Đây là thông tin được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra ở hội thảo quốc tế về giảm tổn thất điện năng do Hội Điện lực Việt Nam tổ chức ngày 7 và 8-9 tại Hà Nội.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN, cho biết trong năm năm qua, tổn thất điện năng đã giảm được từ 10,15% (năm 2010) xuống còn 7,94% (năm 2015). Với 160 tỉ kWh điện sản xuất trong năm 2015 thì 1% giảm tổn thất sẽ mang lại hiệu quả rất lớn.
Theo kế hoạch, năm 2016, EVN phải đưa tỉ lệ tổn thất điện năng xuống còn 7,7%. Tuy nhiên, đây là một thách thức không nhỏ đối với EVN và các đơn vị thành viên. Tính đến hết tháng 6-2016, tỉ lệ này của EVN là 7,92%, cao hơn kế hoạch 0,22%.
Đầu tư thêm thiết bị, củng cố lưới điện là giải pháp giảm tổn thất điện năng. Ảnh: TP
Theo ông Ngô Sơn Hải, giảm tổn thất điện năng không thể đưa về mức 0% do đặc tính kỹ thuật của hệ thống điện sẽ có một mức tổn thất kỹ thuật nhất định. Mức cao hay thấp tùy thuộc vào kết cấu lưới điện, vào phân bổ nguồn phát điện và phụ tải. Lưới điện tập trung thì tổn thất sẽ thấp.
Ông Hải cũng chia sẻ bên cạnh tổn thất cao trên lưới điện truyền tải, việc giảm tổn thất điện năng ở khu vực lưới điện hạ áp nông thôn cũng là một thách thức đối với EVN. Trong nhiều năm qua, ngành điện đã tiếp nhận khối lượng lớn hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn trên cả nước.
Sau khi tiếp nhận, các đơn vị trực thuộc EVN đã nỗ lực đầu tư, cải tạo, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khu vực trên cả nước, lưới điện đã cũ, chưa có vốn để đầu tư, nâng cấp cũng gây ra tổn thất cao trong quá trình vận hành...
Song song với việc đầu tư xây dựng, EVN cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp từ công tác quản lý, kỹ thuật vận hành, tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm sử dụng điện đến đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, có ý thức phòng chống các hành vi ăn cắp điện...
TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng lộ trình giảm tổn thất điện năng tại Việt Nam phụ thuộc vào lộ trình đầu tư tương ứng với tăng trưởng phụ tải, đầu tư năm sau phải cao hơn năm trước. Nếu việc đầu tư được thực hiện theo đúng các tổng sơ đồ phát triển điện thì tổn thất điện năng mới thực hiện được hiệu quả.
Vì vậy, theo ông Long, để giảm tổn thất điện năng trong những năm tới, EVN cần củng cố lưới điện; lựa chọn dây dẫn, máy biến áp có tổn hao điện năng thấp; trang bị thêm phương tiện điều chỉnh điện áp để tăng tính ổn định và khai thác hiệu quả hệ thống điện.
Đại diện Tổng Công ty Điện lực Thái Lan (PEA) cho hay để giảm tổn thất kỹ thuật cần cơ cấu lại hệ thống điện, chuyển từ đường dây đầy tải sang đường dây ít tải, điều chỉnh hệ số công suất phù hợp bằng vị trí lắp tụ bù (thiết bị giảm tổn thất), lắp đặt máy biến áp mới; xây dựng trạm và thay đổi đường dẫn. Bên cạnh đó kiểm tra định kỳ công tơ; tập trung vào những khách hàng có dấu hiệu tiêu thụ bất thường và những khách hàng có mức tiêu thụ bằng 0.