'Tôi sợ nhất là có ổ dịch khác ở TP.HCM mà chưa phát hiện ra'

Chiều 10-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã có buổi làm việc trực tuyến với TP.HCM về tình hình dịch trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội dự đầu cầu TP.HCM. Ảnh: TTBC

Phát biểu tại cuộc họp, một lần nữa Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, nhấn mạnh tình huống bất ngờ là những ca F1 xét nghiệm âm tính nhưng F2 liên quan đến F1 này lại dương tính (TP.HCM có đến 15 ca như vậy).

Ông cho rằng tình huống này khá phức tạp và không theo logic thông thường. Do vậy, việc lây truyền từ F1 âm tính sang F2 dương tính, trở về F0, đã làm các xét nghiệm kháng thể với SARS-CoV-2 đối với nhân viên của công ty VIAGS. Trong số 570 xét nghiệm kháng thể thì phát hiện có 2 trường hợp có kháng thể với SARS-CoV-2.

“Hôm qua Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng đã đề nghị chúng tôi nghiên cứu và giải thích được vì sao F1 âm tính nhưng F2 lại dương tính. Những giả thuyết ban đầu chúng tôi đang xây dựng, tuy nhiên có hai giả thuyết tương đối nổi trội”, 

Hai giả thuyết mà ông Sơn nói đến, gồm: Thứ nhất, F1 đã qua thời gian kháng nguyên dương tính trở thành âm tính và F2 đang ở giai đoạn kháng nguyên dương tính. Giả thuyết thứ hai, có thể F1 chính là F0 đầu tiên lây nhiễm cho ca bệnh đầu tiên là bệnh nhân 1979.

Để có đánh giá chính xác, ông Sơn cho rằng TP.HCM cần xét nghiệm trên diện rộng với những ca tiếp xúc, người nhà liên quan các ca mắc COVID-19 đã ghi nhận thời gian qua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP

Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng tình huống bất giờ mà Thứ trưởng Bộ Y tế nêu ra là F1 âm tính nhưng F2 lại dương tính, có khả năng đã bỏ qua một tình huống khác rất đáng lo ngại. “Điều tôi sợ nhất là ổ dịch khác ngoài sân bay Tân Sơn Nhất” – ông Đam nói và giả định rằng trong cộng đồng đã tồn tại những ổ dịch khác mà lực lượng y tế chưa phát hiện ra.

“Tôi từng nói phải xác định tất cả nguồn lây nhiễm đều có nguy cơ như nhau. Ngoài việc truy vết ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM cần xét nghiệm thêm những khu vực có nguy cơ cao khác như quán cà phê, bến xe, khu vực cửa ngõ” – ông Đam nói.

Ngoài ra, ông Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ Y tế chuyển ngay 30.000 kit xét nghiệm kháng nguyên cho TP.HCM để phục vụ công tác truy vết, tìm ra nguồn gốc của ổ dịch.

“Hiện tại, chúng ta đã có 150.000 kit xét nghiệm kháng nguyên để chia về các tỉnh. Số kit này sẽ ưu tiên gửi về TP.HCM để phục vụ công tác xét nghiệm, điều tra nguồn gốc dịch trên diện rộng” – ông Đam đề nghị.

Từ ngày 27-1 đến 13 giờ ngày 9-2, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 33 trường hợp mắc COVID-19. Tổng số ca mắc COVID-19 phát hiện tại TP.HCM là 202, trong đó 159 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 43 trường hợp đang điều trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm