Thông tin mới đây trên báo chí thì công an tỉnh Bạc Liêu đang tiến hành làm rõ vụ một chiếc xe khách đang vận chuyển hàng trăm kg tôm nghi có bơm tạp chất.
Công an tỉnh Bạc Liêu kiểm tra các thùng nghi chứa tôm bơm tạp chất. Ảnh: Dân Trí
Thông tin ban đầu cho biết khoảng 16h ngày 17/5 lực lượng CSGT Công an tỉnh Bạc Liêu phát hiện xe khách BKS 69B-005.55 đi từ hướng Cà Mau lên Bạc Liêu đang vận chuyển 7 thùng xốp, bên trong chứa khoảng 300kg tôm nghi có bơm tạp chất là agar (rau câu). Lực lượng chức năng sau đó đã tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định.
Tác hại khi bơm tạp chất vào tôm
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định trên báo chí, việc bơm tạp chất vào tôm trước hết phải nói đến là hành vi gian lận thương mại. Theo đó việc đưa tạp chất vào tôm nhằm làm tăng khối lượng, kích cỡ, thay đổi kết cấu tôm hay đánh lừa cảm giác về độ tươi của sản phẩm... Theo các tài liệu kỹ thuật, lượng tạp chất tối đa đưa vào tôm có thể lên tới 10%, cá biệt có trường hợp có thể lên tới 20%. Tức là trong 10 kg tôm bơm tạp chất, có thể có tới 02 kg tạp chất. Loại tạp chất thường được sử dụng để bơm vào tôm giúp tôm thêm cân nặng chính là bột agar hay còn gọi là bột rau câu, ngoài ra còn có Adao (gelatin), tinh bột,… hoặc có thể là hỗn hợp của các chất trên.
Vị chuyên gia chia sẻ, bột rau câu là loại bột có thể ăn được, do đó nếu ăn tôm có bơm ít tạp chất là bột agar thì chúng ta cũng không cần thiết phải quá lo lắng. Tuy nhiên, hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi cho cá nhân thì nhất thiết phải lên án. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng khẳng định, việc ăn tôm bơm tạp chất về lâu dài cũng có thể gây nguy hại đường tiêu hóa, nhẹ thì ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy, nặng hơn có thể tích tụ chất độc, chất bẩn trong người gây bệnh mãn tính. Bởi khi tôm, cá... có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển.
Bên cạnh đó Ban An toàn thực phẩm TP.HCM (ATTP) cũng lưu ý nếu các phương thức đưa tạp chất vào tôm được thực hiện bằng các dụng cụ, phương tiện mất vệ sinh, thì phần lớn sản phẩm tôm có tạp chất cũng sẽ không đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nhận biết tôm chứa tạp chất
Để tránh mua phải tôm bị bơm tạp chất, Ban ATTP TP.HCM đã chỉ ra các cách nhận biết như sau:
Quan sát bên ngoài
Quan sát tổng quát toàn thân cho đến chi tiết từng bộ phận bên ngoài của tôm theo trình tự từ đầu đến đuôi, chú ý quan sát phần đầu, thân và đuôi tôm.
+Phần đầu tôm: tôm đã bị bơm tạp chất thường có phần đầu bị phù, thậm chí nhô hẳn lên so với thân. Nắp mang phồng, ngậm nước.
+ Phần thân: tôm có tạp chất có phần vỏ bụng đốt 1 hoặc đốt 3 (tính từ đầu xuống đuôi) bị trương phồng, ngậm nước, sờ tay vào thấy nổi vẩy.
+ Đốt thứ 3 bị giãn, thân tôm bị căng, thậm chí căng tròn mất tự nhiên.
Tôm có tạp chất phần cánh đuôi sẽ xòe. Ảnh: Ban ATTP TP.HCM
+ Phần đuôi: dấu hiệu tôm bị bơm tạp chất tại phần đuôi tương đối dễ nhận biết, đó là gai đuôi vểnh, cánh đuôi xòe.
Quan sát khi bóc tôm
+ Bóc vỏ đầu ức: cầm tôm dốc đầu xuống dưới, dùng tay bóc vỏ đầu ức tôm để lộ ra phần thịt đầu. Dùng mũi dao nhọn khéo léo lật và gạt khối gạch (gan tụy) lên để lộ xoang đầu ức. Quan sát tình trạng xoang đầu ức có đọng chất dịch khả nghi hay không. Nếu là tôm tự nhiên sẽ không có dịch.
Ở những thân tôm bị bơm tạp chất, có thể thấy rõ các đốt cơ bị phù nề không tự nhiên. Ảnh: Ban ATTP TP.HCM
+ Bóc vỏ thân tôm: sau khi bóc vỏ thân tôm, cần chú ý quan sát vẻ bề ngoài của thân tôm, đặc biệt ở các đốt thịt thứ 3, 4 và 6 xem có biểu hiện của sự phù nề các đốt cơ hay không. Ở những thân tôm bị bơm tạp chất, có thể thấy rõ các đốt cơ bị phù nề không tự nhiên. Đối với tôm bị bơm nhiều tạp chất, dùng kim châm vào vị trí bụng hay lưng đốt cơ bị phù nề và lấy tay nặn có thể thấy tạp chất đùn ra.
Do đó để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và chống lại các hành vi gian lận thương mại, người tiêu dùng nên áp dụng các mẹo nhận biết tôm chứa tạp chất.