'Tổng đạo diễn' khai về đường đi của gần 200 triệu lít xăng lậu

(PLO)- Bị cáo Phan Thanh Hữu cho rằng số xăng lậu chỉ gần 190 triệu lít, trong đó khoảng 60 triệu lít không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 28-10, TAND tỉnh Đồng Nai tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ buôn lậu và nhận hối lộ đối với 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng.

Đường đi của 200 triệu lít xăng lậu từ Singapore về Việt Nam

Tại phiên tòa, HĐXX thực hiện phần xét hỏi đối với bị cáo Đào Ngọc Viễn (giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng). Bị cáo Viễn khai có quen biết với Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH Phan Lê Hoàng Anh) từ trước.

Đến khoảng tháng 9-2019, biết Viễn có mối quan hệ với một số cá nhân trong lực lượng quân đội, cảnh sát biển nên Hữu gọi điện thoại cho Viễn bàn bạc, thỏa thuận góp vốn để mua xăng từ Singapore về Việt Nam bán.

Hai bị cáo Phan Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn tại tòa. Ảnh: VŨ HỘI

Hai bị cáo Phan Thanh Hữu và Đào Ngọc Viễn tại tòa. Ảnh: VŨ HỘI

Theo thỏa thuận, Viễn, Phạm Hùng Cường (hiện đang bỏ trốn), Phùng Danh Thoại (cựu trưởng Phòng xăng dầu Cục Hậu cần - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) và Trọng “dầu” (chưa rõ lai lịch) góp vốn với Hữu để mua xăng lậu từ Singapore vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Tổng vốn góp là 53,4 tỉ đồng, trong đó bị cáo Viễn góp 10%.

Viễn là người giới thiệu chủ hàng ở Singapore cho Hữu trực tiếp liên lạc thỏa thuận mua xăng lậu. Sau đó, Hữu thuê hai tàu biển chuyên dụng của Viễn là tàu Pacific Ocean, trọng tải 3.000 tấn và tàu Western Sea, trọng tải 5.000 tấn chuyển xăng từ Singapore về vùng biển Việt Nam.

Sau mỗi chuyến hàng, Hữu phải trả tiền thuê tàu, trả công tiền môi giới, chi phí đưa hối lộ cho các cá nhân trong các cơ quan chức năng. Hữu được hưởng 40% lợi nhuận, còn Viễn, Cường, Thoại được hưởng 60%.

“Bị cáo không buôn bán, chỉ quản lý tàu cho thuê, còn việc lấy hàng, giá cả và khi trở về tàu neo đậu ở đâu hay đến khu vực nào thì anh Hữu chỉ đạo vì anh Hữu từng là thuyền trưởng lái tàu biển nên rõ hơn. Khi tàu về vùng biển Việt Nam, anh Hữu chỉ đạo giao cho các tàu Nhật Minh để đưa vào sông Hậu thuộc thị xã Bình Minh (Vĩnh Long)” - bị cáo Viễn khai tại tòa.

Ngoài ra, bị cáo Viễn cùng đồng phạm vận chuyển vào cảng Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa tiêu thụ. Tổng số xăng lậu mà Viễn cùng đồng phạm đã tiêu thụ là gần 5,8 triệu lít xăng, trị giá 93,5 tỉ đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo Viễn cho rằng số tiền hưởng lợi không tới 46 tỉ đồng. “Anh Hữu khai mỗi lít xăng lời 2.000 đồng nhưng thực chất bị cáo chỉ được hưởng 1.500 đồng. Vì vậy, bị cáo mong muốn HĐXX xem xét lại số tiền lợi nhuận thực tế” - bị cáo Viễn trình bày.

“Hai tàu Pacific Ocean, Western Sea muốn vào vùng biển Việt Nam để bơm xăng vào các tàu nhỏ thì phải xin cảnh sát biển, bộ đội biên phòng và cảng vụ đường sông” - bị cáo Hữu nói.

Đưa xăng lậu vào Việt Nam phải xin phép cảnh sát biển…

Tại tòa, bị cáo Phan Thanh Hữu cho rằng nhiều nội dung trong bản cáo trạng nêu không đúng. Một số biên bản làm việc trong hồ sơ vụ án đã bị điều tra viên gây áp lực viết theo.

Cụ thể, bị cáo cho rằng chỉ bán xăng cho Nguyễn Hữu Tứ, không trực tiếp bán cho Trần Thị Thanh Vân và Lê Thanh Tú (giám đốc Công ty TNHH Trúc Vân, Bình Dương). “Bị cáo chỉ muốn bán cho Tứ để về một mối cho dễ quản lý. Còn sau đó, Tứ bán cho vợ chồng Vân, Tú” - bị cáo Hữu nói tại tòa.

Tuy nhiên, HĐXX công khai bản lời khai của vợ chồng Vân cho rằng trực tiếp mua xăng lậu của Hữu. HĐXX còn công bố bản lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra cho rằng có bán xăng cho vợ chồng Vân. Bị cáo Hữu cho rằng lời khai của bị cáo là theo hướng dẫn của điều tra viên…

Ngoài ra, bị cáo Hữu cho rằng Đào Ngọc Viễn trình bày tại tòa nhiều nội dung sai. Mối quan hệ giữa bị cáo với Viễn không giống cáo trạng nêu. Bị cáo xin nhiều lần đối chất với Viễn nhưng cơ quan công an không chấp nhận. Viễn là người thực hiện thanh toán cho chủ hàng ở Singapore. Bị cáo chỉ là trung gian chở thuê.

Tại tòa, Hữu khai nhận khi có xăng trên hai tàu Pacific Ocean và Western Sea thì thủy thủ liên lạc với Hữu để chỉ vị trí và thường neo đậu tại vùng biển OPL (vùng biển tự do). “Hai tàu Pacific Ocean, Western Sea muốn vào vùng biển Việt Nam để bơm xăng vào các tàu nhỏ thì phải xin cảnh sát biển, bộ đội biên phòng và cảng vụ đường sông” - bị cáo này nói.

Trong phần xét hỏi, bị cáo Hữu luôn cho rằng số lượng xăng buôn lậu khoảng gần 190 triệu lít chứ không phải gần 200 triệu lít. Trong đó, nếu buôn lậu xăng tại Việt Nam thì số lượng chỉ gần 130 triệu lít vì khoảng 60 triệu lít được bị cáo sử dụng cho các tàu Nhật Minh vận chuyển bán sang Campuchia.

“Bị cáo cho rằng khoảng 60 triệu lít xăng đó không tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thì không thể tính vào việc bị cáo thu lợi bất chính ở Việt Nam” - bị cáo Hữu trình bày.

Đại tá Bộ đội biên phòng “kết nối” cho người thân

buôn xăng lậu

Tại tòa, bị cáo Phan Thanh Hữu khai Nguyễn Thế Anh (cựu chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang) gọi điện thoại cho Hữu giới thiệu cho “vợ bé” là Phạm Thị Hương và anh rể là Lê Hùng Phong lấy xăng ở chỗ Hữu về bán. Hữu đã nói Nguyễn Hữu Tứ liên lạc với Hương để bán xăng lậu với chiết khấu cao 2.700 đồng/lít. Phong cũng tham gia đường dây này.

Tháng 7-2022, Tòa án quân sự Quân khu 7 đã tuyên phạt Nguyễn Thế Anh tù chung thân về tội nhận hối lộ và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Hồ sơ thể hiện Thế Anh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn hứa hẹn với Hữu, thông qua Nguyễn Văn An nhận tiền của Hữu với tổng số tiền 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng để “bảo kê” cho hoạt động buôn xăng lậu. Sau khi Hữu và đồng phạm bị bắt giữ, để che giấu hành vi phạm tội của mình, Thế Anh gợi ý, hướng dẫn, đưa tiền cho An, thông qua các mối quan hệ tổ chức cho An trốn ra nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm