Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng cuộc đời và những cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu để cán bộ, đảng viên noi theo.
"Tôi tin rằng các thế hệ sau này sẽ còn nhắc nhiều về ông trong tư cách của một nhà lãnh đạo điển hình cho sự trung thành tuyệt đối với giá trị liêm chính" - TS Nguyễn Văn Đáng chia sẻ.
Kiên định với các giá trị căn cốt của Đảng
. Phóng viên: Trên phương diện cá nhân, ông cảm nhận thế nào về cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
+TS Nguyễn Văn Đáng: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có một cuộc đời và sự nghiệp tận hiến. Những ngày cuối đời, hình ảnh ông vẫn bình thản xuất hiện tại nhiều sự kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước dù sức khỏe không tốt, điều này chắc chắn sẽ đọng lại rất lâu trong tâm trí nhiều người.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người kiên định các giá trị nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhiều người gọi ông là “người cộng sản chân chính” và tôi thấy danh xưng như vậy đã thể hiện chính xác cuộc đời và sự nghiệp chính trị của Tổng Bí thư.
Tôi đặc biệt ấn tượng với ông bởi sự kiên định các giá trị chính trị căn cốt của Đảng không chỉ thể hiện qua các tác phẩm, phát ngôn, chỉ đạo mà cả sự nhất quán trong hành động, công việc và cuộc sống cá nhân của ông.
Một nhà lãnh đạo thanh liêm, trọng danh dự chắc chắn không chỉ là ấn tượng tiếp theo của riêng tôi về Tổng Bí thư mà tôi tin là với rất nhiều người. Ông là người giản dị, hòa đồng, luôn ý thức tôn trọng các nguyên tắc tổ chức, giữ gìn phẩm giá và nhân cách của bản thân.
Một ấn tượng nổi bật nữa về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vai trò, ảnh hưởng và những đóng góp của ông trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta trong thời gian gần đây.
Tính từ năm 2011, khi ông được bầu làm Tổng Bí thư, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã có những bước tiến rõ rệt. Sự quyết liệt và những nỗ lực không mệt mỏi của Tổng Bí thư được thể hiện bằng những kết quả cụ thể đã gia tăng lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân nói chung với quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong tiến trình làm trong sạch bộ máy công quyền, vun đắp sự liêm chính cho hệ thống quản trị quốc gia.
Là điển hình trung thành tuyệt đối với giá trị liêm chính
. Ông đánh giá như thế nào về vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
+ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo có quan điểm và tầm nhìn lãnh đạo rất rõ ràng về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, đối ngoại, văn hóa... Đáng chú ý nhất, dưới sự lãnh đạo của ông, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra tầm nhìn đến năm 2045, đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Đây không chỉ là tầm nhìn lãnh đạo đúng đắn, đáp ứng đúng nhu cầu và khát vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, mà còn thể hiện ý thức về trách nhiệm và bổn phận của Đảng trong sứ mệnh lãnh đạo phát triển đất nước.
Trong quá trình lãnh đạo, bên cạnh việc đóng góp vào các chủ trương, đường lối chung của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn ghi dấu ấn, ảnh hưởng cá nhân với việc Đảng đã ban hành hàng loạt các quy định thể chế quan trọng về công tác cán bộ.
Là nhà nghiên cứu về quản trị khu vực công, trong đó có công tác cán bộ, tôi hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của nhiều điều chỉnh, bổ sung về quy trình, nguyên tắc, tiêu chí để đánh giá, lựa chọn, và đề bạt cán bộ… được thực hiện dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện xuất sắc vai trò của người đứng đầu trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hơn một thập kỷ qua. Ở ông thể hiện sự nhất quán giữa quan điểm và hành động quyết liệt, không khoan nhượng với vấn nạn tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công quyền.
Tôi tin chắc chắn rằng các thế hệ sau này sẽ còn nhắc nhiều về ông trong tư cách của một nhà lãnh đạo điển hình cho sự trung thành tuyệt đối với giá trị liêm chính.
Về các chủ trương phát triển kinh tế, trong khoảng 13 năm ông đảm nhiệm chức Tổng Bí thư, Trung ương Đảng cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển kinh tế, về doanh nghiệp và doanh nhân.
Đáng chú ý nhất là Nghị quyết 41/2023 của Bộ Chính trị đã cho thấy những nhận thức mới, rất tiến bộ của Đảng về vị trí và vai trò của đội ngũ doanh nhân trong tiến trình phát triển đất nước. Ông là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta thăm chính thức Mỹ, tạo bước đột phá ngoạn mục trong quan hệ với quốc gia này. Đây chính là những bằng chứng cho thấy sự cởi mở và khả năng thích ứng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước những tình huống thực tế đòi hỏi sự quyết đoán vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Khả năng quy tụ sự ủng hộ và duy trì sự đoàn kết là một phẩm chất năng lực đặc biệt quan trọng với các nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo có khả năng này.
Trong ba năm sau Đại hội XIII của Đảng, vai trò hạt nhân lãnh đạo của Tổng Bí thư thể hiện rất rõ khi chúng ta phải đối diện với nhiều thách thức do đại dịch COVID-19, tình hình thế giới đầy biến động cũng như những tác động tất yếu nhưng không mong muốn từ quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Tổng Bí thư vẫn vững vàng trong vai trò người đứng đầu, quy tụ sự ủng hộ và duy trì sự đoàn kết trong Đảng, Nhà nước cũng như trên bình diện cộng đồng xã hội để cùng đưa đất nước vượt qua thách thức nan giải.
Tôi cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo thành công nhìn từ mức độ đáp ứng các kỳ vọng vai trò. Ông luôn xuất hiện với hình ảnh là người đứng đầu nguyên tắc, kiên định nhưng cũng rất quyết đoán ứng biến khi tình huống mới xuất hiện. Cuộc đời của ông có thể coi là tấm gương lãnh đạo tiêu biểu về sự liêm chính, trọng danh dự, giản dị, kiên trì… để nhiều người khác noi theo.
13 năm ông đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư đã có tác động, ảnh hưởng lớn đến nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên về yêu cầu giữ gìn phẩm giá, đạo đức, ý thức liêm chính, trách nhiệm và phụng sự đất nước. Vì thế, tôi cho rằng những di sản lãnh đạo mà ông để lại chắc chắn sẽ được nhân dân và lịch sử ghi nhận.
Người nhất quán giữa nói và làm
.Vậy theo ông, giá trị lớn nhất mà Tổng Bí thư để lại đối với đội ngũ cán bộ ngày hôm nay là gì?
+Trong số rất nhiều phát ngôn thường được trích dẫn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, câu nói tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ngày 15-9-2021 nhận được nhiều sự quan tâm.
Tổng Bí thư đã nói: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ. Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Câu nói này đã tạo sức lay động và truyền cảm hứng mạnh mẽ. Mỗi khi nhắc lại câu nói đó, hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ không khỏi lắng đọng, suy ngẫm về những nhu cầu, giá trị mà mọi người đều hướng đến nhưng lại có thể xung đột với nhau. Cụ thể hơn thì đó là mối quan hệ giữa những lợi ích vật chất, tài chính và những giá trị có tính đạo đức như danh dự, trách nhiệm, bổn phận, liêm chính.
Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi cá nhân đều bị thôi thúc bởi các lợi ích riêng tư. Tuy nhiên, khi làm việc cho Nhà nước, mỗi người đều được yêu cầu và kỳ vọng sẽ không để những lợi ích riêng đó chi phối, ảnh hưởng đến công việc của mình và lợi ích chung. Trên thực tế, với nhiều người, giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích riêng và lợi ích chung không phải là việc dễ dàng.
Minh chứng là nhiều cán bộ, đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố trước pháp luật vì đã không “chí công vô tư”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để mưu lợi cá nhân, nhóm vị kỷ.
Câu nói đó của Tổng Bí thư cũng được minh chứng thông qua cả cuộc đời và sự nghiệp của chính ông. Có thể nói ông là một trong những nhà lãnh đạo luôn nhất quán giữa nói và làm trong việc đề cao, bảo vệ các giá trị nền tảng của khu vực Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, như “Liêm chính" và "Danh dự”.
Nói cách khác, "Liêm chính" và "Danh dự" đã thẩm thấu vào nhận thức, hành động, lối sống và cung cách làm việc của Tổng Bí thư, cũng nhờ đó mà ông được ủng hộ rộng rãi trong các tầm nhìn lãnh đạo, nhất là những nỗ lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua.
Luôn nỗ lực tìm tòi, đổi mới nhận thức, tư duy về Đảng
Trong suốt sự nghiệp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã công bố nhiều tác phẩm chính luận với nhiều chủ đề khác nhau thể hiện trình độ và tư duy lý luận, qua đó ghi dấu ấn rất riêng cho chính bản thân ông.
Trong nhiều kỳ đại hội gần đây, Đảng luôn đề ra nhiệm vụ đổi mới tư duy lý luận để đáp ứng nhu cầu lãnh đạo, phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Việc Tổng Bí thư kiên trì và bền bỉ công bố các công trình lý luận cho thấy sự gương mẫu, nỗ lực đi đầu trong quá trình tìm tòi, đổi mới nhận thức và tư duy lý luận của Đảng.
Các tác phẩm của Tổng Bí thư rất đồ sộ với những quan điểm và lập luận được trình bày rõ ràng, mạch lạc. Chắc chắn không chỉ giới nghiên cứu lý luận như chúng tôi mà mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân và bạn bè quốc tế đều sẽ tìm đọc các tác phẩm của Tổng Bí thư nếu quan tâm đến các vấn đề vĩ mô của Việt Nam.
Tôi tin họ sẽ tìm thấy nhiều tri thức hữu ích trong các tác phẩm của Tổng Bí thứ bởi các công trình của ông không chỉ là kiến thức của cá nhân mà còn là sự đúc kết các chủ trương, đường lối của Đảng trong vị thế và vai trò là Đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền ở nước ta.
Tôi đánh giá cao những phân tích lý luận của Tổng Bí thư về con đường tiến lên CNXH ở nước ta.
Có thể nói, Tổng Bí thư là người đầu tiên đã hệ thống hóa những tri thức nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cập nhật những nhận thức và tư duy mới của Đảng về xây dựng CNXH trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Các công trình lý luận của Tổng Bí thư là bước phát triển so với trước đây nhưng đồng thời cũng sẽ là cơ sở cho các bước phát triển tiếp theo trong thời gian tới.
TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG