PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH CỦA QUỐC HỘI ĐINH VĂN NHÃ:

‘Tôi xung phong nhận khoán xe công’

Tại một cuộc họp mới đây với Bộ Tài chính, nhiều địa phương tiếp tục nại đủ lý do để xin mua xe công thêm, dù trong đợt rà soát gần đây đã đưa ra kết quả dư 7.000 chiếc. Năm 2015, cả nước cũng đã sắm thêm 600 xe mới. Liên quan đến vấn đề này, Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc phỏng vấn với Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội (QH) Đinh Văn Nhã (ảnh) sáng 4-7.

Xe mua thêm chủ yếu là xe chuyên dụng

. Phóng viên: Thưa ông, đang có 7.000 xe công dư thừa nhưng năm 2015 chúng ta vẫn tiếp tục mua sắm tới 600 xe công. Ủy ban TC-NS của QH nhìn nhận việc này thế nào?

+ Ông Đinh Văn Nhã: Năm năm gần đây thì Ủy ban TC-NS bao giờ cũng tham mưu cho QH siết chặt việc quản lý mua sắm công, đặc biệt là đối với xe công.

Với xe công, chỉ cho phép Chính phủ bố trí ngân sách từ trung ương đến địa phương để mua xe công đối với xe chuyên dùng, chẳng hạn xe chở tiền của kho bạc, sử dụng an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, bão lũ, hộ đê… nếu thiếu và thực sự cần. Cho nên trên 600 xe mới mua trong năm 2015 thì phần lớn là xe chuyên dụng.

Mặt khác cũng có thể phát sinh hằng năm một số xe phục vụ cho lãnh đạo theo tiêu chuẩn, ví dụ: lãnh đạo mới được bổ nhiệm hoặc dùng xe đã quá cũ rồi, hết hạn sử dụng ảnh hưởng đến tính mạng thì phải được xem xét.

Còn về cơ bản xe mới thông thường là không bố trí ngân sách các cấp trong năm năm vừa rồi.

. Vậy lý giải sao về con số dư ra 7.000 xe công là từ đâu, thưa ông?

+ Có 7.000 xe công dư này là sau khi chúng ta rà soát lại theo Quyết định 32/2015 của Thủ tướng về quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công.

Bản chất của quy định mới này là siết chặt hơn về số đầu xe của từng đơn vị; cấp lãnh đạo được sử dụng xe công… tất cả được siết chặt hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, trong số xe này nhiều xe đã đến hạn thanh lý hết rồi nhưng chẳng qua quá trình thanh lý không diễn ra mà người ta vẫn cố gắng tận dụng, khai thác. Cho nên số 7.000 xe này nếu gọi là xe có chất lượng sử dụng tốt tôi nghĩ chắc không quá 1/2 đâu, số lớn là đã đưa vào diện thanh lý.

. Nhưng việc thanh lý này người ta đang đặt ra câu hỏi là bán cho ai và bán như thế nào. Cái này cần phải hết sức rõ ràng, thưa ông.

+ Hiện nay ta phải làm theo hướng tổ chức bán thanh lý tập trung, tùy theo quy mô quốc gia hay quy mô khu vực, quy mô địa phương. Nhưng trước hết có lẽ là tập trung bán thanh lý theo quy mô địa phương thay vì từng sở, ban ngành tự thanh lý như trước đây.

Các địa phương có thể tập trung 5-7 xe lại giao cho một cơ quan quản lý công sản tổ chức bán tập trung và buộc phải theo hình thức đấu giá công khai.

Theo ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, sắp tới Quốc hội sẽ siết lại việc quản lý và mua sắm xe công. Ảnh: LÊ PHI

“Khoán xe công, phải làm thôi”

. Một vấn đề khác cũng đang được quan tâm là nghị quyết khoán xe công đã được QH đưa ra trước đây rất hữu ích, tiết kiệm nhưng lại có rất ít người nhận khoán. Theo ông, tại sao thế?

+ Thực ra thì việc khoán xe công là chủ trương mà chúng ta đã đưa ra khoảng 7-8 năm trước nhưng lại không đi vào cuộc sống được. Lác đác ở QH cũng chỉ có một vài đại biểu (ĐB) QH nhận khoán ở nhiệm kỳ trước. Ở nhiệm kỳ này cũng có 4-5 ĐB nhận khoán. Nhưng hiện nay tôi cho rằng cái mức khoán chưa rõ ràng, chưa khuyến khích những người theo tiêu chuẩn được bố trí xe công đưa đón nhận khoán.

Quyết định mới của Thủ tướng về xe công trên đây cũng chỉ với tinh thần là khuyến khích khoán xe công chứ chưa phải là bắt buộc những người có tiêu chuẩn phải nhận khoán. Tôi cho rằng đây là câu chuyện mà chúng ta phải có quyết tâm cao hơn, làm mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn. Tôi đề nghị không nên “khuyến khích” mà phải là “bắt buộc” khoán xe công.

. Theo ông, cần quy định bắt buộc như thế nào?

+ Là bắt buộc những đối tượng, người có tiêu chuẩn được sử dụng xe công phải nhận khoán. Ví dụ phải bắt buộc một người cấp phó như tôi nhận khoán, tính luôn vào lương để họ tự chi phí cho việc đi lại của mình.

Tôi nghĩ cũng chỉ nên dành xe công cho thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương thôi, còn cấp phó nên đưa vào khoán hết. Việc này nên làm đi, vì giờ đã là muộn.

. Vậy ông có ủng hộ việc bắt buộc khoán xe công thẳng vào lương luôn không?

+ Tôi xung phong. Việc này làm càng sớm càng tốt. Tôi nghĩ rằng làm sớm thì dân được nhờ.

. Xin cám ơn ông.

. Phóng viên: Chúng ta sẽ giám sát việc mua sắm xe công như thế nào trong thời gian tới?

+ Ông Đinh Văn Nhã: Theo phân công thì kỳ họp cuối năm nay sẽ xem xét trình QH cho ý kiến và thông qua Luật Quản lý sử dụng tài sản công, trong đó có vấn đề mua sắm công.

Với vấn đề xe công, quan trọng là quản lý xe công. Chúng tôi cũng sẽ có kiến nghị với QH sửa đổi nhiều vấn đề mới liên quan đến quản lý xe công trong giai đoạn tới. Trong đó có những hình thức rất quan trọng là mua sắm tập trung, thanh lý tập trung. Thay vì 500 xe phân tán cho 500 đơn vị mua thì bây giờ ta mua tập trung 500 xe. Điều đó sẽ giảm được một số tiền rất là lớn mà nó vẫn đảm bảo chất lượng xe. Đây là thông lệ rất tốt của quốc tế.

Trong thời gian tới việc mua sắm xe công này sẽ được giám sát chặt hơn. Thậm chí theo dự kiến của QH là tiêu chuẩn của những người sử dụng trụ sở làm việc và xe công thay vì Chính phủ quyết định như trước đây thì sắp tới là Chính phủ sẽ quyết định sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH.

Theo đó, việc quản lý, mua sắm xe công sẽ chặt chẽ hơn, sẽ giảm được sự phình ra của việc mua sắm xe công như hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm