TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu y khoa Woolcock Việt Nam (ĐH Sydney, Úc), cho biết việc phát triển các giải pháp để giảm đến mức tối thiểu ảnh hưởng của COVID-19 có nhiều triển vọng.
Theo bà Thu Anh, nếu tiếp cận ở góc độ một nhà khoa học về y tế, việc theo đuổi các giải pháp để đạt “zero COVID” hay “zero” bất kỳ loại bệnh nào, như lao phổi, sốt xuất huyết… là rất quan trọng. Mục tiêu này rất cao và có thể chưa đạt được ngay nhưng nếu có cơ hội thì nhiều năm sau sẽ đạt được.
Vấn đề là: Đặt mục tiêu cao nhưng có khả thi không? Đợt dịch COVID-19 này có tác động rất lớn về sinh mạng con người và đời sống xã hội, nền kinh tế toàn cầu. Trước áp lực đó, nền khoa học của thế giới cũng phát triển cực kỳ nhanh chóng, trong đó có vaccine và thuốc mới để ngăn ngừa và chữa trị COVID-19. Điển hình như vaccine dùng công nghệ mRNA. Đây không phải công nghệ mới được nghiên cứu nhưng COVID-19 đã tạo ra một “cú hích” mạnh mẽ để vaccine công nghệ mới ra đời, có hiệu quả cao.
“Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là để đạt được miễn dịch cộng đồng thì ngoài hiệu quả vaccine phải cao, chúng ta cần đảm bảo được hai yêu cầu khác: (i) phải tiêm vaccine cho hầu hết người dân; (ii) tốc độ tiêm chủng nhanh, đảm bảo độ phủ vaccine cao trong thời gian ngắn” - bà Thu Anh nói.
Chuyên gia này nói thêm: Khi chưa có biến thể Delta, thế giới đã có vaccine hiệu lực cao, đảm bảo tiêu chí đầu tiên. Tuy nhiên, chúng ta đã không thể tiêm đủ rộng và tiêm đủ nhanh. Đến nay, nhiều quốc gia, điển hình như ở châu Phi, vẫn chưa có nguồn cung dồi dào. Chúng ta đã không thể tiêm rộng và tiêm nhanh vì nguồn cung hữu hạn, các nước cạnh tranh nhau, nhiều người bài xích vaccine... Điều đó khiến đại dịch bùng phát và Delta xuất hiện tạo ra sức công phá ghê gớm như vừa qua.
Hiện nay, sự điều phối vaccine đã tốt hơn, nhiều nước nghèo và đang phát triển đã tiếp cận vaccine dễ dàng hơn nhờ nguồn cung bắt đầu dồi dào hơn trước rất nhiều. Các cơ chế mua bán, hỗ trợ, chia sẻ vaccine cũng cởi mở hơn. Các nhà máy sản xuất vaccine, ví dụ của AstraZeneca, Pfizer… đã xuất hiện nhiều hơn ở các quốc gia khác chứ không chỉ Mỹ hay châu Âu.
Ngoài ra, sự phát triển vượt bậc của công nghệ vaccine cho chúng ta thấy trong thời gian tới, khi chúng ta có thêm số liệu, kinh nghiệm, nguồn lực, sáng kiến… thì chúng ta sẽ có thể tìm ra thêm các loại vaccine hiệu quả cao hơn hiện nay. Ví dụ, với vaccine mRNA, chúng ta có thể điều chỉnh vaccine rất nhanh trong thời gian ngắn để đối phó với các biến chủng mới. Không chỉ Mỹ mà Nhật Bản, Trung Quốc… cũng nghiên cứu công nghệ vaccine mới.
Ngoài công nghệ mRNA, người ta còn kỳ vọng vào vaccine dùng công nghệ DNA, ví dụ như Ấn Độ đã công bố loại vaccine này có tên là ZyCoV-D. Hiệu quả thế nào thì còn phải chờ. Tuy nhiên, rõ ràng loài người chúng ta không chấp nhận từ bỏ hay ngừng lại. Các nhà khoa học đang tìm kiếm các loại vaccine mới có hiệu lực cao hơn, với thời gian duy trì nồng độ kháng thể tối ưu dài hơn (chứ không phải giảm kháng thể theo thời gian như một số loại vaccine hiện nay) hoặc vaccine mới có thể kích hoạt đáp ứng miễn dịch tế bào T mạnh hơn.
Việt Nam cần đi con đường lớn hơn Muốn chống dịch hiệu quả dựa vào vaccine hay thuốc điều trị thì Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn. Thứ nhất, việc phát triển vaccine trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế thì sự tham gia của Nhà nước, nhất là việc đầu tư vào khâu nghiên cứu và thử nghiệm là rất quan trọng. Ví dụ, vaccine Việt Nam muốn được thử nghiệm ở các nước như châu Phi (nơi độ phủ vaccine còn thấp) thì một mình doanh nghiệp không đủ sức. Quy chuẩn để vaccine ra sân chơi quốc tế là rất ngặt nghèo nên Nhà nước hỗ trợ thì mới đạt. Ngoài ra, việc chủ động để các nước đặt nhà máy sản xuất vaccine, các trung tâm nghiên cứu vaccine; hay khuyến khích các nhóm chuyên gia đủ năng lực, theo chuẩn quốc tế tham gia vào hoạt động sản xuất vaccine, thuốc chữa trị là rất quan trọng. Lâu nay chúng ta chưa làm tốt điều này nhưng đại dịch COVID-19 đã đặt ra yêu cầu chúng ta phải “bước ra con đường lớn hơn”. TS NGUYỄN THU ANH |