Những người này ít khi nghĩ đến hoàn cảnh, điều kiện của người được nhờ. Họ ít khi nghĩ người được nhờ có sẵn sàng giúp đỡ không, nhờ như vậy có phiền người ta không.
Tôi cũng hay được người khác nhờ vả, đặc biệt sau khi tôi bắt đầu đưa các bài viết về pháp luật, tiếng Nhật… lên Facebook. Hôm nay tôi được một bạn (chưa từng quen biết) nhờ dịch một đoạn văn tiếng Nhật sang tiếng Việt. Bạn đó hình như là học sinh phổ thông.
Bạn nói: “Cháu đang đọc một tác phẩm văn học và mãi không hiểu đoạn văn cuối này nói gì. Chú dịch giúp cháu ngay được không?”. Tôi đã trả lời rằng: “Hôm nay khuya rồi, mai có thể tôi dịch rồi đưa cho bạn nhé!” Thế nhưng bạn ấy không chịu vì ngày mai bạn phải học bài đó trên lớp và cứ đề nghị tôi phải dịch ngay giúp bạn. Bạn nói thêm một câu: “Cháu biết người Nhật rất tốt. Chú giúp cháu đi!” Nghe câu ấy hẳn là tôi phải sợ mang tiếng rằng tôi không có phẩm chất của người Nhật.
Từ “giúp đỡ” trong tiếng Việt vốn có ý nghĩa hoàn toàn tích cực nhưng tôi có cảm giác nhiều người đã biến tấu ý nghĩa của từ này theo hướng khác. Thay vì bày tỏ nhu cầu bản thân, hy vọng bên kia thuận tiện để hỗ trợ thì người ta lại đánh vào tâm lý “không muốn mang tiếng” của đối phương, buộc họ vào thế “phải giúp”. Như vậy thì ý nghĩa của chữ này đã khác rồi, kể cả từ phía người đi nhờ lẫn người đi giúp.
Có thể sau đây tôi sẽ bị mang tiếng là “người Nhật luôn biết giúp đỡ người khác vậy mà ông này khó tính quá!”. Tôi vẫn sẵn sàng khi có ai đó thật sự cần đến sự hỗ trợ của tôi nhưng có lẽ chúng ta nên xem lại nghĩa của từ nhờ vả và từ giúp đỡ để hành xử cho phù hợp hơn.