Dịch COVID-19 đã khiến chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh toàn cầu đứt gãy. Nhiều công ty phải tạm ngừng sản xuất, đứng trước nguy cơ phá sản vì đầu ra, đầu vào đều quá phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác Trung Quốc (TQ).
Thế nhưng vẫn có nhiều công ty sống khỏe, không bị ảnh hưởng nhiều từ việc gián đoạn nguồn cung, thị trường tiêu thụ. Kết quả đó là nhờ làm tốt chiến lược đa dạng hóa thị trường, có sự chủ động trong sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Ung dung vượt qua bão dịch vì không lệ thuộc
Ngay trong những tháng đầu năm 2020, khi dịch diễn biến phức tạp, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An vẫn ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu vào thị trường Malaysia, Philippines, Đức… với tổng giá trị gần 50 triệu USD. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc công ty, khẳng định dù thị trường TQ có biến động thì công ty cũng không bị ảnh hưởng nhiều vì có thể tăng xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường thay thế như Philippines, Trung Đông, Nhật Bản, châu Âu, Mỹ…
“Những năm trước đây, TQ là thị trường truyền thống, xuất khẩu chủ lực của gạo Việt Nam nói chung và của Trung An nói riêng. Nhưng nhận ra thị trường này có rất nhiều rủi ro, bấp bênh nên một số công ty ngành gạo đã có những thay đổi lớn trong việc tăng chất, giảm lượng, đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loại gạo chất lượng cao sang nhiều thị trường khác” - ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, hiện TQ và các thị trường khác đều thích ăn gạo thơm, gạo chất lượng cao nên bản thân mỗi doanh nghiệp (DN) phải thay đổi, đa dạng thị trường, đa dạng sản phẩm. “Chẳng hạn công ty tôi đã xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất gạo sạch theo tiêu chuẩn Global GAP, đầu tư sản xuất gạo thơm, gạo hữu cơ để đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường” - ông Bình chia sẻ.
Xuất khẩu sản phẩm sang 70 thị trường khác nhau nên ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng, cho biết các thị trường tiêu thụ khác ngoài TQ vẫn được xuất khẩu bình thường. Nói cách khác, việc thị trường TQ chững lại do tác động dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công ty.
Để làm được điều đó, ông Đạo cho hay công ty phải đầu tư nhà máy chế biến hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, liên kết bao tiêu sản phẩm với các vùng nuôi để có thể kiểm tra, giám sát đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cao. “Muốn đa dạng thị trường không khó, quan trọng là phải có sản phẩm chất lượng, vượt qua được hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường” - ông Đạo khẳng định.
Còn đối với ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, nguyên tắc để không bị động phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu chính là biết cơ cấu phân bổ thị trường theo nguyên tắc 3-3-2-1.
Cụ thể, công ty phân bổ sản phẩm xuất khẩu theo tỉ lệ: 30% xuất sang Mỹ, 30% sang EU, 20% sang TQ và 10% sang Nhật, Hàn; còn lại bán nội địa hoặc tìm thị trường mới.
Nhiều công ty xuất khẩu trái cây giảm thiểu được rủi ro vì không “bỏ hết trứng vào giỏ” thị trường TQ. Ảnh: QUANG HUY
Chủ động để không rơi vào thế bị động
Thực tế cho thấy trong khi nhiều DN phải ngừng hoạt động vì nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào mỗi thị trường TQ thì vẫn không ít đơn vị gần như không bị ảnh hưởng gì. Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, cho biết 80% nguyên liệu nhựa và hóa chất của ngành phải nhập khẩu từ TQ. Tuy nhiên, ngay khi dịch xảy ra, nhiều đơn vị đã chủ động đa dạng nguồn nguyên liệu nhập từ các nước khác như Hàn Quốc, EU… nên hoạt động vẫn diễn ra bình thường.
“Nhiều đơn vị đã chủ động có kế hoạch sản xuất dài hơi, chuẩn bị nguyên cả năm nên tránh được những rủi ro làm gián đoạn sản xuất” - ông Quốc Anh chia sẻ.
Để giảm rủi ro do quá tập trung vào một thị trường, ông Đào Xuân Nghĩa, Phó Giám đốc Công ty CP Dệt lụa Nam Định (Nasilkmex), chia sẻ thời điểm mà nhiều công ty rơi vào thế bị động vì thiếu nguyên liệu sản xuất thì Nasilkmex vẫn không chịu nhiều ảnh hưởng. Đơn giản vì công ty đã chuyển hướng sang đa dạng thị trường từ trước đó rất lâu.
“Chúng tôi hướng đến việc đa dạng thị trường từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra khiến việc xuất hàng có chút căng thẳng. Ví dụ như bên cạnh thị trường TQ, chúng tôi chuyển hướng sang các thị trường khác như Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc… để có thêm nguồn dự phòng, tránh tình trạng bất khả kháng như vừa rồi” - đại diện Nasilkmex cho biết.
Theo tiết lộ của công ty này, trong số các thị trường tiềm năng về nguồn nguyên liệu cung ứng thì Ấn Độ là thị trường khá mạnh. Không chỉ cạnh tranh về giá thành mà chất lượng nguồn nguyên liệu khá tốt.
Bán vải veston cao cấp sang Nhật Bên cạnh việc đa dạng thị trường còn có giải pháp khác là chủ động nguồn nguyên liệu từ ngay thị trường trong nước. Trong nước hoàn toàn có thể phát triển ngành công nghiệp cung cấp nguyên liệu dệt may. Tôi nghĩ trong thời gian không xa, các DN trong nước có thể làm chủ được. Đơn cử như Nasilkmex, chúng tôi đang sản xuất vải veston cao cấp xuất khẩu đi Nhật. Ông ĐÀO XUÂN NGHĨA, Phó Giám đốc Nasilkmex |
Thay đổi cách tiếp cận thị trường
Bà Hoàng Ngọc Ánh, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng để tránh lặp lại tình cảnh bị động khi phụ thuộc vào một thị trường duy nhất, không còn cách nào khác là phải tăng cường hợp tác với nhiều thị trường khác nhau như ASEAN, châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ... Tuy nhiên, bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường thì một trong giải pháp quan trọng khác là cần phải biết cách khai thác thị trường lớn TQ.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty Xuất khẩu Việt Á Agrifood chuyên xuất khẩu chuối và thanh long, nhìn nhận TQ là thị trường lớn, tiêu thụ hàng hóa nhiều nhất của cả thế giới nên nếu biết cách khai thác thì đầu ra khá ổn định. Hơn nữa, thị trường sát vách Việt Nam nên vận chuyển chi phí thấp.
“Như vậy, ngoài câu chuyện đa dạng thị trường thì để hạn chế rủi ro, các DN nên đa dạng hóa đối tác ngay trong một thị trường xuất khẩu. Ví dụ tại TQ, DN Việt nên làm ăn với nhiều đối tác và quan trọng hơn cả là phải chọn được những đối tác lâu năm, đáng tin cậy” - ông Chất chia sẻ.
Hỗ trợ doanh nghiệp mở thêm thị trường GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, cho rằng đa dạng thị trường là cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro cho hàng Việt. Tuy vậy, đa dạng thị trường không có nghĩa là cứ mở thật nhiều thị trường là tốt mà quan trọng không kém là phải khai thác hiệu quả, ổn định, lâu dài và khẳng định được thương hiệu chất lượng tại thị trường đó. Thêm vào đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi đơn vị kinh doanh, các cơ quan nhà nước cũng phải xắn tay áo hỗ trợ DN bằng cách đàm phán mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiếp thị sản phẩm. “Hiện nay, Việt Nam chỉ xuất được chính ngạch tám, chín loại nông sản sang TQ là quá ít” - ông Xuân dẫn chứng. Cũng theo GS Võ Tòng Xuân, TQ đã thay đổi cách làm ăn, họ nhập tăng cường chính ngạch, đặt ra nhiều tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Vì thế hàng Việt phải thay đổi theo hướng tăng chất lượng, sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt nhà kinh doanh Việt phải nắm được nhu cầu của người tiêu dùng TQ ở mỗi tỉnh, thành nhằm giảm rủi ro trong buôn bán.
Khắc phục những hạn chế cố hữu TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận cơ hội mở cửa vào các thị trường lớn cho hàng hóa Việt với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… là rất lớn. Nhưng để tận dụng được cơ hội này thì nền sản xuất Việt Nam phải chủ động thay đổi và khắc phục những hạn chế cố hữu là sản xuất nhỏ, yếu kém trong chế biến. “Mặc dù các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết tạo cơ hội cho DN mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng đây là những thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm. DN Việt Nam nếu không nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu sẽ mất cơ hội khai thác thị trường” - ông Thành nói. |