Việt – Trung đổi mới sáng tạo nhìn từ chuyện kiwi

GẶP GỠ CÁC TỔNG LÃNH SỰ ĐẦU XUÂN:

Việt – Trung đổi mới sáng tạo nhìn từ chuyện kiwi

(PLO)- Tổng lãnh sự Trung Quốc nhận định đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp là động lực to lớn cho tăng trưởng kinh tế nói riêng và phát triển đất nước nói chung.

Tổng lãnh sự Trung Quốc (TQ) Ngụy Hoa Tường (Wei Huaxiang) đã mượn câu chuyện trái kiwi ở nước mình để bày tỏ niềm hi vọng về hợp tác công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển trái thanh long Bình Thuận nói riêng và trái cây Việt Nam (VN) nói chung.

Dưới đây là phần lược thuật tại chương trình “Cuộc gặp bất ngờ” mừng xuân Quý Mão 2023.

Từ chuyện trái kiwi Trung Quốc

. Phóng viên: Một trong những điều mà nhiều người VN rất ấn tượng về TQ đó là đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp. Các chỉ số này ở TQ được phản ánh rất tích cực. TQ đạt được lợi ích gì từ việc này?

+ Ông NGỤY HOA TƯỜNG: Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là động lực vô tận cho sự phát triển của một đất nước. TQ hiện đang thúc đẩy phát triển nền kinh tế chất lượng cao, và vì thế tinh thần đổi mới là điều vô cùng quan trọng. Nhân cơ hội này, tôi cũng muốn kể một câu chuyện nhỏ nhưng dễ hiểu về giá trị của đổi mới sáng tạo.

Tôi có cơ duyên quen và làm việc với một người nông dân tên Vương Chí Quảng, sở hữu nông trại cây ăn trái khoảng gần 7 hecta, và tham gia vào một hợp tác xã diện tích gần 70 hecta tại huyện Bác Sơn, tỉnh Sơn Đông. Lúc mới trồng kiwi, ông Vương thu về lợi nhuận rất tốt. Tuy nhiên, khi trồng nhiều, cung vượt cầu nên trái kiwi bán không được giá.

Tổng lãnh sự Trung Quốc Ngụy Hoa Tường

Tổng lãnh sự Trung Quốc Ngụy Hoa Tường (phải) trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: QUỐC VŨ

Sau khi đi tìm hiểu, tôi thấy trái kiwi bán rất chạy ở thị trường TQ, nhưng muốn phát triển kinh doanh thì không thể dựa vào mô hình cũ. Thêm nữa, trái kiwi rất khó bảo quản, thời gian tối đa khi ấy chỉ tầm hơn một tháng. Quan trọng nhất là người nông dân rất cần tiếp cận vốn để có thể sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Những thực tế này đòi hỏi chúng tôi phải sáng tạo, đổi mới để tạo nên sự đột phá.

. Câu chuyện trái kiwi sau đó được giải quyết thế nào, thưa ông?

+ Chúng tôi nghiên cứu công nghệ mới để ủ lạnh quả kiwi thông qua việc huy động nguồn lực từ các trường đại học, cao đẳng. Kết quả là chúng tôi đã chế tạo được kho lạnh công nghệ mới, giúp kéo dài thời gian bán kiwi từ ba đến sáu tháng (cho đến tiết xuân), thay vì chỉ khoảng một tháng rưỡi như trước đây. Vì vậy, trái kiwi bán ra rất được giá.

Tuy nhiên, về nhu cầu vốn của nông dân, chúng tôi đã phát triển công nghệ tài chính. Nông dân có thể làm thủ tục vay vốn qua điện thoại thông minh, và đơn vị cho vay có thể dễ dàng đánh giá năng lực tín dụng của người vay, nhận định về nhu cầu vay vốn và rủi ro. Việc này rất nhanh, thủ tục không rườm rà và lãi suất lại thấp.

Khi tôi đặt chân đến VN, cảm thấy đâu đâu cũng xanh tươi, tràn đầy sức sống. Các loại trái cây ở VN rất hấp dẫn. Tôi thích nhất là quả dừa, và mỗi khi đi công tác đều mua dừa địa phương để thưởng thức. Tôi cũng rất thích thanh long và vú sữa tại VN.

Tổng lãnh sự TQ NGỤY HOA TƯỜNG

. Câu chuyện kiwi có thể được khái quát hóa thành bài học?

+ Đổi mới phải gắn liền với lợi ích của những người trong cuộc. Như chuyện trái kiwi, sẽ có các công ty khởi nghiệp về công nghệ, sáng tạo phục vụ cho quá trình sản xuất, bảo quản trái kiwi, hay các doanh nghiệp công nghệ tài chính phục vụ cho việc tiếp cận vốn.

Để thúc đẩy quá trình đổi mới, phải tạo ra một hệ sinh thái theo kiểu “Thất Tinh Bắc Đẩu” (bảy ngôi sao trong chòm sao Đại Hùng – PV). Nghĩa là chính phủ, trường học, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, dịch vụ tài chính, nhà sản xuất phải liên kết chặt chẽ, tạo thành hệ sinh thái toàn diện để phục vụ tốt cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Ngoài ra, chúng ta cần tích hợp các nguồn lực khác nhau, chẳng hạn như vốn, đất đai, sự phổ biến của công nghệ và dữ liệu để đổi mới. Quá trình đổi mới sáng tạo cũng không thể thiếu nhân tài, vì vậy cần chú ý ươm mầm, thu hút và giữ chân nhân tài.

Đến kỳ vọng trái thanh long Việt Nam

. Chuyện trái kiwi ở TQ có làm ông liên tưởng đến câu chuyện tương tự khi ông tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp tại VN?

+ Tôi muốn thông qua câu chuyện trái kiwi để nói về việc đổi mới chuỗi cung ứng trái cây nói riêng và cách hiện thực hóa tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong nền kinh tế nói chung. Tại VN, tôi liên tưởng đến câu chuyện trái thanh long ở Bình Thuận. Sau khi được thu hoạch, thanh long sẽ được chuyển đến nhà máy, phân loại và đóng thùng và vận chuyển bằng đường biển đến TP Thanh Đảo của TQ.

Tổng lãnh sự Trung Quốc Ngụy Hoa Tường

Tổng lãnh sự Trung Quốc Ngụy Hoa Tường trong buổi phỏng vấn. Ảnh: QUỐC VŨ

Vì trái thanh long Bình Thuận phải trải qua quá trình vận chuyển dài ngày nên khi thu hoạch, quả thanh long phải còn xanh hay chưa chín hẳn, vì vậy mà hương vị bị giảm. Do đó, tôi mong trái cây nhiệt đới ở VN được hái chín trên cây rồi vận chuyển sang thị trường TQ bằng nhiều phương tiện vận tải thì hương vị sẽ ngon hơn nhiều. Cạnh đó, cần thực hiện một số cải tiến, đổi mới trong công nghệ ủ lạnh để thanh long chín giữ được hương vị trong quá trình vận chuyển đường xa.

Hay như trong phân đoạn trồng trọt, việc đổi mới công nghệ giúp cho tiêu chuẩn của thanh long được nâng cao hơn. Như vậy, cho dù hình thức hay mùi vị, tất cả đều sẽ tốt hơn. Tất nhiên, không chỉ thanh long, chúng ta có thể làm điều này cho sầu riêng, vú sữa, bưởi da xanh… Người tiêu dùng TQ sẽ được thưởng thức trái cây tươi ngon, người dân VN có thu nhập cao hơn.

Kỳ vọng hợp tác công nghệ Việt - Trung

. TQ và VN có mối quan hệ hợp tác chiến lược. Nếu nhìn câu chuyện quả kiwi ở phạm vi rộng hơn, đâu là cơ hội để hai quốc gia có thể hợp tác để đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp?

+ Tôi nghĩ rằng quá trình chăm sóc, bảo quản trái cây ở VN cũng cần được cải tiến để cho ra những loại hoa quả có chất lượng cao hơn, không chỉ bán cho thị trường nội địa, mà cả TQ và thế giới. Nhưng để làm điều này một cách thuận lợi, tôi nghĩ việc hợp tác phát triển công nghệ giữa TQ và VN là rất cần thiết. Chúng ta đều là những quốc gia xã hội chủ nghĩa, cùng chung vận mệnh. Chỉ thông qua cởi mở, trao đổi và học hỏi lẫn nhau, cùng nhau ứng phó với các thách thức chung thì khoa học-công nghệ mới có thể mang lại lợi ích cho người dân.

Tổng lãnh sự Trung Quốc Ngụy Hoa Tường

Tổng lãnh sự Trung Quốc Ngụy Hoa Tường dẫn phóng viên xem triển lãm tranh về đổi mới sáng tạo ở Trung Quốc. Ảnh: QUỐC VŨ

Từ quá trình trồng trọt, sản xuất đến vận chuyển và bán hàng, chúng ta đều có thể đổi mới dựa vào hợp tác giữa TQ và VN. Hai nước có thể hợp tác từ cấp độ chính phủ, các công ty nông nghiệp, nông dân, đến người mua - bán trái cây, đơn vị cung cấp hậu cần… Hai nước vừa hợp tác đổi mới công nghệ, vừa đổi mới mô hình kinh doanh.

Với tư cách là Tổng lãnh sự TQ, tôi sẵn sàng thực hiện những điều mà Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhất trí được ghi trong Tuyên bố chung VN - TQ. Theo đó, cần phải phát huy hết vai trò của hai bên Trung-Việt về hợp tác khoa học và công nghệ. Tôi có thể căn cứ vào tình hình và nhu cầu của các địa phương tại VN để thực hiện các hoạt động trao đổi ở các tầng nấc khác nhau về tổ chức các đơn vị nghiên cứu khoa học, người làm nghiên cứu, doanh nghiệp… nhìn từ kinh nghiệm của TQ. Những trao đổi như vậy có lợi cho cả người dân hai nước.

. Xin cám ơn ông.

“Người Việt Nam cởi mở, bao dung”

Thời gian làm việc tại TP.HCM, Tổng lãnh sự TQ Ngụy Hoa Tường cho biết ông thấy mình đang ở trên “miền đất hy vọng”.

“Tôi cảm thấy vinh dự và có trách nhiệm to lớn trong việc duy trì, phát huy tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí vừa là anh em”, đồng thời thực hiện những nhận thức chung quan trọng mà Tổng bí thư Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đạt được.” – ông Ngụy nói.

Nhìn lại nửa năm qua ở VN, người đứng đầu Tổng lãnh sự quán TQ cảm thấy người dân ở đây hiền lành, tốt bụng, hữu hảo, cần cù, cởi mở và rất bao dung.

Hơn hai tháng trước, một tàu TQ đã gặp sự cố khi đi ngang vùng biển Côn Đảo khi tàu này đang trên đường từ Thái Lan đi TQ và nhiều thuyền viên nguy kịch đã được đưa đến Trung tâm Quân dân y huyện Côn Đảo để điều trị. Khi tới bệnh viện, ông Ngụy rất xúc động khi thấy các đồng chí của UBND huyện Côn Đảo và các bác sĩ tận tâm điều trị, tích cực cứu sống các thuyền viên TQ.

Đọc thêm