Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người trưởng thành ở Việt Nam cần ăn mỗi ngày khoảng 5g muối. Lượng muối ăn vào sẽ phải giảm dần nếu chúng ta mắc phải các bệnh liên quan đến tim mạch và thận.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc ăn quá nhiều muối (ở đây nói chung cho các gia vị chứa natri) sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tai biến, mạch não, tăng huyết áp và các bệnh thận. Thực tế, hàng ngày người Việt Nam chúng ta đang ăn gấp đôi số lượng cần thiết. Do đó, để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng cần giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày. Viện dinh dưỡng quốc gia, đã chỉ ra một số thực phẩm chứa hàm lượng muối cao, nên tránh dùng trong các khẩu phần ăn hàng ngày.
Các món mắm
Mắm là món ăn phổ biển trong bữa cơm gia đình của người Việt, không chỉ mắm thông thường, các loại mắn như mắm cá, mắm tôm chua, mắm ruốc, mắm tôm... thường chứa hàm lượng muối cao.
Theo Viện dinh dưỡng quốc gia, các loại mắm này được làm từ các loại cá, tôm, ruốc, moi, tép, cua, cáy trộn cùng muối và một số gia vị khác đặc trưng rồi ủ trong một thời gian cho lên men, tạo ra màu sắc và hương vị đặc trưng. Lượng muối trong các loại thực phẩm này đặc biệt cao, ví dụ chỉ với 5g mắm tôm chứa 515 mg muối, 5g mắm tép chua chứa 135mg muối.
Các món muối thực phẩm để lên men
Viện dinh dưỡng chỉ ra các món muối quen thuộc như dưa muối, cà muối, kiệu, dưa chuột muối… Những món ăn này được làm bằng cách ngâm các loại củ này với nước pha muối. Theo ước tính lượng muối trong 100g dưa chuột muối khoảng 2,5g muối.
Các loại thịt, cá “ăn liền”, đóng hộp
Các loại thực phẩm ăn liền như giò, chả, ruốc, xúc xích, thịt xông khói, thịt hộp, cá hộp… cũng đã có chứa muối. Do đó đây cũng là những thực phẩm nên hạn chế chấm thêm gia vị chứa muối trong khi ăn.
Các loại súp, nước dùng, nước sốt
Viện dinh dưỡng chỉ ra trong 1 bát nước phở, nước bún cá, bún riêu cua (tương đương 200ml nước dùng) chứa khoảng 2-4gr muối.
Các loại mì ăn liền, pizza, spaghetti
Trong Pizza chứa lượng muối tiềm ẩn, vì thế hãy cẩn trọng khi ăn, nhất là khi bạn có vấn đề về thận. Ảnh: Internet
Mì ăn liền, pizza, spaghetti đều là những thực phẩm chứa nhiều muối tiềm ẩn bên trong nhân và bột bánh của chúng. Do đó càng ăn nhiều bạn càng nhận lượng muối đi vào cơ thể nhiều hơn.
Đồ ăn vặt
Một số đồ ăn vặt như bimbim, hạt điều rang muối, bánh gạo vị mặn cũng chứa nhiều muối. Viện dinh dưỡng ước tính trong gói bim bim 48g có tới gần 900mg muối; trong 1 chiếc bánh gạo chỉ nặng 3g có tới 195 mg muối.
Hải sản
Hầu hết các loại hải sản đều chứa nhiều muối hơn các loại sinh vật sống trong nước ngọt. Nên lưu ý khi nấu, chế biến các loại thực phẩm này, cho thêm ít muối hơn các loại khác, đặc biệt là khẩu phần ăn của người bị tim mạch, huyết áp và thận.
Một số cách để hạn chế muối trong chế độ ăn
Không để nước mắm, nước tương và muối trên bàn ăn
Hạn chế lượng muối, bột canh, nước mắm… cho vào thức ăn khi nấu nướng, mức tối đa là không quá một phần năm thìa cà phê muối cho một bữa ăn của một người một ngày.
Hạn chế thường xuyên sử dụng các sản phẩm có hàm lượng muối cao như khoai tây chiên, pizza, thực phẩm đóng hộp…
Lựa chọn các sản phẩm có hàm lượng muối thấp khi mua thực phẩm chế biến sẵn.
Đọc nhãn khi mua thực phẩm đã được chế biến sẵn để kiểm tra hàm lượng muối.
Nên cho trẻ em ăn thực phẩm tự nhiên và kiểm soát chặt chẽ việc thêm các gia vị mặn.