Tổng đài quốc gia 111 kết nối để bảo vệ trẻ em

Từ vụ bé gái tám tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), nhiều người đặt ra câu hỏi khi phát hiện trẻ em bị xâm hại, bạo lực thì nên liên hệ nơi nào?

Để giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc, Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ tổng đài quốc gia 111 (tổng đài) thuộc Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, nơi tiếp nhận tin báo về trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại, xâm hại tình dục… để tìm hiểu rõ thêm.

Con gọi đến tổng đài phản ánh cha bạo hành

Tháng 10-2021, em NĐQB (sinh năm 2007) ở Hà Nội gọi đến tổng đài phản ánh thường xuyên bị cha bạo lực về thể chất và tinh thần. Trước đó cha mẹ em B đã ly hôn, em B và em gái chín tuổi được cha nuôi dưỡng. Thế nhưng, người cha thường xuyên say rượu và không cho hai con gặp mẹ, nếu gặp sẽ bị cha đánh và đuổi ra khỏi nhà.

Bé gái tám tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong khiến dư luận bức xúc. 
Ảnh: NGUYỄN YÊN. (Ảnh nhỏ) Hãy gọi cho đường dây nóng 111 khi phát hiện 
trẻ em bị bạo hành, xâm hại. 

Sau khi nắm được hoàn cảnh của B, tổng đài đã kết nối về địa phương, chính quyền tại đây đã làm việc với cháu và cha mẹ. Sau đó, cha cháu B đã làm cam kết không tái phạm hành vi bạo lực với con và đồng ý cho các con ở lại với mẹ. Cán bộ địa phương đã hỗ trợ tâm lý cho cháu và hướng dẫn mẹ làm thủ tục thay đổi quyền nuôi con. Hiện tại, cháu ở cùng mẹ an toàn, ổn định về thể chất và tâm lý.

Trước đó, vào tháng 7-2021, tổng đài cũng nhận được lời cầu cứu qua điện thoại của em M, 14 tuổi, ở TP Cần Thơ. Em chia sẻ với nhân viên tư vấn rằng em bị bà ngoại đánh và đuổi ra khỏi nhà. Thời điểm đó, em rất lo lắng và sợ hãi, đề nghị được hỗ trợ. Tổng đài đã kết nối với công an và lãnh đạo địa phương, đề nghị xác minh thông tin và hỗ trợ cho em M.

Ngay sau đó, công an đã kết hợp với ban, ngành địa phương đến nhà em M xác minh. Tổ công tác đến nhà em M làm việc, sau đó người bà đã nhận lỗi và cam kết không tái phạm.

Giải quyết trong vòng 12 giờ

Bà Lê Thị Thảo, Phó Trưởng tổng đài 111, cho biết về chức năng, nhiệm vụ và quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, tin báo về hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em của tổng đài được quy định rõ tại Luật Trẻ em 2016 và Nghị định 56/2017. Cụ thể, tổng đài tiếp nhận tư vấn qua điện thoại 24/24 giờ miễn phí trên toàn quốc, can thiệp kết nối với địa phương và các tổ chức, cơ quan liên quan đến bảo vệ trẻ em…

Với những trường hợp cầu cứu khẩn cấp, tổng đài kết nối ngay với công an, cán bộ trẻ em, cán bộ xã, phường… Những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, tổng đài sẽ kết nối thêm với Phòng LĐ-TB&XH cấp quận, huyện, trung tâm công tác xã hội các tỉnh, TP, thậm chí Sở LĐ-TB&XH của tỉnh, TP. Ngoài ra, tùy tính chất vụ việc, tổng đài có thể kết nối đến các ban, ngành liên quan hay các tổ chức phi chính phủ tại địa phương của nạn nhân.

Những trường hợp khẩn cấp phải kết nối ngay, kể cả đêm, tổng đài cũng phải làm việc. Tổng đài đã nắm danh bạ nguồn của các tổ chức liên quan nên có thể kết nối nhanh. Đối với những ca khẩn cấp, thời gian phải giải quyết và thông báo thông tin hỗ trợ được quy định tối đa trong vòng 12 giờ đồng hồ.

Cũng theo bà Thảo, sự phối hợp giữa các tổ chức, cơ quan bảo vệ trẻ em với tổng đài rất tốt. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, cán bộ trẻ em phải kiêm nhiệm nhiều việc và thường xuyên bị luân chuyển, nên nhiều cán bộ được đào tạo, tập huấn kỹ càng lại không tiếp tục làm việc. Vì thế, việc tiếp cận cũng như hỗ trợ tâm lý cho trẻ em còn hạn chế.

Và mỗi trường hợp gọi đến tổng đài không chỉ kết thúc bằng một cuộc điện thoại. Tổng đài có hệ thống quản lý thông tin về các khách hàng, thân chủ gọi đến để theo dõi lâu dài.

Mặc dù tổng đài có nhiều chiến dịch truyền thông để người dân biết đến chức năng, nhiệm vụ của đường dây nóng 111 nhưng thực tế nhiều người chưa biết đến tổng đài. Trong vụ bé tám tuổi bị bạo hành, nhiều người được hỏi đều không biết gọi vào số nào để hỗ trợ bé.

Về việc này, bà Thảo cho biết có thể người dân chưa theo dõi, chưa tiếp cận được những chương trình truyền thông nên nhiều người chưa biết đến tổng đài.

“Chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng, cán bộ địa phương lưu ý hơn trong việc truyền thông về tổng đài, người dân cũng cần chia sẻ với nhau về chức năng, nhiệm vụ kết nối bảo vệ trẻ em của tổng đài để nhiều người biết đến” - bà Thảo chia sẻ.•

Năm 2021, tổng đài đã tiếp nhận 507.861 cuộc gọi đến, tư vấn 35.385 ca; kết nối, can thiệp 1.257 ca (giảm 38 ca so với năm 2020). Trong đó có 625 ca bạo lực trẻ em, chiếm 49,72% tổng số ca can thiệp (cao hơn năm 2020 là hai ca).

Các số điện thoại hỗ trợ trẻ em

Ngoài đường dây nóng 111 của tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em, người dân tại TP.HCM có thể gọi đến các số điện thoại đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em như sau: Số 1900.545.559 - Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM). Số 1800.9069 (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM). Số 113 (cơ quan công an). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm