Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra ra quyết định truy nã và thông báo truy nã quốc tế đối với Trần Xuân Kiêm về tội lừa đảo chiếm đoạt hơn 30 tỉ đồng.
2 lần khởi tố VKS mới phê chuẩn
Theo nội dung vụ án, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM thụ lý giải quyết tố giác về tội phạm của bà Ngô Thị Thanh H (41 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM), tố cáo ông Trần Xuân Kiêm (50 tuổi, ngụ quận 4) có hành vi lừa đảo chiếm đoạt 30 tỉ đồng thông qua việc hợp tác kinh doanh đầu tư dây chuyền sản xuất găng tay y tế xảy ra năm 2021 tại TP.HCM.
Qua xác minh, tháng 8-2022, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hồ sơ vụ án được chuyển sang VKS TP.HCM để kiểm sát. Sau đó, VKS đã có yêu cầu điều tra, trong yêu cầu có ghi “Xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án, khởi tố bị can”.
Đến 12-2022, Cơ quan CSĐT có công văn đề nghị gia hạn thời hạn điều tra vụ án hình sự (Lần thứ nhất) gửi VKS. Tuy nhiên, tháng 1-2023, VKS đã ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự
Lý do mà VKS đưa ra là: “Quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 26-8-2022 của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là không có căn cứ, vì tại mục 5.5 Điều 6 của Hợp đồng mua bán và lắp đặt máy móc thiết bị giữa bà Ngô Thị Thanh H và ông Trần Xuân Kiêm có ghi trường hợp một bên vi phạm hợp đồng mà không thể hòa giải được thì sẽ chuyển đến Tòa án giải quyết”.
Sau đó, bà H gửi đơn đến Ban Nội chính Trung ương và được Ban Nội chính Trung ương chuyển đơn đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) và VKSND tối cao để xem xét giải quyết, báo cáo kết quả về Ban Nội chính Trung ương.
Bộ Công an đã yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM thụ lý, giải quyết vụ án và đơn vị tiếp tục ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Xuân Kiêm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các quyết định này được VKS cùng cấp phê chuẩn.
Tuy nhiên, khi công an thực hiện lệnh bắt bị can, Kiêm đã lẫn trốn, qua thời gian truy tìm nhưng không biết Kiêm đang ở đâu nên công an đã ra quyết định truy nã và thông báo truy nã quốc tế đối với Kiêm.
Công an TP.HCM nhận định ông Trần Xuân Kiêm có thể lẩn trốn sang một số quốc gia như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Úc.
Dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền
Theo điều tra của công an, cuối năm 2020, công ty do bà Ngô Thị Thanh H làm Giám đốc có nhu cầu sản xuất và kinh doanh mặt hàng găng tay y tế dùng 1 lần.
Qua quen biết, ông Trần Xuân Kiêm, Tổng Giám đốc Công ty Phú Đức Huy, cho biết đang xây dựng nhà máy sản xuất găng tay y tế tại Long An, có thể cung cấp sản phẩm cho công ty bà H để kết hợp phát triển kinh doanh.
Sau đó, 2 bên đồng ý hợp tác lắp đặt dự án dây chuyền sản xuất găng tay dùng 1 lần. Bên công ty Phú Đức Huy sẽ cung cấp công nghệ sản xuất, quy trình sản xuất, thiết kế dây chuyền sản xuất, chế tạo thiết bị, chịu trách nhiệm lắp đặt và vận hành hoàn thiện quy trình.
Công ty Phú Đức Huy cam kết có sẵn nhà máy sản xuất găng tay y tế đạt tiêu chuẩn theo quy định và sẽ cung cấp, lắp đặt cho bên bà H dây chuyển trọn gói sản xuất găng tay dùng 1 lần Nitrile trị giá hơn 50 tỉ đồng. Sau đó, bà H đã thanh toán 25 tỉ đồng, giải ngân từ tiền vay ngân hàng vào tài khoản của công ty Phú Đức Huy.
Ngoài ra, bà H còn dùng tiền cá nhân đưa thêm cho ông Kiêm khoảng 6 tỷ đồng để phục vụ cho việc hợp tác. Sau khi nhận tiền, ông Kiêm không nhập máy móc dây chuyền mà sử dụng số tiền này vào việc cá nhân khác.
Làm việc với công an, ông Khiêm cho biết khi nhận 25 tỷ đồng từ công ty bà H chuyển vào tài khoản công ty Phú Đức Huy, ông Kiêm đã đại diện công ty quản lý sử dụng số tiền trên. Bảng sao kê cho thấy số tiền 25 tỷ đồng được công ty Phú Đức Huy chi từ ngày nhận 4-3-2021 đến ngày 19-5-2021 thì hết.
Qua điều tra, Cơ quan CSĐT xác định trong số 25 tỷ đồng này, ông Kiêm chỉ sử dụng số tiền hơn 1 tỷ đồng cho mục đích đặt cọc mua trang thiết bị, thi công lắp đặt dây chuyền sản xuất găng tay y tế.
Cơ quan điều tra xác định ông Trần Xuân Kiêm đã dùng các tài liệu gian dối để trao đổi và đề nghị phía bà H hợp tác đầu tư mua dây chuyền sản xuất.
Ông Kiêm còn trao đổi, chụp hình, quay video về nhà máy đang sản xuất găng tay y tế gửi cho bà H. Do đó, bà H tin tưởng và chuyển tiền cho công ty Phú Đức Huy.
Tuy nhiên, thực tế đến nay vẫn không có dây chuyền sản xuất găng tay nào được ông Kiêm thực hiện và sau khi nhận tiền, ông Kiêm cũng không thực hiện nội dung như hợp đồng đã ký với bà H mà đã sử dụng số tiền vào mục đích không liên quan.
Công an xác định dù hợp đồng có quy định "trường hợp một bên vi phạm hợp đồng mà không thể hòa giải được thì sẽ chuyển đến Tòa án giải quyết”, nhưng trước khi ký hợp đồng, ông Kiêm đã dùng thủ đoạn gian dối đưa ra các thông tin không đúng thực tế về khả năng, điều kiện… để bà H tin tưởng quyết định hợp tác, dùng tài sản thế chấp vay ngân hàng và chuyển tiền.
Sau khi nhận tiền, ông Kiêm đã chiếm đoạt, không dùng số tiền vào việc thực hiện hợp đồng mà sử dụng vào mục đích khác cho cá nhân và công ty ông Kiêm, dẫn đến đã mất khả năng khắc phục hậu quả, nên hành vi của ông Kiêm có dấu hiệu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, qua kiểm tra thực tế công ty và xác minh tài liệu, công an xác định mặc dù công ty Phú Đức Huy đã được cấp các chứng chỉ, chứng nhận... liên quan việc sản xuất sản phẩm găng tay y tế nhưng điều kiện được cấp không đảm bảo do có sự gian dối từ phía Công ty Phú Đức Huy.