Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS diễn ra từ ngày 10-11 đến 10-12 với chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”. Là người tiếp cận thường xuyên với những người nhiễm HIV, luật sư Nguyễn Thị Ngọc Thu (Văn phòng Trợ giúp pháp lý HIV/AIDS - Hội Luật gia TP.HCM) chia sẻ: “Vẫn còn nhiều cái nhìn vô cảm trước nỗi đau của người nhiễm HIV”.
“Tại sao tôi bị nghỉ việc?”
“Tôi từng làm trong nhà hàng, quán bar, có một thời gian sống buông thả”. Người phụ nữ ngồi đối diện chúng tôi, tên chị là L. (tên đã được thay đổi, ngụ quận 3, TP.HCM), dù đã gần tuổi 40 nhưng chị vẫn còn nét thanh tú của thời trẻ.
Chị L. kể từ khi lấy chồng chị thay đổi cách sống đàng hoàng, ngăn nắp. Chồng chị là tài xế, rày đây mai đó nên bị vướng “căn bệnh thế kỷ”. “Cuối năm 2007, tôi thấy cơ thể có nhiều biến đổi, luôn mệt mỏi nên đi khám, xét nghiệm máu và kết quả nhiễm HIV. Lúc ấy tôi đang có thai con đầu lòng. May mắn thay sau đó con tôi chào đời âm tính với HIV”.
Tháng 5-2011, chị L. xin vào làm ở một công ty ăn uống trên địa bàn quận 3 và được ký hợp đồng lao động. Trong thời gian này, chị còn tham gia công tác xã hội với vai trò hỗ trợ sức khỏe cho những người nghiện ma túy nhiễm HIV. “Vì hoạt động có hiệu quả nên tôi được một tổ chức phi chính phủ mời đi Úc để trao đổi kinh nghiệm với các thành viên nước sở tại đang làm công việc như tôi. Tôi làm đơn xin nghỉ phép và được công ty chấp thuận” - chị L. kể.
Hết phép, chị L. đi làm trở lại. Thế nhưng vừa bước vô cổng công ty chị bắt gặp nhiều ánh mắt ghẻ lạnh của những người làm chung. Cả ngày chẳng ai nói chuyện với chị L. nửa lời. Thấy chị, nhiều người tìm cách tránh mặt. Thậm chí cái ly chị vừa uống cũng không ai dám cầm, chẳng ai dám đứng gần chị. Ngày hôm sau, đại diện phòng tổ chức nhân sự gọi chị L. lên thông báo cho chị nghỉ việc với lý do úp úp mở mở chị nhiễm HIV. “Thì ra trên truyền hình người ta phát về công việc tôi đang chăm sóc cho người nhiễm HIV. Thế là họ sợ không muốn tôi tiếp tục công việc ở công ty. Tôi như ngã quỵ, không biết giải thích thế nào cho họ hiểu” - chị L. nghẹn lời.
Sau đó vài ngày, công ty ra quyết định buộc chị L. nghỉ việc không ghi rõ lý do.
Bị đuổi ra khỏi nhà mình
Ở tuổi 46, lẽ ra ông S. (tên đã thay đổi, ngụ quận 2, TP.HCM) đã có một cuộc sống êm đềm bên vợ con; nhưng không, ông đã phải trải qua một giai đoạn đau khổ, tuyệt vọng nhất trong đời. Hơn 15 năm trước, ham vui với bạn bè, ông đã hơn một lần sử dụng chung kim tiêm ma túy. Hậu quả là ông bị nhiễm HIV khi vừa bước qua tuổi 30. “Hơn 15 năm qua, bệnh tình đã bào mòn cơ thể khiến tôi ốm yếu, gầy gò. Nhưng đau nhất là tôi bị người thân đuổi ra khỏi nhà vì họ không chịu sống chung với người mắc HIV, trong khi căn nhà là tài sản chung do cha mẹ để lại” - ông S. thở dài nhớ lại.
Ông S. nói bệnh hoạn như ông tìm việc làm chẳng dễ. Từ khi bị đuổi ra khỏi nhà ông không có chỗ ở cố định. Nhiều hôm hết tiền bạc, bụng đói, ông S. quay về nhà nhưng vợ chồng em ruột của ông đóng cửa không cho vào, mặc ông năn nỉ, thậm chí khóc lóc.
“Tới ngày cúng giỗ cha mẹ, tôi không dám về đốt cây nhang vì sợ vợ chồng chú em xua đuổi, chửi bới giữa chỗ đông người. Tủi hổ lắm anh à!” - ông S. nói.
Chiếc phao cuối cùng
Lâm vào bước đường cùng, những người nhiễm HIV bị kỳ thị như chị L., ông S. qua giới thiệu của người quen trong giới đã tìm đến Văn phòng Trợ giúp pháp lý HIV/AIDS (thuộc Hội Luật gia TP.HCM); coi nơi đây như một chiếc phao cuối cùng để họ không bị chìm giữa dòng đời.
Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Thu nhớ lại: “Lúc chị L. và ông S. tìm đến, tôi thấy họ gần như tuyệt vọng, bế tắc. Tôi lựa lời an ủi, động viên và quyết tâm giúp họ lấy lại sự công bằng”.
Luật sư Thu đã soạn giúp đơn khiếu nại và đơn kêu cứu cho cả hai, trích dẫn những quy định của pháp luật về cấm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. “Trong đó Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người HIV/AIDS được công bố năm 2006 là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng tôi đấu tranh” - luật sư Thu nói.
Luật sư Thu kể chị hướng dẫn chị L. gửi đơn đến chủ tịch UBND quận, chủ tịch Liên đoàn Lao động quận, Phòng LĐ-TB&XH quận và cả công ty nơi chị L. làm việc. Riêng ông S., chị hướng dẫn gửi đơn tới chủ tịch UBND phường và trưởng công an phường nơi ông S. cư trú.
“Tôi cũng trực tiếp gặp đại diện công ty nơi chị L. làm việc, gặp em trai ông S cùng trao đổi, thương lượng, hòa giải để bảo vệ quyền lợi cho cả hai” - luật sư Thu nói.
Cuối cùng, phía công ty nhận ra việc cho chị L. nghỉ là trái luật. Họ chính thức ra văn bản xin lỗi, nhận chị vào làm việc trở lại. Với ông S., vợ chồng người em cũng nhận ra sai trái của mình và đồng ý đón người anh về sống chung hòa thuận trong nhà.
“Bây giờ những người nhiễm HIV như chị L., ông S. đã tìm lại cuộc đời, chúng tôi chẳng có niềm vui nào lớn hơn” - luật sư Thu chia sẻ.
Muốn giảm tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử thì cần tuyên truyền nội dung của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người HIV/AIDS đến từng người, ở cộng đồng dân cư, công ty, xí nghiệp… Một khi có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS thì mọi người sẽ thay đổi cái nhìn và hành vi đối xử với người nhiễm HIV. Luật gia PHẠM THỊ HỒNG HƯƠNG, Trưởng Văn phòng Trợ giúp pháp lý HIV/AIDS (Hội Luật gia TP.HCM) |