Tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Chờ thông điệp mới của Tổng bí thư

(PLO)- Hội nghị toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay sẽ tổng kết, mổ xẻ, đánh giá kết quả 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và giải pháp cho thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày mai (30-6), Bộ Chính trị tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Đây là hội nghị lớn nhất từ trước đến nay của Đảng, với hơn 4.100 điểm cầu kết nối trực tuyến với Hội trường Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp thứ 21 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực vào hôm 20-1. Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp thứ 21 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực vào hôm 20-1. Ảnh: TTXVN

Quy mô chưa từng có

Hội nghị lần này có sự tham dự của các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban bí thư và toàn bộ ủy viên Trung ương Đảng. Trong số này sẽ bao gồm 18 thành viên Ban chỉ đạo Trung ương (Ban chỉ đạo) về PCTNTC. Cùng với đó là thủ trưởng các ban, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương; bí thư đồng thời là trưởng Ban chỉ đạo các tỉnh, thành ủy; trưởng Ban Nội chính, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra - những người được cơ cấu là phó trưởng Ban chỉ đạo PCTNTC các tỉnh, thành ủy.

Ngoài ra còn có sự tham dự của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng PCTNTC ở trung ương, cùng lãnh đạo ban và thủ trưởng các đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo về PCTNTC.

Tổng cộng sẽ có khoảng 350 người làm việc tập trung tại Hội trường Trung ương Đảng.

Chín cơ quan trung ương có chức năng PCTNTC được kết nối trực tuyến tới hội nghị, gồm Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tư pháp. Tín hiệu cũng được truyền trực tiếp tới 63 tỉnh, thành ủy. Trong đó, 44 địa phương cho biết sẽ đấu nối tới hơn 500 điểm cầu cấp huyện và hơn 3.500 điểm cầu cấp xã.

Với quy mô này, dự kiến cả nước sẽ có 81.000 đảng viên giữ vị trí quản lý từ cơ sở tới trung ương tham dự trực tiếp sự kiện chuyên đề về công tác PCTNTC mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang ở vị trí ngọn cờ đầu.

Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, cho rằng ngại, đùn đẩy, né tránh, không dám làm cũng là một biểu hiện của suy thoái.

Vai trò người đứng đầu

Ban Nội chính Trung ương cho biết tại hội nghị lần này, các đại biểu sẽ nghe và thảo luận báo cáo tổng kết 10 năm công tác PCTNTC. Theo đó không chỉ là con số thống kê bao nhiêu ngàn tổ chức Đảng, mấy vạn đảng viên bị kỷ luật hay số lượng vụ việc có dấu hiệu tội phạm đã được điều tra, truy tố, xét xử. Quan trọng hơn, 81.000 đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp sẽ đi đến nhận thức thống nhất về bài học kinh nghiệm qua hai nhiệm kỳ.

Bài học ấy, như Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban đương nhiệm Nguyễn Thái Học và cả nguyên Phó Trưởng ban Phạm Anh Tuấn đã nhiều lần nhấn mạnh - đó là vai trò của người đứng đầu.

Người đứng đầu ấy, 10 năm qua là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã sâu sát, quyết liệt để thúc đẩy Ban chỉ đạo đi đến nhiều đổi mới trong hoạt động, với phương pháp tổ chức, làm việc nền nếp, bài bản, khoa học, quyết liệt, hiệu quả. Ban chỉ đạo đã bước đầu hình thành cơ chế để kéo các cơ quan có chức năng PCTNTC cùng vào cuộc, khắc phục dần tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”.

Qua 10 năm, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, các quy chế phối hợp, chế độ làm việc, chế độ trách nhiệm của Ban chỉ đạo, các thành viên, các cơ cấu thường trực… đã được hình thành một cách khoa học. Nhờ đó, Ban chỉ đạo vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế phòng ngừa, vừa quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Tình hình mới, bối cảnh mới

Đại hội XIII đã có những đánh giá tích cực về công tác PCTN. Tuy nhiên, thực tiễn từ đó đến nay cũng đặt ra nhiều vấn đề mới cần phân tích, đánh giá.

Chẳng hạn, cả nhiệm kỳ Đại hội XII đã làm quyết liệt vậy nhưng tại sao nay tiếp tục phát hiện hàng loạt vụ việc, vụ án, với nhiều cán bộ cấp cao sai phạm? Đơn cử, chỉ riêng vụ kit test Việt Á đã phát hiện sai phạm của hơn 70 cán bộ ngành y tế, từ địa phương tới trung ương…

Công tác PCTNTC được đẩy cao từ sau Đại hội XIII đến nay làm lộ sáng nhiều cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, tuy vậy vấn đề cần thẳng thắn đánh giá là sự “chùng xuống” không chỉ trong ngành y tế mà bộ máy quản lý hành chính trên cả nước.

Trong một cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương, có ý kiến cho rằng tâm lý “chùng xuống” ấy có phần phản ánh trình độ, năng lực hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên. Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, cho rằng ngại, đùn đẩy, né tránh, không dám làm cũng là một biểu hiện của suy thoái.

Vậy nhưng làm thế nào để khắc phục sự suy thoái ấy thì rất cần thảo luận, để đi đến nhận thức thống nhất.

Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo về PCTNTC cho biết để quán triệt, xây dựng nhận thức thống nhất hiện trạng cũng như nhiệm vụ cho giai đoạn mới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu mà ở đó “sẽ có thông điệp mới”.•

Điểm rơi năm thứ 10

10 năm công tác PCTNTC được tổng kết cũng là 10 năm kể từ khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, tháng 5-2012 quyết định chủ trương Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư làm trưởng ban và không tổ chức ban chỉ đạo cấp tỉnh theo mô hình cũ, chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban.

Việc tổng kết ở thời điểm này còn gắn với những chuyển động mới về quan điểm của Đảng, như không chỉ phòng chống tham nhũng mà còn mở rộng tới phòng chống tiêu cực.

Trong đó tập trung vào các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống (Quy định 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị, tháng 9-2021 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo về PCTNTC); lập ban chỉ đạo cấp tỉnh theo mô hình song trùng trực thuộc (Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, tháng 5-2022)…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm