Xuất hiện mối quan tâm mới của người Việt trong đại dịch

Ngày 13-5, Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết chỉ số niềm tin người tiêu dùng toàn cầu quý I-2020 đạt 106 điểm, giảm nhẹ so với quý IV- 2019. Tuy nhiên, người tiêu dùng lạc quan hơn một chút so với những tiêu cực trên toàn cầu.

Trong quý I-2020, Việt Nam tiếp tục xếp hạng thứ tư trên toàn cầu vì có người tiêu dùng lạc quan nhất, với chỉ số niềm tin người tiêu dùng đạt 126 điểm, tăng 1 điểm so với quý IV. Việt Nam xếp sau Ấn Độ, Philippines và Indonesia với số điểm lần lượt là 140, 128 và 127.

Đại diện Nielsen cho biết chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng nhẹ là do sự lạc quan về triển vọng công việc được cải thiện. Trong khi sự lạc quan về tài chính cá nhân và chi tiêu vẫn ổn định.

Tuy nhiên, so với quý I cùng kỳ năm ngoái, chỉ số niềm tin người tiêu dùng giảm 3 điểm, phần lớn có thể dự đoán trước do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy người tiêu dùng chủ yếu xem sự lây lan của COVID-19 là một cuộc khủng hoảng sức khỏe, thay vì kinh tế. Do đó, sức khỏe đã thay thế kinh tế trở thành mối quan tâm hàng đầu ở nhiều thị trường.

Với tỉ lệ người tiêu dùng xác định sức khỏe là mối quan tâm lớn nhất của họ trong vòng sáu tháng tới, trong đó có cả Việt Nam. Theo đó, có 49% người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục xếp hạng sức khỏe là mối quan tâm số 1, mức cao nhất trên toàn cầu.

Tiếp theo là Pakistan với 47%, Latvia 40% và Singapore là 39%. Qua bốn quý liên tiếp cho thấy sức khỏe đã và đang là mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam.

9% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến chi phí thức ăn gia tăng (Ảnh: TÚ UYÊN) 

Đồng thời, dù vẫn nằm trong tốp 2, số người Việt Nam quan tâm đến sự ổn định công việc tăng 3% so với quý IV-2019. Trong khi tỉ lệ người tiêu dùng quan tâm đến cân bằng công việc và cuộc sống giảm mạnh từ 27% xuống 22%.

Đáng chú ý, trong quý I có một yếu tố mới xuất hiện trong sáu mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam, đó là phúc lợi và an khang của phụ mẫu với 10% số người được hỏi cho biết rằng họ lo lắng về điều đó.

Các lĩnh vực quan tâm khác của người tiêu dùng Việt Nam là nền kinh tế và chi phí thức ăn gia tăng với mức quan tâm gần như tương đương với quý trước, lần lượt là 21% và 9%. 

Kết quả từ khảo sát cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đã có xu hướng giảm đáng kể trong chi tiêu tiền nhàn rỗi, chi tiêu ít hơn cho tiết kiệm (-4%), quần áo mới (-9%), du lịch(-5%)…

Theo đại diện Nielsen, COVID-19 đã làm gián đoạn cuộc sống của hàng tỉ người trên thế giới, gồm cả người Việt Nam. Dịch này đang làm thay đổi thái độ, hành vi và mong muốn của người tiêu dùng một cách chóng mặt. 

Vào quý I, các gói bảo hiểm sức khỏe cao cấp vượt qua giải trí bên ngoài để tiến đến vị trí thứ năm trong tốp 7 khoản sử dụng tiền nhàn rỗi của người tiêu dùng. Việt Nam vẫn là quốc gia có tỉ lệ cao nhất, với 38% số người dùng chọn sử dụng tiền nhàn rỗi cho các gói bảo hiểm cao cấp.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm