'Tôi rất muốn người Nhật được ăn quả vải đặc sản Bắc Giang'

Chia sẻ trên là của ông Trần Văn Lân (SN 1967, ngụ thôn Lâm, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang).

Huyện Lục Ngạn là một trong những vùng trồng vải thiều ngon nổi tiếng nhất cả nước. Gia đình ông Lân cũng gắn bó với cây vải thiều được khoảng 20 năm nay.

Hiện gia đình ông Lân có 650 cây vải thiều, năm nay sản lượng dự tính được khoảng gần 50 tấn. Diện tích vải của gia đình ông được chọn sản xuất theo quy trình GlobalG.A.P, định hướng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ông Lân ao ước xuất được một tấn vải sang Nhật Bản để người Nhật được thưởng thức quả vải thiều Việt Nam. Ảnh: AN HIỀN


Nhật Bản là thị trường khó tính, do vậy việc trồng trọt, chăm sóc cây cần phải theo quy trình nghiêm ngặt. Các loại thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng cũng phải theo khuyến nghị của các chuyên gia Nhật Bản. 

Nhiều khi gặp khó, loại thuốc mà phía các chuyên gia Nhật Bản khuyến nghị sau khi phun qua một ngày vẫn không thấy sâu chết. Trong khi đó, sâu bệnh, bọ xít đang rất nhiều, nguy cơ sâu cuống xâm nhập rất lớn khiến người dân lòng như lửa đốt.

"Việc sản xuất theo hướng GlobalG.A.P rất khắt khe, loại thuốc sử dụng không tiêu diệt sâu bệnh được tức thì nên người dân phải bỏ nhiều công chăm sóc hơn. Nhờ vậy ban đầu gia đình tôi dự tính thu hoạch được khoảng 35 tấn, nhưng đến nay sản lượng có khả năng vượt lên được gần 50 tấn" - ông Lân chia sẻ.

Theo đánh giá của người dân huyện Lục Ngạn, năm nay do điều kiện khí hậu thất thường nên có vườn ra quả rất sai, có vườn lại mất mùa. Nhưng nhờ công chăm sóc kỹ lưỡng nên chất lượng vải thiều vượt trội so với mọi năm, nhiều vườn ra quả đẹp chưa từng có.

Năm 2020 là năm đầu tiên Nhật Bản chính thức mở cửa thị trường nhập khẩu trực tiếp quả vải thiều của Việt Nam. Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu này, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các huyện và Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT rà soát, cấp mã số vùng trồng theo yêu cầu của Nhật Bản.

Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19, phía Nhật Bản không thể cử chuyên gia sang để đánh giá, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam, do đó việc xuất khẩu vải tươi sang thị trường này có thể sẽ chưa thực hiện được.

Vườn vải của gia đình ông Lân được trồng theo quy trình GlobalG.A.P rất khắt khe, cộng với sự chăm sóc kỹ lưỡng nên chất lượng vải ngon vượt trội. Ảnh: AN HIỀN


Chia sẻ với PLO, ông Lân thoáng buồn, cho biết: "Năm nay tôi ước mơ nhất là xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản. Không quan trọng gì đắt rẻ, tôi chỉ cần xuất khẩu được một tấn vải sang Nhật để người Nhật Bản được ăn vải của chúng tôi, để thấy quả vải thiều của chúng tôi ngon như thế nào".

Diện tích trồng vải tại xã Nam Dương đang có khoảng 470 ha, trong đó có 400 ha vải thiều chính vụ và 70 ha vải chín sớm. Diện tích được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Nhật của xã Nam Dương có khoảng 15 ha/12 hộ.

"Hiện chưa có thông báo chính thức về việc không thể xuất khẩu được vải sang Nhật Bản nên chúng tôi vẫn tiến hành công tác chuẩn bị để khi nào xuất khẩu được thì sẵn sàng xúc tiến xuất vải sang thị trường này" - ông Thân Đình Thi, cán bộ khuyến nông xã Nam Dương, cho biết.

Năm 2020, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, vải sớm 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn, thu hoạch từ ngày 20-5 đến ngày 5-6; vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng 115.000 tấn, thu hoạch từ ngày 10-6.

Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh là 15.000 ha, chiếm 53% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 110.000 tấn, chiếm gần 69% tổng sản lượng. Vải chứng nhận GlobalG.A.P với 80 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn phục vụ các thị trường cao cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm