Đó là nhận xét của Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung tại hội thảo khởi động “Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất”, do VCCI tổ chức ngày 22-12.
Pháp luật hình phễu
Một cách ví von, ông Cung nói pháp luật Việt Nam hiện nay là dạng hình phễu. Luật khi ban hành rất cởi mở nhưng các nghị định, thông tư dưới luật thì bóp lại. Ông Cung cho rằng không ít các quy định pháp luật ở Việt Nam thuộc về phần tồi, vì thế tìm kiếm 10 quy định tồi nhất thì dễ nhưng tìm 10 quy định tốt nhất thì hơi khó.
Lấy ví dụ về Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, ông Cung nói: Luật quy định người kinh doanh thực phẩm phải có hiểu biết về vấn đề này. Lẽ ra các bộ cứ đưa ra một quy chuẩn, rồi những người kinh doanh đi học ở đâu cũng được. Nhưng bộ lại tổ chức những lớp học bồi dưỡng rồi cấp chứng chỉ và chỉ chứng chỉ của bộ mới có giá trị. “Tại sao bộ lại phải làm điều đó?” - ông Cung hỏi.
Theo ông Cung, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay rất ít khi nói về mục tiêu, chỉ tạo sự thuận lợi cho quản lý nhà nước. Trong khi quản lý nhà nước không phải là mục tiêu của các quy định. “Không ít các quy định pháp luật hiện nay thiếu cơ sở thực tiễn… và còn nhằm mục đích bảo vệ lợi ích, thẩm quyền của ai đó…” - ông Cung khẳng định. Bởi thế các quy định đặt ra không đạt được mục tiêu thúc đẩy cạnh tranh công bằng mà còn làm hạn chế, méo mó môi trường kinh doanh, thiệt hại cho xã hội.
Đồng tình, luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng: Hiện nay các quy định về bản chất là rất tốt nhưng khi thực thi thì lại rất dở. Chẳng hạn khi dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) có những đột phá, thể hiện ở quyền tự do kinh doanh, con dấu. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế thì những điểm tốt nói trên lại bị cản trở.
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng tìm kiếm 10 quy định pháp luật tồi nhất thì dễ nhưng tìm 10 quy định tốt nhất thì hơi khó. Ảnh: CHÂN LUẬN
Có những quy định “bẫy” doanh nghiệp
Lý giải cho việc có nhiều quy định tồi, ông Cung cho rằng nhiều bộ trưởng hiện nay không lo nhiệm vụ chính là cải cách thể chế. “Nhiều bộ trưởng đi học ở nước ngoài nhưng khi về Việt Nam thì không thấy áp dụng những gì đã học được” - ông Cung nhận xét.
Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp), nói: “Tôi thấy được có những thứ rất tồi trong các quy định. Tôi nói với cán bộ của cục phải “sục vào”, tìm được những cái bẫy trói buộc DN, tạo đặc quyền, độc quyền cho các cơ quan nhà nước”.
Ông Sơn kể khi có chủ trương tạm giữ xe vi phạm, có đồng chí giám đốc sở tư pháp địa phương đứng lên phản đối. Nhưng sau đó vị giám đốc này nói: “Tôi mà không cho ra quy định này tôi bị mất ghế ngay”.
Theo ông Sơn, trong thực tế quản lý đôi khi quan chức, cán bộ “lơ” đi cái chính tắc, chỉ tìm “cơ chế” thông thuận.
Còn ông Cung kêu gọi: “Đã đến lúc DN không thể ngồi chờ các bộ, ngành thay đổi thái độ mà phải đòi hỏi những dịch vụ tốt, các quy định tốt”.
Tháng 4-2016 công bố “10 quy định tốt nhất và 10 quy định tồi nhất” Đối tượng được bình chọn là các quy định pháp luật đang có hiệu lực (được ban hành từ 1-1-2014 đến 31-12-2015) liên quan đến DN và hoạt động kinh doanh trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan trung ương ban hành. Thời gian từ nay đến 22-1-2016, người dân và DN có thể gửi đề cử những quy định tốt nhất và tồi nhất về địa chỉ: Ban Pháp chế VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội. Website: http://topten.vibonline.com.vn Email: xdphapluat@vcci.com.vn; xdphapluat.vcci@gmail.com |