Tôn vinh những lao động trẻ năng động, sáng tạo

Những bạn trẻ nhận giải đã đại diện cho một lớp thanh niên công nhân mới của TP mang tên Bác - vượt khó, năng động, sáng tạo và có khát vọng cống hiến.

1. Trong số 44 lao động trẻ nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm nay, có Tạ Đình Nhựt, đầu bếp khách sạn Majestic (Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn), là người trẻ nhất - mới 20 tuổi. Khi Nhựt mới chập chững biết đi thì cha đột ngột qua đời. Năm anh 12 tuổi, mẹ lại đổ bệnh rồi mắt mờ dần đến khi không nhìn thấy gì nữa. Căn nhà nhỏ bé của hai mẹ con cũng được bán đi để lo thuốc thang… Vừa đi học, Nhựt vừa nhận quai dép về may gia công kiếm sống qua ngày. Nhưng rồi vào lớp 10 được vài tháng, Nhựt cũng phải bỏ học để đi làm nuôi mẹ. Việc gì anh cũng làm, từ may gia công, chạy bàn, rửa chén… miễn sao kiếm sống qua ngày.

Trần Thị Thanh Huyền (bìa phải), người được nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi, cùng ĐVTN Citranco trên chuyến “xe buýt kiểu mẫu”. Ảnh: H.HOA
Trần Thị Thanh Huyền (bìa phải), người được nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi, cùng ĐVTN Citranco trên chuyến “xe buýt kiểu mẫu”. Ảnh: H.HOA

Một ngày nọ, Nhựt được Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi và bụi đời Khánh Hội giới thiệu học nghề bếp tại trường nghiệp vụ nhà hàng cho trẻ em đường phố. Ước mơ được đứng bếp của anh thanh niên suốt ngày cặm cụi rửa chèn, dọn bàn trong các quán ăn đã thành hiện thực. May mắn đã đến, Nhựt đi học cả ngày, tối đến lại phục vụ nhà hàng.

Trong những lần đi làm thêm đó, anh học thêm được cách tỉa rau, củ quả của những đầu bếp kinh nghiệm ở các nhà hàng. Biết tay nghề của Nhựt tiến bộ, anh được nhà trường lựa chọn đi thi và đoạt giải trong các cuộc thi tay nghề trẻ cấp TP, cấp quốc gia… Tay nghề của Nhựt đã lọt vào “mắt xanh” của Ban giám đốc khách sạn Majestic và anh được tuyển vào làm nhân viên bếp của khách sạn. Ước mơ đổi đời đã thành hiện thực.

20 tuổi, Tạ Đình Nhựt là đầu bếp trẻ nhất trong đội ngũ các đầu bếp ở một khách sạn 5 sao nổi tiếng tại TPHCM. Anh còn trở thành một chuyên gia tài hoa cắt tỉa trái cây, rau củ với nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.

Chàng trai trẻ nghèo khó năm nào nay đã đổi đời bằng chính nghị lực và đôi tay của mình.

2. Vào thứ ba và thứ năm hàng tuần, trên các tuyến “xe buýt kiểu mẫu” của Công ty TNHH Vận tải TPHCM, các tiếp viên bán vé của công ty đều mặc đồng phục áo xanh của thanh niên Việt Nam. Đó là một trong những sáng kiến cho mô hình “xe buýt kiểu mẫu” của Trần Thị Thanh Huyền, Bí thư Đoàn cơ sở, Phó Bí thư chi bộ của Công ty TNHH Vận tải TPHCM Citranco.

Huyền cho biết, xe buýt của công ty có gắn huy hiệu Đoàn ở trước, bên hông và sau xe; còn nhân viên bán vé hầu hết là những ĐVTN trẻ, lại được mặc áo Đoàn nên hình ảnh của các bạn được nhiều người nhớ đến. “Mặc trên mình chiếc áo ấy, chúng tôi ý thức hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, nghiêm khắc với hành vi gian lận vé, nhất là không được bất lịch sự với khách hàng, phải tận tình, chu đáo với người già, người tàn tật, không phân biệt đối xử vé tháng, miễn phí hay vé ngày” - Thanh Huyền bộc bạch.

Vừa rồi, có một cựu chiến binh gửi thư ngợi khen cung cách, thái độ phục vụ của nhân viên bán vé, nhất là việc đối xử nhiệt tình với người khuyết tật, người già neo đơn và phụ nữ có thai. Đó chính là những lời động viên giúp Thanh Huyền và đồng nghiệp trẻ càng nỗ lực hơn trong công việc. Đến nay, lượng khách của công ty là 29.000 lượt/ngày (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước); năm 2007 doanh thu của công ty lỗ trên 2 tỷ đồng nhưng chỉ riêng tháng 9, công ty lãi trên 300 triệu đồng. Một trong những nguyên nhân tạo nên tín hiệu vui ấy là nhờ có mô hình xe buýt kiểu mẫu của Trần Thị Thanh Huyền.

Công ty có 45 đoàn viên, 11 đảng viên, Huyền lại là Phó Bí thư chi bộ nên việc quán triệt tinh thần gương mẫu, tiết kiệm đã được đông đảo anh chị em trong công ty đón nhận: Động viên mọi người đi làm bằng xe buýt hàng ngày. Riêng ngày thứ tư hàng tuần thì tất cả cán bộ nhân viên trong công ty đều đi làm bằng xe buýt...

3. Những bạn trẻ đoạt giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm nay, mỗi người đều có một quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi trong công việc, đem lại những nguồn lợi đáng kể cho cơ quan mình. Những sáng kiến của họ, ít nhiều đã để lại những dấu ấn riêng, khắc họa một lớp trí thức trẻ nhiều hoài bão và đam mê cống hiến.

Đó là Lê Ngọc Hiếu 25 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ ngành tài chính tại Anh quốc. Cô đã từ chối nhiều lời mời hấp dẫn từ các công ty nước ngoài để về nước làm việc. Trong cuộc thi sản phẩm phần mềm Trí tuệ Việt Nam 2007 vừa qua, sản phẩm “Hệ thống nhắn tin xếp hàng SQS” của nhóm Lá Bốn Cánh gồm những bạn trẻ đã từng du học ở nước ngoài, trong đó có Ngọc Hiếu, đã chinh phục ban giám khảo. Hệ thống nhắn tin xếp hàng SQS hay “Máy nhắn tin xếp hàng” có chức năng nhắn tin lấy số, nhắc nhở đến lượt, kích hoạt lại số thứ tự, lấy số bằng tay… là một sản phẩm rất cần thiết cho các cơ quan hành chính, bệnh viện, ngân hàng, phòng vé, siêu thị…

Sáng kiến này giúp người sử dụng tiết kiệm thời gian chờ đợi và đi lại, chủ động sắp xếp thời gian tới điểm giao dịch hoặc phòng khám, các nơi tiếp dân… Hiện nay, Ngọc Hiếu là Trưởng phòng Giao dịch tổ chức và nước ngoài, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và ở bạn trẻ này, vẫn luôn cháy bỏng khao khát ước mơ được cống hiến…

Đó là Nguyễn Ngọc Thiên, nhân viên Phòng Trưng bày - Công tác quần chúng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Năm 2006, sau khi vừa tốt nghiệp Đại học Văn hóa, Thiên vào làm việc ở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Công việc mỗi ngày của anh và những đồng nghiệp ở phòng là nghiên cứu, tìm tòi những tài liệu, nội dung liên quan đến Bác Hồ.

Tháng 7-2008 vừa qua, anh đã hoàn thành bộ sưu tập “Bác Hồ với thanh niên Việt Nam” gồm 180 bức ảnh về Bác qua các giai đoạn lịch sử, đặc biệt là những bức ảnh thể hiện tình cảm, sự tin yêu của Bác đối với thanh niên. Việc sưu tầm hình ảnh về Bác được làm hàng ngày, từ các nguồn sách báo, internet… Bộ sưu tập “Bác Hồ với thanh niên Việt Nam” của anh đã được trưng bày lưu động ở nhiều nơi và được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các bạn trẻ…

Theo THẢO – HOA – AN ( SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm