Tối 11-9, Bộ Y tế cho biết tính từ 17h ngày 10-9 đến 17h ngày 11-9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 11.932 ca nhiễm mới, gồm 5 ca nhập cảnh và 11.927 ca ghi nhận trong nước tại, trong đó có 5.169 ca mắc trong cộng đồng.
Hai địa phương có số ca mắc cao nhất, nhì vẫn là TP. Hồ Chí Minh (5.629) và Bình Dương (3.971).
Tiếp sau đó là Đồng Nai (960), Long An (337), Kiên Giang (165), Tiền Giang (147), Tây Ninh (137), An Giang (107).
Ghi nhận dưới 100 ca mắc trong ngày có các tỉnh Khánh Hòa (46), Cần Thơ (46), Quảng Bình (38), Hà Nội (35), Đồng Tháp (34), Bà Rịa - Vũng Tàu (32), Quảng Ngãi (32), Bình Phước (31), Bình Thuận (31), Bình Định (19), Đà Nẵng (19), Đắk Lắk (18).
Ngoài ra Phú Yên (17), Sơn La (16), Quảng Nam (14), Sóc Trăng (11), Nghệ An (6), Đắk Nông (5), Ninh Thuận (5), Bạc Liêu (4), Thanh Hóa (3), Hưng Yên (3), Gia Lai (2), Trà Vinh (2), Bắc Ninh (2), Thừa Thiên Huế (1), Hà Tĩnh (1), Bến Tre (1).
Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.379 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh giảm 1.910 ca, Bình Dương tăng 408 ca, Đồng Nai tăng 137 ca, Long An tăng 16 ca, Kiên Giang tăng 79 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 601.349 ca nhiễm, đứng thứ 49/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 157/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.113 ca nhiễm).
5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Phú Thọ, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai.
Trong ngày 11-9 có 12.541 bệnh nhân khỏi bệnh nâng tổng số khỏi bệnh lên 363.462 ca.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.232 ca, trong đó có 29 ca phải can thiệp ECMO.
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc. kcb. vn ghi nhận 217 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (188), Bình Dương (10), Tiền Giang (2), Đồng Nai (4), Kiên Giang (3), Bình Thuận (2), Đà Nẵng (2), Gia Lai (1), Cần Thơ (1), Ninh Thuận (1), Khánh Hòa (1), Nghệ An (1), Vĩnh Long (1).
Bên cạnh đó Đồng Nai bổ sung 56 ca tử vong từ thời gian trước.
Nhằm giúp các cán bộ y tế đang làm việc tại các Trạm y tế lưu động hiểu rõ và thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, Bộ Y tế tiếp tục ban hành cuốn Sổ tay hướng dẫn triển khai nhiệm vụ của các Trạm Y tế lưu động. Tài liệu này sẽ tập trung vào hướng dẫn chuyên môn từng nhiệm vụ cụ thể của Trạm Y tế lưu động.
Tại TP. Hồ Chí Minh, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ chủ động thực hiện việc xét nghiệm COVID-19 trên nguyên tắc “4 tự”: Tự xây dựng kế hoạch, tự thực hiện, tự xét nghiệm và tự kiểm tra đối với nhân viên, với tần suất lấy mẫu là 3 ngày/lần theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, các cơ sở này phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện, thành phố Thủ Đức để được cấp giấy đi đường, đảm bảo điều kiện người lao động đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và xét nghiệm nhanh âm tính 3 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.