Dòng kênh Chiến Lược (phường Bình Trị Đông, quận Tân Bình, TP.HCM) lâu nay đã thực sự được hồi sinh, lột xác thay vì con kênh nổi tiếng với dòng nước đen ngòm đầy rác, hôi thối, cỏ mọc um tùm.
Chăm chỉ dọn rác bất kể nắng mưa, bệnh tật
Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Ngọc Đức (65 tuổi, ngụ phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM), một thương binh hạng 4/4. Năm 1978, khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông Đức khi đó là nông dân đã tự làm đơn xin nhập ngũ tại Sư đoàn 309, Quân khu 5. Không lâu sau, ông trải qua những năm tháng chiến đấu ác liệt tại chiến trường Campuchia.
Sau năm năm trong quân ngũ, ông Đức trở về với gia đình khi sức khỏe đã yếu đi. Vừa trò chuyện, ông vừa chỉ cho chúng tôi những vết sẹo ở đầu, má, bả vai, cánh tay do đạn bom để lại thỉnh thoảng vẫn hành ông đau nhức. Đó là chưa kể căn bệnh tiểu đường ông đang mang trong người.
Ông Đức chia sẻ, khoảng năm 2014, kênh Chiến Lược đoạn khu phố 8 nơi ông ở bị ô nhiễm nặng vì chứa tất cả nước thải của người dân và doanh nghiệp trong khu vực. Rác dày đặc dưới kênh, bốc mùi hôi thối, lại có rất nhiều muỗi, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, đời sống của người dân trong khu vực. Ông làm đơn xin phường để được dọn dẹp rác thải, cây cối mọc hoang quanh dòng kênh. Trong hai tháng đầu tiên khi bắt đầu công việc, người cựu chiến binh này phải mất hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày lặn ngụp trong dòng nước đen ngòm, chặt phá cây cối mọc um tùm và cào vớt những túi rác nằm sâu dưới đáy kênh từ nhiều năm qua. Sau một năm, kênh Chiếc Lược trở nên sạch sẽ, rác thải cũng giảm đi, UBND phường Bình Trị Đông thấy vậy nên giao tiếp cho ông dọn rác dọc tuyến kênh thuộc địa bàn phường.
“Tính tôi đã làm là phải dọn sạch, gọn, thường xuyên chứ không một sớm một chiều rồi bỏ ngang. Bộ đội cụ Hồ mà, khi thấy việc gì có ích cho dân, cho nước là tự giác làm thôi” - ông nói.
Cứ vậy, ngày hai buổi, đúng 8 giờ sáng bất kể nắng mưa hay bệnh tật, người ta vẫn thấy người cựu chiến binh ấy chạy cái xe máy cũ cà tàng kéo theo chiếc thùng phía sau, cùng với vợt, bàn cào đi dọc bờ kênh vớt rác. Ít thì cũng phải đầy một xe, nhiều thì 2-3 xe rác, trung bình mỗi ngày ông vớt khoảng gần 400 kg rác chủ yếu là bao nylông, chai lọ, hộp xốp bị vứt xuống. Tính ra mỗi tháng, hơn 10 tấn rác từ kênh Chiến Lược được ông dọn sạch.
Ông Đức tâm sự: “Mới đầu, người ta nói tôi chắc bị khùng lo làm “chuyện thiên hạ” nhưng tôi chỉ im lặng. Tôi làm đến khi con kênh sạch đẹp thì mọi người mới thay đổi suy nghĩ, người ta khen. Nhiều người thấy tôi làm mệt đã tặng cho chai nước, cái bánh, lúc đó tôi cảm thấy ấm lòng”.
Không chỉ vớt rác dưới kênh, những đống rác bỏ lăn lóc trên lề đường cũng được ông cẩn thận dùng tay nhặt sạch cho vào thùng. Khi rác đầy thùng, ông lại lên xe máy kéo đi đổ tại khu tập kết rác gần đó, xong quay về dòng kênh tiếp tục công việc.
Ông Nguyễn Ngọc Đức ngày hai buổi dọn sạch rác cho con kênh Chiến Lược và khắp khu phố. Ảnh: P.PHƯƠNG
“Khó kiếm được người tử tế như ông Bốn”
Mỗi sáng, khi ông Đức thức dậy chuẩn bị cho công việc thì lúc ấy chị Nguyễn Thị Mãi, con gái của ông Đức, cũng đang nấu bữa sáng cho ông. “Ngày trước, mọi người trong nhà đều cản không cho cha tôi đi dọn rác vì công việc tiếp xúc với rác bẩn độc hại. Nhưng rồi biết đó là tâm nguyện của cha nên chúng tôi không cản nữa, mỗi ngày tôi cố gắng lo cơm nước đầy đủ để cha có thêm sức lực đi làm” - chị Mãi tâm sự.
Những lúc ông Đức bị bệnh, chị Mãi phải đi theo phụ giúp thì mới thấy hết sự nặng nhọc của công việc, thấy thương và nể phục cha mình hơn. Có nhiều lần ông Đức đi làm về trễ, chị Mãi lại chạy xe đi tìm xem ông có bị ngất xỉu ở đâu không. Khi thấy ông về bình an chị lại mừng thầm. “Sau này nếu cha tôi không còn sức để dọn rác nữa thì tôi cũng sẽ làm tiếp công việc của cha” - chị Mãi cho hay.
Dọn về ở khu phố 8 được hơn ba năm cũng là chừng đó thời gian chị Trương Thị Thu Lan (phường Bình Trị Đông, quận Tân Bình) trở thành người hàng xóm thân thiết cùng gia đình ông Bốn (tên thân mật thường gọi của ông Đức). Với gia đình chị Lan, ông Bốn là một người hiền lành, trầm tính nhưng lại rất năng nổ trong các công việc chung của khu phố.
“Nhà tôi có rác hay vật dụng cũ phải bỏ là ông Bốn lại chạy sang chở ra bãi phế liệu giúp cho. Khu phố nhờ có ông dọn dẹp mà sạch sẽ, mùa mưa ít muỗi mòng hơn. Khó kiếm được một người thứ hai như ông Bốn” - chị Lan chia sẻ.
Nói về hành động tốt đẹp của ông Đức, ông Nguyễn Trọng Vơn, Trưởng Ban điều hành khu phố 8, nhận xét: “Bất kể mưa nắng gì ông Đức cũng làm việc. Những lúc trở trời, cơ thể đau yếu, không đi vớt rác được, ông lại nhờ con gái làm giùm chứ nhất định không bỏ mặc. Với hàng xóm ông cũng rất nhiệt tình, hòa đồng”.
Tiếng lành đồn xa, người dân sống dọc kênh Chiến Lược ai cũng biết và yêu quý người cựu chiến binh cần mẫn Nguyễn Ngọc Đức. Với sự nỗ lực âm thầm cống hiến, ông đã nhận được nhiều giấy khen từ quận và phường. Đặc biệt hơn, vào năm 2018, ông vinh dự được thành phố tặng bằng khen tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”.
“Có công ty dọn rác, ông Đức vẫn âm thầm công hiến” Từ khoảng một năm trở lại đây, phường đã ký hợp đồng thuê công ty xử lý rác đến dọn dẹp, trục vớt rác trên kênh Chiến Lược và các khu phố trong phường do nhận thấy bác Đức đã lớn tuổi và công việc dọn dẹp rác thải lại nặng nhọc. Thế nhưng, bác vẫn xin được thu dọn rác tại khu phố 8 và còn thường xuyên hỗ trợ việc trục vớt rác trên kênh Chiến Lược. Hành động của bác Đức rất đáng quý. Bác cống hiến thầm lặng, chưa bao giờ kêu ca công việc nặng nhọc, dơ bẩn. ông Cái Văn Nhiều, Phó Chủ tịch phường Bình Trị Đông |