Bức xúc là điều bình thường
Theo ông Nhân, trong cuộc sống, mọi người đều quan tâm đến gia đình, quê hương và đất nước. Khi có những sự kiện ảnh hưởng đến đời sống, nhân dân không bức xúc là không bình thường.
Nhưng bầu cử năm năm mới có một lần. Không nên vì bức xúc một việc trong thời điểm này mà từ bỏ quyền thiêng liêng của mình.
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân
Ông Nhân khẳng định Đảng, Nhà Nước và MTTQ Việt Nam đang nỗ lực đảm bảo cuộc sống của ngư dân các tỉnh bị thiệt hại do thiên tai và thủy sản chết hàng loạt.
“Ngư dân gặp khó khăn nhưng không bao giờ đơn độc” - ông Nhân cho hay. "Chúng ta có thể gặp khó khăn ngắn hạn nhưng đừng vì thế mà từ bỏ quyền của mình để chọn người lãnh đạo xã mình, huyện mình, tỉnh thành phố mình và đất nước mình trong năm năm tới. Tôi kêu gọi cử tri vì tương lai chính mình hãy đi bầu cử” - ông nhấn mạnh.
Phóng viên cũng giám sát kiểm phiếu
Làm thế nào để quá trình bầu cử và kiểm phiếu đảm bảo sự trung thực, khách quan cũng là điều được báo chí quan tâm.
Ông Nhân cho biết: “Ngoài các tổ chức liên quan đến bầu cử như MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên thì cá nhân người ứng cử, thân nhân của họ, cơ quan giới thiệu người ứng cử và phóng viên báo chí cũng có thể giám sát việc bầu cử và kiểm phiếu”.
Việc kiểm phiếu, ông Nhân khẳng định là quá trình rất nhạy cảm, “nội dung này MTTQ Việt Nam đã kiến nghị với HĐBC Quốc gia có hướng dẫn chi tiết và chúng tôi đã góp ý vào bản dự thảo. Trong vài ngày tới HĐBC Quốc gia sẽ có hướng dẫn về nội dung này” - ông nói.
Ông Nhân cũng cho hay nếu ứng cử viên muốn người khác giám sát bầu cử và kiểm phiếu thay mình thì phải có văn bản ủy quyền; cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử viên thì cũng cần thực hiện việc giám sát thông qua giấy ủy quyền.
Đối với các phóng viên, kể cả phóng viên nước ngoài, ngoài giấy ủy quyền còn phải có giấy xác nhận là phóng viên đang hoạt động hợp pháp ở VN.
“Điều quan trọng là phải đảm bảo việc giám sát không làm ảnh hưởng đến quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu. Nếu phát hiện có sai phạm thì lập biên bản tại chỗ. Đây là nội dung mới chắc chắn sẽ góp phần đảm bảo dân chủ khách quan theo đúng pháp luật của lần bầu cử này” - ông Nhân nói.
Lập Hội đồng giám sát lời hứa Vừa qua các ứng viên đưa ra khá nhiều lời hứa (chương trình hành động). Một trong những việc cử tri quan tâm nhất là làm sao giám sát lời hứa của các ứng cử viên sau khi trúng cử. Lần này, MTTQ và Thường vụ Quốc hội xác định yêu cầu trong thời gian sau bầu cử phải hình thành Hội đồng giám sát lời hứa hệ thống hơn, tốt hơn thời gian qua. Theo quy định, với những người được bầu nếu sau này không đủ tiêu chuẩn, chất lượng thì cử tri có quyền bãi nhiệm. Tuy nhiên, đến nay pháp luật chưa quy định việc này. Câu hỏi đặt ra là nhiệm kỳ tới MTTQ có kiến nghị TVQH quy định rõ để dân có thể thực hiện quyền này không?” Trong nhiệm kỳ vừa qua QH đã bãi nhiệm một số ĐBQH không đáp ứng tiêu chuẩn sau khi được bầu. Một người được nhân dân phát hiện không đủ tiêu chuẩn là ĐBQH hoặc HĐND thì phải đưa ra khỏi QH và HĐND ngay. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam |