Những trường hợp bị ngộ độc nấm không phải bây giờ mới xảy ra, nhưng điều đáng nói là dường như những cảnh báo của cơ quan chuyên môn về những cái chết thương tâm do ngộ độc nấm vẫn chưa khiến người dân lưu tâm...
Người dân ngộ độc nấm đang điều trị tại BV đa khoa tỉnh Lai Châu. Ảnh: SK&ĐS
Suy gan, thận, nôn ra máu vì... nấm rừng
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), vụ ngộ độc nấm rừng trên xảy ra tại xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Trong số những người phải nhập viện, người cao tuổi nhất là bà Chang Thị Nu (62 tuổi) và nhỏ tuổi nhất là bé Vàng Thị Sú (24 tháng tuổi).
Các bác sĩ BVĐK tỉnh Lai Châu cho biết, tối ngày 2-11, tất cả mọi người trong gia đình trên có ăn món nấm mà trước đó anh em lên rừng lấy về được khoảng 5kg... Sau khi ăn hơn 30 phút, 19 người có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, có người còn bị nôn ra máu... Rạng sáng ngày 3-11, người thân đã phải đưa cả 19 người trên đến BVĐK tỉnh Lai Châu.
BS. Hoàng Ngọc Tuyến, Phụ trách Khoa Hồi sức cấp cứu - BVĐK tỉnh Lai Châu cho biết, khi nhập viện, 19 bệnh nhân có chung triệu chứng là đau bụng, buồn nôn và được chẩn đoán là ngộ độc nấm giờ thứ 6... Sau khi nhập viện, các bệnh nhân đã được các bác sĩ truyền dịch (bù nước điện giải), uống than hoạt tính. Đến thời điểm này, các bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, ăn, uống được bình thường.
Chiều ngày 4-11, các bác sĩ tiến hành làm xét nghiệm sinh hoá lần cuối cùng, tuy nhiên, các bệnh nhân này sẽ được tiếp tục theo dõi, điều trị trong vài ngày nữa, sau đó mới được xuất viện.
Trước đó, trong thời gian gần đây, cũng trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc nấm rừng khiến nhiều người phải nhập viện điều trị trong tình trạng suy gan, thận, thậm chí đã có 2 cháu bé bị tử vong vì ngộ độc quá nặng.
Để tránh bệnh từ miệng
Nấm tươi hái ở rừng là món ăn ngon, bổ dưỡng nhưng tiềm ẩn hiểm họa do nhiều người nhầm lẫn giữa nấm độc và nấm lành. Hình minh họa.
Theo TS. Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, Bộ Y tế, trên thực tế, cơ quan chức năng và các chuyên gia về lĩnh vực này đã rất nhiều lần cảnh báo về những nguy hiểm tiềm ẩn với sức khỏe của các loài nấm rừng, nấm mọc hoang. Thậm chí, Cục ATTP cũng đã có công văn đề nghị các đơn vị y tế một số tỉnh phối hợp tuyên truyền ngộ độc nấm bằng tiếng Dao, Thái, Mông…
Tuy nhiên, theo thói quen, đồng bào vẫn thường hái lượm nấm để sử dụng trong bữa ăn, nhưng do hiểu biết hạn chế, nhiều người đã không phân biệt được nấm độc với nấm lành nên đã thu hái nhầm nấm độc về sử dụng cho cả gia đình. Do đó, tại các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh khu vực Tây Nguyên vẫn thường xuyên xảy ra nhiều vụ ngộ độc nấm, thậm chí có những vụ còn gây ra những cái chết đau lòng.
Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Hoàng Công Minh - Trung tâm Phòng chống nhiễm độc - Học viện Quân y cho biết, ở Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau, các loài nấm này được người dân vùng cao thường xuyên sử dụng. Vì thế, số vụ ngộ độc chủ yếu xảy ra ở những khu vực này. TS. Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai nhấn mạnh, người dân cần lưu ý, ngay cả trong một đám nấm mọc ở rừng vẫn lẫn lộn nấm lành và nấm độc vì bào tử nấm trôi theo gió, nước và đọng lại. Do đó, người dân cần tuyệt đối không hái nấm rừng về để sử dụng, tránh rước họa từ miệng.