Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở 3 vấn đề với ngành giáo dục

(PLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định giáo dục và đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những kỳ tích phát triển của dân tộc.

Sáng nay 18-11, Tổng Bí thư Tô Lâm có buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm động viên, ghi nhận các đóng góp, tôn vinh những nỗ lực, cống hiến và nâng cao tinh thần yêu nghề của đội ngũ nhà giáo.

Tổng Bí thư Tô Lâm tặng hoa đại diện các nhà giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: MOET

Những vấn đề cần làm ngay

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân của một người đã từng là học trò, phụ huynh, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời cảm ơn và lời chúc mừng tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước, những người đã và đang gánh vác trọng trách “trồng người” cao cả.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc; đặc biệt quan tâm chăm lo, có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục.

Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy giáo dục và đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những kỳ tích phát triển của dân tộc.

Tổng Bí thư TÔ LÂM

Bên cạnh việc ghi nhận những thành tựu to lớn đã đạt được, Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn nhìn nhận, đổi mới giáo dục, đào tạo tuy đã triển khai hàng chục năm nhưng cơ bản chưa tạo chuyển biến mạnh mẽ, chưa thật sự chuyển biến về chất, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TTXVN

Từ đó, Tổng Bí thư gợi mở 3 vấn đề cần được quan tâm. Trước hết, cần phải tập trung thực hiện bằng được “hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc từ nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng”.

Thứ hai, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu một số công việc cần làm ngay như có giải pháp xoá hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, trong đồng bào dân tộc thiểu số; phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số”.

Tổng Bí thư yêu cầu tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số khu vực; kiên cố hóa trường, lớp học, bảo đảm nơi ở của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng nghị quyết mà Đảng đã đề ra; cần có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo; dựa vào dân, huy động sức dân, tổ chức nhân dân cùng làm giáo dục với chi phí thấp nhất và hiệu quả tối đa.

Thứ ba là tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

Ngành giáo dục cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thu hút được người giỏi vào ngành và tạo động lực cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác.

Nhận diện thách thức để phát triển

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn báo cáo vắn tắt hoạt động ngành giáo dục, về việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và về đội ngũ các nhà giáo ở thời điểm hiện nay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, sau gần 40 năm đổi mới và đặc biệt là 10 triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo định hướng của Nghị quyết số 29, ngành GD&ĐT đã có những thay đổi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và THCS; giáo dục phổ thông chuyển hướng sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học.

Trường học thay đổi từ hình thức bên ngoài tới chất lượng giáo dục bên trong. Giáo viên sáng tạo, học sinh tự tin, các hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá được đổi mới căn bản.

Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức. Trong đó, giáo dục đại học tiếp tục đổi mới, việc tăng cường tự chủ và hội nhập quốc tế đã tạo ra động lực mới, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học.

"Hiện nay, tại 241 trường đại học của Việt Nam đều có chuyên gia và tổ chức đào tạo hầu hết các ngành nghề có trong danh mục các ngành nghề trên toàn thế giới, kể cả những nghề mới nhất" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: MOET

Cùng với đó, ngành giáo dục cũng tiên phong trong việc chuyển đổi số, trong 3 năm 2022-2024 đã hoàn thành việc xây dựng 100% cơ sở dữ liệu của giáo dục mầm non và phổ thông.

"Giáo dục và đào tạo của đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nếu so với mức đầu tư kinh phí cho đầu học sinh trên cả nước thì có thể nói đó là những kết quả rất kỳ diệu" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục đang đứng trước nhiều thách thức lớn. "Đó là thách thức của sự đổi mới, vượt lên chính mình, phủ định chính mình như sự lột xác để phát triển" - ông Sơn nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới