Theo số liệu của cuộc điều tra năm 2015 cho thấy mức tiêu thụ muối trung bình của mỗi người Việt trong một ngày là 9,4 g, trong đó nam 10,5 g và nữ 8,3 g, gấp hai lần so với khuyến cáo của thế giới. Khoảng 90% người Việt ăn thừa muối.
Khoảng 90% người Việt ăn mặn vượt quá mức khuyến cáo của thế giới. Ảnh: Internet
Như vậy, có thể thấy khoảng 90% người Việt Nam đang ăn mặn quá mức khuyến cáo. Việc tiêu thụ quá nhiều muối trong bữa ăn hằng ngày gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. ThS-BS Trần Thị Hồng Loan, chuyên gia dinh dưỡng cấp cao của Viện Dinh dưỡng NutiFood, cho hay: "Khoa học đã chứng minh rằng thói quen ăn mặn, nhiều muối, natri hay các gia vị chứa muối có ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe".
Theo BS Loan, hàm lượng (muối) natri có nhiều trong muối, bột ngọt và các loại gia vị có muối như nước mắm, nước tương, bột nêm, bột canh, bột ngọt… Cũng theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì có tới 70% nguồn muối là từ muối, mắm và gia vị mặn cho vào thực phẩm khi chế biến thức ăn. 20% từ thực phẩm chế biến sẵn. Khoảng 10% từ muối có sẵn trong thực phẩm tự nhiên.
Vậy hậu quả của việc ăn mặn là gì?
Chia sẻ với báo Pháp Luật TP.HCM, ThS-BS Trần Thị Hồng Loan đã chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của việc tiêu thụ nhiều muối và natri... như tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và thậm chí là ung thư.
Cao huyết áp và bệnh tim mạch
Theo BS Loan, thận có vai trò loại bỏ hàm lượng natri dư thừa trong máu và sẽ gặp rắc rối khi natri trong máu tăng cao. Khi chúng ta nấu nướng và tiêu thụ thức ăn quá mặn, lượng muối ăn đi vào cơ thể quá nhiều, vượt quá khả năng loại bỏ của thận. Lúc này cơ thể sẽ giữ nước để pha loãng natri, dẫn đến tăng lượng dịch xung quanh tế bào làm sưng phù và tăng thể tích máu, tạo gánh nặng cho tim. Theo thời gian, áp lực máu tăng sẽ dẫn đến bệnh cao huyết áp, nhồi máu cơ tim và đột quỵ, nếu kéo dài sẽ dẫn đến suy tim. Được biết cao huyết áp chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch với 2/3 các ca đột quỵ và 1/2 số ca bệnh tim.
Rối loạn chức năng thận
Ăn quá mặn sẽ gây rối loạn chức năng của thận. Ảnh: Internet
Ăn nhiều muối sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, tăng khả năng hình thành sỏi thận và tình trạng huyết áp cao cũng gây hại cho thận.
Loãng xương
Các nghiên cứu cho thấy số lượng canxi mà cơ thể thải qua thận sẽ gia tăng theo số lượng muối ăn vào và khẩu phần ăn giảm muối sẽ tạo ra cân bằng dương cho canxi, tức làm giảm tình trạng mất canxi. Điều này cho thấy ăn nhiều natri sẽ làm tăng đào thải canxi, gây thiếu xương và loãng xương.
Ung thư
BS Loan cho hay có rất nhiều nghiên cứu cho thấy khẩu phần ăn nhiều muối và natri hay nhiều thức ăn ướp muối, gia vị mặn có liên quan tới việc gia tăng ung thư dạ dày.
Do đó, chúng ta nên tập thói quen ăn nhạt, giảm bớt lượng muối trong khi chế biến và tiêu thụ thực phẩm. WHO khuyến cáo mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5 g muối/ngày (tương đương một thìa cà phê) để phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ, các bệnh tim mạch, ung thư và bệnh không lây nhiễm khác.