan hệ giữa Nga với khối NATO.
Tổng thống Trump (trái) bắt tay với Tổng thống Putin. Ảnh: NYT
“Chúng ta sẽ thảo luận mọi thứ, từ thương mại đến quân sự, tên lửa, hạt nhân cho đến vấn đề Trung Quốc, chúng ta sẽ nói một chút về Trung Quốc - người bạn chung của chúng ta là Chủ tịch Tập Cận Bình” - ông Trump nói.
Ông Trump thẳng thắn thừa nhận rằng Mỹ và Nga đã “không hòa thuận trong suốt nhiều năm qua” nhưng ông tin rằng cả Mỹ và Nga suy cho cùng cũng có mối quan hệ đặc biệt. “Tôi vẫn luôn nói rằng và chắc chắn các bạn đã từng nghe thấy rằng hợp tác với Nga là một điều tốt chứ không phải một việc tệ hại”. “Tôi thật sự tin rằng thế giới mong muốn Mỹ-Nga hòa hợp với nhau” - ông Trump nhấn mạnh.
Lý giải về những tương đồng trong quan hệ hai nước, ông Trump cho biết cả Mỹ và Nga đều là “cường quốc hạt nhân lớn”, chiếm đến 90% năng lực hạt nhân - “đó là điều tồi tệ chứ không phải điều tốt lành”. Ông Trump nói với ông Putin rằng cả Mỹ và Nga có thể kỳ vọng rằng sẽ làm điều gì đó đối với vấn đề hạt nhân.
Nga muốn bàn bình thường hóa quan hệ với Mỹ
Theo The Guardian, ông Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, tỏ ra không ấn tượng với bài phát biểu của ông Trump nói với ông Putin. “Cải thiện quan hệ với Nga hay bất kỳ nước nào khác không bao giờ nên là mục tiêu của chính sách đối ngoại Mỹ. Thay vào đó phải xác định các mục tiêu cụ thể cùng với thực hiện các chiến lược để thực thi các mục tiêu ấy, gồm việc kết nối, ngăn chặn, cô lập” - McFaul viết.
Trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho biết điều mà Tổng thống Putin muốn nói với ông Trump chính là “các giải pháp với việc bình thường hóa quan hệ song phương, cũng như với các vấn đề quốc tế hiện nay, chủ yếu là chiến tranh Ukraine, Syria, bán đảo Triều Tiên và cuộc chiến chống khủng bố”.
Sau màn chào hỏi, cả hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp mặt riêng. Bức ảnh hai nhà lãnh đạo gặp mặt riêng được người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders công bố trên Twitter cho thấy một không khí căng thẳng, trái với không khí vui vẻ khi chào hỏi. The Guardian nhận định bức ảnh cho thấy cả hai nhà lãnh đạo đang thể hiện “sự miễn cưỡng” trong các cử chỉ giao tiếp với nhau.
Đến hơn 4 giờ 30 chiều (giờ Phần Lan), tức 8 giờ 30 tối giờ Việt Nam, cuộc gặp mặt riêng giữa hai nhà lãnh đạo kết thúc sau hơn hai giờ diễn ra. CNN phát đi hình ảnh cho thấy hai nhà lãnh đạo và phái đoàn ngoại giao hai bên đã ngồi vào bàn ăn rất muộn. Dù vậy, phóng viên chuyên trách Nhà Trắng Annie Karni cho biết một phát ngôn viên Nhà Trắng đã không xác nhận rằng cuộc gặp đã kéo dài suốt hai tiếng 10 phút như nhiều báo đài đưa tin.
Tuy nhiên, Karni dẫn lời Tổng thống Trump ngay sau cuộc gặp mặt với ông Putin: “Tôi nghĩ cuộc gặp là một khởi đầu tốt. Một khởi đầu rất rất tốt cho tất cả mọi người”. Nhà Trắng cũng phát đi thông báo cho biết sau khi “gặp riêng” Tổng thống Putin, hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục có cuộc họp mặt với sự tham gia của các quan chức hai bên.
Nhiều người biểu tình chống thượng đỉnh tại Helsinki Bên ngoài hội nghị, nhiều người tham gia vào đoàn biểu tình tại Helsinki. Họ giơ khẩu hiệu “Helsinki phản đối Tổng thống Trump và Putin”. Trong đó có những nhà hoạt động xã hội về quyền phá thai; những người chống chiến tranh Ukraine; những người ủng hộ tự do thương mại, bảo vệ môi trường; các nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi của người đồng giới v.v. tất cả đều nhắm vào cả hai nhà lãnh đạo, nhất là Tổng thống Trump với các chính sách gây tranh cãi gần đây: Đánh thuế các nước đồng minh, lật lại các phán quyết pháp lý về quyền phá thai, hay chống nhập cư. Trung Quốc đệ đơn khiếu nại Mỹ lên WTO Thượng đỉnh Nga-Mỹ diễn ra khi Trung Quốc và Mỹ cũng đang bước vào giai đoạn căng thẳng nhất trong nhiều năm qua. Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố nước này đã đệ đơn lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để chống lại Mỹ về việc đánh thuế hàng Trung Quốc. Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ tiếp tục đánh thuế lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc sau khi lệnh đánh thuế đầu tiên lên danh sách hàng trị giá 34 tỉ USD đã có hiệu lực hôm 6-7. Bất chấp bối cảnh căng thẳng này, ông Trump vẫn gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là “người bạn chung” khi nói chuyện với ông Putin. |