Tại sao thị trường lại không có ngân hàng nhỏ? Khoảng trống về phân khúc doanh nghiệp nhỏ hoặc mới khởi nghiệp mà ngân hàng nhỏ từng phục vụ có còn được quan tâm?
Một thời, vì bức xúc và gần như bất lực trước tình trạng các ngân hàng nhỏ, yếu thanh khoản đẩy cao lãi suất tiền gửi hút khách hàng của ngân hàng lớn, một lãnh đạo cao cấp của ngành ngân hàng lúc đó từng thốt lên: “Đàn cá lòng tong làm đục nước!”.
Luật chơi là phải thế!
Nay, nhân “cuộc chơi” tái cấu trúc, Ngân hàng Nhà nước đã có bài toán đối với những ngân hàng này thông qua sáp nhập, hợp nhất một số đơn vị.
Nhìn nhận vấn đề này, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nói: “Khi sáp nhập với anh hàng xóm to lớn, khỏe mạnh hơn, ngân hàng nhỏ sẽ mất đi chủ quyền, lãnh thổ nhưng đó là chuyện không thể khác. Bởi vì quá yếu kém, không đủ sức chống đỡ với rủi ro mà một phần lớn là do mình tạo ra thì phải chấp nhận luật chơi thôi”.
Theo ông, xét về lợi ích chung của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế, việc hợp nhất, sáp nhập sẽ xử lý tương đối triệt để những tiềm ẩn rủi ro đã thành căn bệnh trầm kha nhiều năm qua trong hệ thống tổ chức tín dụng. Vấn đề cơ bản nhất là phải tính toán tỷ lệ cổ phần hợp lý, nhằm hài hòa lợi ích và sự hòa thuận giữa các cổ đông.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ về quy mô vốn, có lẽ sau khi giải quyết nốt “đàn cá lòng tong” nói trên, số ngân hàng có vốn pháp định tối thiểu 3 nghìn tỷ đồng dường như chẳng còn mấy.
Khắp nơi, đâu đâu cũng thấy ngân hàng có vốn tối thiểu trên 4 nghìn tỷ đồng sau “phong trào” nâng vốn điều lệ khi thực hiện Nghị định 141/NĐ-CP (2006). Đến nỗi, quan niệm “nhỏ là yếu” có vẻ như đã hình thành từ đây.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Kinh tế BDI cho biết, ở Mỹ có hàng nghìn ngân hàng mà quy mô vốn còn nhỏ hơn cả chục lần so với ngân hàng nhỏ nhất Việt Nam. Vốn tự có của những ngân hàng này chỉ 15 - 20 triệu USD, tương đương 300 - 400 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng Việt Nam cũng đã 3 nghìn tỷ đồng. Nếu lấy an toàn vốn, tiêu chí quản trị ngân hàng làm trọng thì không cứ phải vốn điều lệ càng lớn thì càng an toàn.
“Quy mô cũng quan trọng nhưng chất lượng hoạt động sẽ quyết định sự tồn tại, đừng nghĩ phương châm “too big too fail” (lớn để khỏi chết) luôn đúng. Sụp đổ hay không không phụ thuộc vào quy mô lớn hay bé. Ở Mỹ, ngân hàng lớn chết trước và được cứu còn ngân hàng nhỏ thì không. Đó là chuyện ngược đời!”, ông Nghĩa nói.
Doanh nghiệp khởi nghiệp tìm vốn ở đâu?
Có một thực tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ hoặc mới khởi nghiệp than phiền rằng rất ít khi tiếp cận được vốn với các ngân hàng lớn, trong khi cũng bộ hồ sơ đó, lại được “đàn cá lòng tong” chào đón, tất nhiên là với lãi suất cao hơn.
Vậy, khi bị hợp nhất, sáp nhập, các ngân hàng lớn có quan tâm đến cộng đồng này?
Ông Phước lạc quan: “Đừng quá băn khoăn về khoảng trống khách hàng mà các ngân hàng nhỏ từng phục vụ bởi nền tảng khách hàng, dịch vụ ngân hàng vẫn như thế, kể cả khi về với ngân hàng lớn. Họ phục vụ tất cả từ lớn đến bé, miễn là đáp ứng đủ tiêu chí và khẩu vị rủi ro”.
Nhưng chuyên gia Lê Xuân Nghĩa lại không nhìn nhận như thế. Theo ông, đang tồn tại một thực tế, những doanh nghiệp khỏe, dòng tiền ổn định thì không vay nhưng một bộ phận lớn doanh nghiệp nghèo, mới khởi nghiệp sẵn sàng chấp nhận rủi ro để mở rộng sản xuất kinh doanh và công ăn việc làm, tạo ra sự đổi thay cho kinh tế đất nước thì ít ai quan tâm.
Thay vào đó là tình trạng ngân hàng lớn ôm lấy doanh nghiệp lớn, cố gắng mở rộng thị phần và luôn chèn ép những ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ, đẩy “đàn cá lòng tong” ra bên lề cuộc chơi.
Bởi vậy, ở Mỹ, để bảo vệ và tài trợ vốn cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ hoặc mới khởi nghiệp, chính phủ nước này khuyến khích thành lập các công ty đầu tư, quỹ phòng vệ để cho các đối tượng nói trên vay vốn.
Và, những tổ chức tài chính phi ngân hàng nói trên được tham gia cửa sổ chiết khấu vốn giá rẻ ở ngân hàng trung ương mà không cần tài sản thế chấp.
Hay như ở Ireland, Quỹ của Hiệp hội doanh nghiệp nước này sẵn sàng tài trợ vốn cho bất cứ ai có ý tưởng kinh doanh tốt hoặc Nhật Bản có nhiều ngân hàng dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cũng theo ông Nghĩa, nhìn chung các ngân hàng lớn ở Việt Nam đều có thành tích nghèo nàn trong việc tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Họ còn thiếu khả năng tưởng tượng và tầm nhìn trong việc nắm bắt các cơ hội mới. Có thể vì các quy định ngặt nghèo của luật pháp và tâm lý an toàn đã cản trở họ đến với doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Hãy nhớ, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao là thành phần kỳ diệu cho phép nền kinh tế mở rộng nhanh và tạo ra nhiều việc làm. Trong khi, các ngân hàng chỉ luôn muốn giải ngân cho những doanh nghiệp giàu đến mức không còn muốn vay vốn. Còn những công ty mới thành lập chưa nổi tiếng, nhiều ý tưởng kinh doanh xuất sắc nhưng không đủ vốn đã bị ngân hàng làm ngơ hết lần này đến lần khác”, ông Nghĩa nói.