Tổng đài bảo vệ khẩn cấp trẻ em: Chỉ ngắn gọn 3 số

Ngày 1-7, Nghị định 56/2017 quy định chi tiết một số điều về Luật Trẻ em bắt đầu có hiệu lực. Nghị định quy định rõ quy trình khẩn cấp, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi...

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), cho rằng trước đây Bộ LĐ- TB&XH đã ban hành Thông tư 23/2010 về quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Tuy nhiên, với tính chất là một thông tư nên phạm vi hẹp và quy định chủ yếu thực hiện trong ngành LĐ-TB&XH. Nghị định 56/2017 sẽ khắc phục và hoàn thiện các quy định này. Trong đó có nhiều điểm mới đáng lưu ý, đặc biệt là quy trình can thiệp khẩn cấp khi trẻ bị xâm hại, bạo lực...

Phải can thiệp nhanh nhất có thể

Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện về hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan LĐ-TB&XH các cấp, cơ quan công an các cấp, hoặc UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc. Nơi tiếp nhận thông tin có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin.

Khi tiếp nhận được thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại cần được bảo vệ khẩn cấp thì các cơ quan chức năng phải thực hiện việc can thiệp trong thời gian nhanh nhất có thể và không quá 12 giờ kể từ khi nhận được thông tin.

Trong đó, trách nhiệm của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã là tiếp nhận thông tin, kết nối với cơ quan công an để ngăn chặn các hành vi đe dọa hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của trẻ em xảy ra trên địa bàn xã; phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em cần được bảo vệ khẩn cấp và lưu giữ đồ vật, tài liệu liên quan đến tổn hại của trẻ em do bị xâm hại để hỗ trợ việc điều tra, xử lý, bảo vệ trẻ em.

Sẽ có đường dây nóng ngắn gọn ba số hoạt động chuyên nghiệp để bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn. Trong ảnh:Một buổi sinh hoạt của đường dây nóng tư vấn-bảo vệ quyền trẻ em thuộc Trung tâm Codes, một trong nhiều đường dây nóng bảo vệ trẻ em hiện nay. Ảnh: TL

Phải có người chịu trách nhiệm bảo vệ trẻ em

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng nghị định cũng quy định rõ về trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong việc bảo vệ trẻ em. Trước đây, chính quyền địa phương mà trực tiếp là UBND các xã không có người chuyên trách và chịu trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em. Nghị định mới này sẽ quy định rất chi tiết việc này. Theo đó, các địa phương đều phải phân công một cán bộ chuyên trách tiếp nhận và xử lý thông tin về trẻ em.

UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc là nơi tiếp nhận thông tin về trẻ bị xâm hại đầu tiên. Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc chỉ đạo người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã đánh giá nguy cơ ban đầu, mức độ tổn hại của trẻ em để có cơ sở áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp.

Trường hợp trẻ em được xác định có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm thì trong vòng 12 giờ từ khi nhận thông tin, chủ tịch UBND cấp xã phải áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp, hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi môi trường hoặc người gây tổn hại cho trẻ…

“Như vậy, với nghị định này, vai trò của UBND xã, những người làm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã là hết sức quan trọng. Vì thế, việc đầu tiên là các tỉnh, xã phải bố trí những người chuyên trách về vấn đề này, có người mới làm được...” - ông Nam khẳng định.

Sẽ có tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em ba số

Nghị định 56/2017 cũng quy định thành lập tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em qua điện thoại, do Bộ LĐ-TB&XH quản lý.

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em được sử dụng số điện thoại ngắn ba số, không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến tổng đài, hoạt động 24/24 giờ, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động.

Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có trách nhiệm thông báo ngay cho tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc cơ quan LĐ-TB&XH các cấp, hoặc cơ quan công an các cấp, hoặc UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc. Nơi tiếp nhận thông tin có trách nhiệm ghi chép đầy đủ thông tin về hành vi xâm hại trẻ em, trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan công an cấp xã phải phối hợp với tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để hỗ trợ việc can thiệp khẩn cấp.

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em có trách nhiệm giới thiệu, kết nối các dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cần thiết trong trường hợp cấp tỉnh không có dịch vụ hoặc theo đề nghị của người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã.

TM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm