Bệnh nhân HIV có thể sống thọ như người thường

“Liệu tôi còn sống được bao lâu?” luôn là băn khoăn lớn nhất mà bệnh nhân HIV đặt ra cho bác sĩ. Câu trả lời trước đây thường là những con số khiêm tốn như 10 năm, 15 năm hay khoảng 20 năm. Song những công bố mới cho thấy tuổi thọ kỳ vọng của người nhiễm HIV không khác biệt với người bình thường, nếu họ tuân thủ điều trị ARV tốt.
hiv-7968-1415161076.jpg

Ảnh min họa:News.

Một nghiên cứu kéo dài 8 năm từ 2000 đến 2007 nhằm đánh giá tuổi thọ kỳ vọng của những người có HIV đang điều trị ARV. Nghiên cứu này tiến hành trên gần 23.000 bệnh nhân ở Mỹ và Canada, thông qua đánh giá các thông số sinh học, từ đó phân tích tỷ lệ tử vong và tuổi thọ kỳ vọng của nhóm này. Đồng thời, các nhà khoa học cũng so sánh tuổi thọ của bệnh nhân với mặt bằng dân số chung tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu và 8 năm sau đó.

Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa tuổi thọ trung bình của hai nhóm. Một nam giới Mỹ có tuổi thọ trung bình 77 tuổi, thì một nam giới Mỹ bị HIV đang điều trị ARV có tuổi thọ khoảng 75. Ghi nhận tương tự ở nhóm nữ giới và người da màu. Riêng với nhóm tiêm chích ma túy, tuổi thọ trung bình khoảng 50, có khác biệt lớn với dân số chung.

Như vậy, kết quả nghiên cứu này chỉ ra hiệu quả của điều trị kháng retrovirus (ART - Anti Retrovirus Therapy) trong việc cải thiện tuổi thọ và tăng cường chất lượng cuộc sống. Các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu cho biết, nếu không có gì thay đổi (các yếu tố như xã hội, kinh tế, chiến tranh và các bệnh lý không liên quan HIV), bằng việc tuân thủ điều trị ARV, người bệnh có thể ăn mừng sinh nhật “thượng thọ” sau hàng chục năm sống chung với HIV.

Nghiên cứu này cũng cho thấy hiệu quả cải thiện và duy trì tuổi thọ người có H sẽ cao hơn nếu điều trị ARV sớm, trước khi chỉ số CD4 giảm dưới 350 tế bào trên mm3. Tóm lại, người nhiễm HIV hoàn toàn có thể tận hưởng thời gian sống tương tự như người bình thường, nếu như họ tuân thủ điều trị ARV ngay từ đầu.

Nhiễm khuẩn cơ hội là nguyên nhân làm cho bệnh HIV trở nên trầm trọng hơn, bệnh nhân tử vong thường do các bệnh cơ hội này. Việc điều trị ARV sớm không chỉ có ý nghĩa dự phòng lây nhiễm mà còn làm giảm các nhiễm khuẩn cơ hội, giảm tỷ lệ tử vong do những bệnh liên quan đến HIV/AIDS. Những hệ quả tích cực kéo theo đó là làm giảm chi phí khám chữa bệnh, nhập viện và điều trị cho những đợt nhiễm trùng cơ hội nặng.

Qua các nghiên cứu của nhiều quốc gia, đơn cử như công trình mang tên HPTN 052 hay PARTNER cho thấy, nếu điều trị sớm ARV cho những cặp bạn tình trái dấu (một người dương tính với HIV và người kia không nhiễm) sẽ làm giảm tỷ lệ lây nhiễm tới 96%. Ngoài ra còn làm giảm 65% nguy cơ bệnh nhân bị lao.

Thực tế ở nước ta cho thấy, khi triển khai tăng cường hệ thống điều trị bằng phương pháp này, số lượng bệnh nhân tử vong giảm đi rõ rệt. Giai đoạn từ năm 2007 đến 2008 có 7.000 - 8.000 ca tử vong mỗi năm. Giai đoạn 2010 đến 2011, con số này giảm xuống còn 1.700 - 1.800. Sáu tháng đầu năm 2012 chỉ còn 600 ca. Hiện, số người nhiễm HIV tử vong phần lớn đều liên quan đến việc chậm tiếp cận với chương trình chăm sóc và điều tri ARV.

Nước ta đang áp dụng tiêu chuẩn điều trị phương pháp này cho bệnh nhân có chỉ số CD4 dưới 350 tế bào/mm3 hoặc giai đoạn lâm sàng 3 - 4. Trong tương lai, tiêu chuẩn điều trị ARV sẽ có thể tăng lên 500 tế bào/mm3 theo hướng dẫn mới nhất năm 2013 của WHO. Chương trình chăm sóc và điều trị HIV/AIDS ở nước ta đang tiến gần hơn đến chỉ tiêu mong đợi “không có ca nhiễm mới, không có người phải chết vì HIV”.

Nhiều bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn nặng do các lý do khác nhau: Sợ bị lộ diện, lo ngại về chi phí, không tin tưởng vào điều trị, thái độ tiêu cực. Họ đã bỏ lỡ cơ hội tiếp tục sống, làm việc và mang lại niềm vui cho bản thân, gia đình và xã hội. Trong khi trên thế giới có rất nhiều bệnh nhân HIV sống lạc quan suốt quãng đời còn lại và đóng góp rất thiết thực cho xã hội không khác gì những người khỏe mạnh.

Hiện nay Việt Nam đã triển khai những quy tắc về ứng xử cũng như pháp lệnh bảo vệ quyền lợi của người có H, được kỳ vọng phần nào giúp giải tỏa mối lo ngại “bị lộ diện” của họ. Người có H có quyền chọn lựa công khai tình trạng nhiễm hay không, công khai với ai, vào lúc nào. Nếu lo ngại về vấn đề chi phí, họ có thể đăng ký tham gia chương trình điều trị miễn phí trong hệ thống. 

Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ (Theo VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm