Tôm thẻ chân trắng: Bộ này cảnh báo, bộ nọ cho nuôi!

Tính đến đầu tháng 6, diện tích tôm sú nuôi tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị dịch bệnh chết đã lên hơn 53.000 ha. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp nhiều tỉnh và nông dân đang chọn thả nuôi TTCT.

Nuôi theo phong trào và… mất trắng

TTCT có tên khoa học là Litopenaeus vannamei hoặc Penaeus vannamei. Theo những thông tin của chúng tôi, TTCT xuất hiện đầu tiên ở ĐBSCL tại Công ty Duyên Hải Bạc Liêu (100% vốn nước ngoài) khoảng năm 1999-2000, dưới danh nghĩa nhập giống nuôi thử nghiệm.

Tại thời điểm đó cũng có nhiều ý cảnh báo về những mối nguy hại tiềm ẩn do loài tôm này gây ra cho hệ sinh thái tự nhiên, an toàn dịch bệnh. Loài tôm này thường mắc những bệnh của tôm sú, mang hội chứng Taura từng gây nên dịch lớn ở Nam Mỹ và các bệnh khác có thể lây nhiễm sang các đối tượng tôm bản địa, làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất và môi trường tự nhiên của Việt Nam.

Nhưng dù có khuyến cáo, sau một thời gian nuôi thử nghiệm, đến năm 2008, Bộ NN&PTNT có chủ trương cho phát triển nuôi đối tượng này nên sản lượng và diện tích tăng lên nhanh chóng, ước khoảng 8.000 ha năm 2008.

Được Bộ NN&PTNT bật đèn xanh giữa lúc tôm sú bị dịch bệnh chết liên miên nên nhiều người nuôi tôm ở ĐBSCL chọn TTCT vì lời quảng cáo: Giá thành nuôi thấp, cho năng suất cao (có thể đạt năng suất 12-24 tấn/ha). Hiện tại trên thị trường, 1 kg TTCT loại 100 con/kg được thương lái thu mua với giá hơn 100.000 đồng, loại 40-50 con/kg giá còn cao hơn.

Tôm thẻ chân trắng thả nuôi ở Bến Tre.

Tại Long An, năm 2009, TTCT được nuôi ở huyện Cần Đước và trúng đậm. Năm 2010, TTCT được thả nuôi nhiều hơn và tiếp tục thắng lớn nên năm 2011 nông dân đua nhau nuôi. Chỉ riêng xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, trong 800 ha đất nuôi tôm đã có khoảng 650 ha được thả nuôi TTCT. Nông dân các huyện khác cũng chạy theo phong trào, thả nuôi ồ ạt.

Nhưng ngay sau đó thì con TTCT bộc lộ nhược điểm: thống kê của Chi cục Thủy sản Long An cho thấy đầu năm 2011, cả bốn huyện nuôi TTCT đều bị thiệt hại do dịch bệnh, tôm chết vì bệnh đốm trắng, đỏ thân và đặc biệt là bệnh Taura... Chỉ riêng xã Tân Chánh đã có hơn 300 ha tôm bị dịch bệnh chết trắng.

Ông Trần Văn Sang, chủ đầm tôm rộng 6.000 m2 ở ấp Đông Nhì, xã Tân Chánh, rầu rĩ nói: “Tui thả đợt tôm giống đầu tiên chỉ sau 20 ngày thì nổi đầu chết hết. Tui lấy làm lạ, xử lý lại đầm nuôi và thả tiếp một đợt tôm giống nhưng sau ba tuần cũng chết hết. Kết quả là mất trắng hơn 20 triệu đồng tiền mua con giống, công cán, hóa chất xử lý ao”.

Thống kê của ngành chức năng cho thấy vụ nuôi tôm đầu năm 2011 trên địa bàn Long An có hơn 500 ha TTCT bị nhiễm bệnh chết khiến nông dân thiệt hại gần 4 tỉ đồng. Ông Dương Ngọc Hùng, cán bộ khuyến nông xã Tân Chánh, nói con TTCT làm người nuôi thiệt hại ít nhất 15 triệu đồng/ha. Trong khi đó tại các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng…, nhiều chủ đầm nuôi tôm cho biết: TTCT cũng bệnh bị chết ào ào không khác gì con tôm sú.

Phớt lờ cảnh báo

Trên thực tế, dù cho phép thả nuôi TTCT nhưng ngay cả các quan chức của Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo ngành nông nghiệp và nông dân các tỉnh phải cẩn trọng với loài sinh vật ngoại lai này.

Cuối tháng 4-2011, tại tỉnh Sóc Trăng, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức một hội nghị liên quan đến việc quy hoạch nuôi TTCT do ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, chủ trì. Thông tin từ hội nghị cho thấy năm 2010, diện tích nuôi TTCT của cả nước hơn 25.300 ha, trong đó các tỉnh miền Trung và miền Bắc là 17.960 ha, chiếm hơn 72% tổng số diện tích, còn lại là các tỉnh ĐBSCL. Ông Tuấn đã khuyến cáo các địa phương khi thả nuôi TTCT phải phát huy được lợi thế của loài này; TTCT không phải loài thay thế con tôm sú và chỉ khuyến khích phát triển nuôi trong vùng đã được quy hoạch.Tổng cục Thủy sản sẽ khuyến nghị với Bộ NN&PTNT cho phát triển nuôi TTCT nhưng phải nuôi thâm canh, có điều kiện theo dõi, quản lý chặt chẽ. Nếu nuôi quảng canh loài này thì cần xem lại hiệu quả và dự báo các rủi ro có thể xảy ra cho môi trường tự nhiên.

Trong khi đó, các nhà khoa học về thủy sản ở ĐH Cần Thơ cũng cho rằng việc thả nuôi TTCT trên diện rộng cần phải được quản lý chặt chẽ vì loài này có thể lây truyền bệnh Taura cho tôm sú. Việc TTCT chết ồ ạt gần đây còn có nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng con giống, môi trường nước, kỹ thuật nuôi. Cho đến nay chưa có bằng chứng chứng minh con TTCT lai tạp với tôm bản địa và cạnh tranh môi trường sống với các sinh vật bản địa hoặc có khả năng đào phá đê điều như con tôm hùm nước ngọt.

Nhưng hiện tại TTCT vẫn đang thu hút người nuôi tôm ở ĐBSCL. Chỉ riêng tại Bến Tre, trong ngày 1-7, các cơ quan hữu trách đã làm thủ tục kiểm dịch cho 12,8 triệu con giống TTCT. Trong khi đó ở các tỉnh vùng bán đảo Cà Mau, giống TTCT đang tiêu thụ rất mạnh dù giá bán đã lên đến gần 100 đồng/con, tăng hơn 30% so với hồi tháng 3-2011. Nhiều người không giấu âu lo: Sau cây mai dương, con ốc bươu vàng, cá lau kiếng, rùa tai đỏ, tôm hùm đỏ nước ngọt… nay môi trường tự nhiên ĐBSCL đang tiếp tục đối mặt với một loài nguy hại khác.

HÙNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới