Tổng lãnh sự Indonesia: TP.HCM sẽ là đô thị thông minh

GẶP GỠ CÁC TỔNG LÃNH SỰ ĐẦU XUÂN:

Tổng lãnh sự Indonesia: TP.HCM sẽ là đô thị thông minh

(PLO)- Các thành phố thông minh sẽ xóa bỏ các rào cản của chính quyền, người dân, doanh nghiệp, hướng tới năng suất lao động cao và cuộc sống trở nên tiện nghi, hạnh phúc hơn.

Đến với chương trình “Cuộc gặp bất ngờ” mừng xuân Quý Mão 2023, Tổng Lãnh sự Indonesia Agustaviano Sofjan tin rằng TP.HCM hoàn toàn có thể trở thành một đô thị thông minh của Việt Nam (VN) và khu vực. Kỳ vọng này tương đồng với nhiều TP khác tại Indonesia.

Mỗi TP có 1 trung tâm chỉ huy

. Phóng viên: TP.HCM đã và đang hướng đến mô hình TP thông minh, hiện đã phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng tôi được biết ở Indonesia, ví dụ như Thủ đô Jakarta, chính phủ cũng đang hướng tới các mô hình như vậy. Xin ông chia sẻ kinh nghiệm của nước mình?

+ Ông AGUSTAVIANO SOFJAN: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn làm rõ định nghĩa của chúng tôi về TP thông minh. Tôi nghĩ rằng khái niệm này tập trung vào việc làm thế nào để một TP có thể phát triển bằng cách vận dụng các yếu tố công nghệ thông tin, thông tin liên lạc một cách an toàn và hiệu quả, sử dụng mạng lưới thiết bị kết nối Internet (Internet of things) để quản lý tài sản công và dịch vụ công.

Tổng Lãnh sự Indonesia Agustaviano Sofjan
Tổng Lãnh sự Indonesia Agustaviano Sofjan trong buổi phỏng vấn với báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: QUỐC VŨ

Indonesia bắt đầu phát triển TP thông minh vào năm 2013 với điểm đầu tiên là TP Bandung – nơi có trung tâm chỉ huy. Trung tâm này có khả năng giám sát được tất cả những gì diễn ra trong TP.

Ngoài ra, trung tâm chỉ huy cũng có thể nắm bắt những mối quan tâm từ công chúng thông qua các vấn đề thịnh hành mà người dân tìm kiếm, thảo luận trên mạng xã hội. Việc đó góp phần giúp chính quyền thấu hiểu người dân hơn và tìm ra các giải pháp giải quyết các vấn đề mà họ quan tâm. Như vậy, trung tâm chỉ huy có thể phá vỡ các rào cản giữa các bên (chính quyền – người dân – doanh nghiệp…), để họ cùng nhau nhìn thấy những thách thức mà TP đối mặt cũng như có hướng xử lý kịp thời.

Tôi nghĩ TP.HCM có tiềm năng lớn để trở thành một đô thị thông minh. Tôi chắc chắn điều đó và tôi đã nhìn thấy TP này đang tiến tới mục tiêu như thế.

Tổng Lãnh sự Indonesia AGUSTAVIANO SOFJAN

Sáng kiến nói trên do Thị trưởng TP Bandung lúc đó cùng với những nhà lãnh đạo địa phương và một số doanh nhân khởi xướng. Cạnh đó, cũng có những nỗ lực khác như từ kỳ vọng của xã hội, khi người dân mong muốn nhìn thấy TP nơi họ sinh sống trở nên tiện nghi, hiệu quả hơn.

Những nỗ lực chung này đã giúp Bandung thực hiện ý tưởng xây dựng trung tâm chỉ huy, tạo cảm hứng cho các thành phố khác xây dựng một trung tâm chỉ huy của TP thông minh tương tự như vậy. Thủ đô Jakarta đã theo sau Bandung làm điều đó vào năm 2014.

Hướng đến 100 TP thông minh

. Nhìn một cách tổng thể, kỳ vọng của chính quyền Indonesia khi xây dựng các TP thông minh là gì nhìn từ lợi ích của công chúng?

+ Đến nay, nhìn ở quy mô rộng lớn, Indonesia đã đề ra kế hoạch “Smart City Movement” (Hướng tới đô thị thông minh) từ năm 2017 và đang trong giai đoạn thực hiện. Với kế hoạch này, nhiều TP khác, không chỉ là Bandung hay Jakarta, đều đang phát triển thành đô thị thông minh với các trung tâm chỉ huy tương tự nêu trên. Và mục tiêu của kế hoạch này là tạo ra 100 TP thông minh trước thời điểm năm 2045.

Tổng Lãnh sự Indonesia Agustaviano Sofjan
Tổng Lãnh sự Indonesia Agustaviano Sofjan (phải) trả lời phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM về chủ đề thành phố thông minh. Ảnh: QUỐC VŨ

Chúng tôi kỳ vọng các TP thông minh sẽ giúp người dân nắm bắt một cách nhanh chóng những gì đang diễn ra tại TP họ sinh sống, từ đó đảm bảo an ninh, hiệu suất lao động, tiết kiệm thời gian di chuyển, ví dụ họ có thể biết được nơi nào đang kẹt xe để chọn hướng đi khác. Ngày nay, người dân khi ra đường đều thích di chuyển theo một hệ thống giao thông có tính kết nối cao (từ điểm đầu đến điểm cuối).

Như ở Jakarta, chúng tôi có MRT (hệ thống giao thông cao tốc đô thị) được kết nối với hệ thống đường sắt hạng nhẹ (LRT). Những hệ thống này cũng được kết nối với các tuyến xe buýt, hay các hãng xe công nghệ được người dân dễ dàng tiếp cận bằng điện thoại thông minh. Một mạng lưới giao thông có tính kết nối cao như vậy, vốn là những gì mà một TP thông minh cần xây dựng và vận hành, thực sự giúp ích rất nhiều cho xã hội.

Tiềm năng to lớn của TP.HCM

. Với những kinh nghiệm của mình tại Indonesia và những gì đã trải qua khi làm việc tại TP.HCM, ông nhận định như thế nào về tiềm năng trở thành TP thông minh tại đây?

+ Tôi nghĩ TP.HCM có tiềm năng lớn để trở thành một đô thị thông minh. Tôi chắc chắn điều đó và tôi đã nhìn thấy TP này đang tiến tới mục tiêu như thế khi TP đang đứng trước rất nhiều cơ hội lớn. Ví dụ, tôi nhìn thấy rất nhiều dịch vụ giao hàng qua các ứng dụng di động và bất kỳ ai cũng có thể đặt hàng. Việc kết nối Internet ở đây cũng rất dễ dàng giúp mọi người có thể tìm kiếm mọi thứ, như các bạn có thể dễ dàng tìm ra một quán cà phê nào đó ở Sài Gòn này.

Tổng Lãnh sự Indonesia Agustaviano Sofjan cho rằng TP.HCM có tiềm năng lớn để trở thành đô thị thông minh. Ảnh: QUỐC VŨ
Tổng Lãnh sự Indonesia Agustaviano Sofjan cho rằng TP.HCM có tiềm năng lớn để trở thành đô thị thông minh. Ảnh: QUỐC VŨ

Không chỉ vậy, TP cũng là điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư (trong nước và quốc tế). Các nhà đầu tư luôn muốn rót vốn vào một TP phát triển với cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc thông suốt, những điều mà TP.HCM hoàn toàn có thể đáp ứng.

Với tôi, TP.HCM đang sở hữu những nền tảng hạ tầng hiệu quả, và nếu nhìn xa hơn nữa, với khả năng kết nối và hợp tác, tôi chắc rằng TP sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn. Hãy thử nhìn vào TP Thủ Đức. Nơi này đang và sẽ trở thành trung tâm của công nghệ thông tin, trung tâm của TP thông minh.

. Để trở thành TP thông minh, chắc chắn TP.HCM sẽ phải còn hướng đến nhiều trọng tâm phát triển cụ thể khác, theo ông đó là gì?

+ Như tôi nhắc đến ở trên, yếu tố đầu tiên mà một TP thông minh cần đó là nền tảng về cơ sở hạ tầng. Thứ hai là yếu tố môi trường sống, môi trường đầu tư, phát triển. Yếu tố môi trường ở đây được hiểu là khung pháp lý – chính sách, các quy định của nhà nước (dành cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư…). Cuối cùng là nguồn nhân lực có tay nghề. Tôi thấy được VN có lợi thế là nguồn nhân lực trẻ trung, có hiểu biết về chuyển đổi số. Đó là tiềm năng lớn cho tăng trưởng của TP.

Với tiềm năng hiện nay, TP.HCM không chỉ hướng đến mục tiêu trở thành TP thông minh ở phạm vi công chúng của TP này, mà còn của VN, của khu vực ASEAN và thậm chí là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

. Xin cám ơn ông.

Những ấn tượng đặc biệt về Việt Nam

Tổng Lãnh sự Indonesia Agustaviano Sofjan đến TP.HCM nhận nhiệm vụ từ cuối năm 2021. Ông chia sẻ: “Tôi có dịp trò chuyện với những người đã sống ở đây trong suốt 15-20 năm, và họ thường nói với tôi: “TP.HCM nói riêng và VN nói chung đã và đang có những bước chuyển mình rất lớn”. Cá nhân tôi có thể cảm nhận được điều đó”.

Ông Agustaviano Sofjan cũng rất ấn tượng về tinh thần tái thiết và tinh thần khởi nghiệp rất mạnh mẽ của đất nước này.

“Các bạn biết đấy, trong hai năm trước, Indonesia và VN cùng các quốc gia khác đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên với tinh thần tái thiết, VN đã nỗ lực rất nhiều trong việc kiểm soát đại dịch. Chính tinh thần tái thiết ấy đã đưa mọi hoạt động ở VN trở về trạng thái bình thường. Cạnh đó, tôi nhận thấy các doanh nghiệp khởi nghiệp đang bắt đầu phát triển trở lại. Tôi hi vọng điều đó sẽ được tiếp diễn, đồng thời giúp ích cho tăng trưởng kinh tế của VN”. – Người đứng đầu tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM nói.

Ông cũng nhấn mạnh về tinh thần lạc quan, luôn hướng tới tương lai của người dân VN. Theo ông, VN và Indonesia đều có dân số trẻ, luôn hướng về phía trước, tạo nên được không khí lạc quan về tương lai. Điều đó thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo của VN.

Đọc thêm