Tổng lãnh sự Susan Burns: Hỗ trợ doanh nghiệp Việt đầu tư sang Mỹ

Gặp gỡ các Tổng lãnh sự đầu xuân:

Tổng lãnh sự Susan Burns: Hỗ trợ doanh nghiệp Việt đầu tư sang Mỹ

(PLO)- Người đứng đầu tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đặt ra nhiều kỳ vọng và hứa hẹn đối với quan hệ Mỹ-Việt Nam trong năm 2023.

Tổng lãnh sự Mỹ Susan Burns, trong chương trình “Cuộc gặp bất ngờ” mừng xuân Quý Mão 2023, cho biết Mỹ và Việt Nam (VN) đang đứng trước nhiều cơ hội và tiềm năng để thúc đẩy quan hệ hai nước từ quan hệ đối tác toàn diện lên tầm quan hệ chiến lược trong thời gian tới.

Hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng

. Phóng viên: Cả Mỹ và VN đều trải qua giai đoạn khó khăn vì đại dịch COVID-19. Nhìn lại thời gian qua, bà nhận thấy đại dịch đã tác động như thế nào đến với chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó Mỹ là một trong những mắc xích rất quan trọng?

+ Bà SUSAN BURNS: Tất cả chúng ta đều được kết nối trong chuỗi cung ứng. Và như các bạn đề cập, Mỹ cũng là một phần quan trọng. Đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy chúng ta rất dễ bị tổn thương và phải làm sao đó để đảm bảo mạng lưới các chuỗi cung ứng phải luôn vững mạnh. Đó là điều mà Mỹ nhận thức rất rõ.

Ở Mỹ, chúng tôi thiếu hụt một số sản phẩm, vì vậy một trong những điều mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện là hợp tác với các quốc gia trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) để đảm bảo tốt nguồn cung, sự ổn định của chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong các lĩnh vực then chốt ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Ví dụ, khi đại dịch bùng phát, Mỹ gặp nhiều khó khăn khi thiếu hụt thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). Vào thời điểm sống còn ấy, VN đã hỗ trợ Mỹ rất nhiều.

Vậy làm thế nào để chúng ta quản lý và bảo vệ chuỗi cung ứng khỏi những cú sốc trong tương lai, chẳng hạn như chiến tranh hay một đại dịch khác? Tôi nghĩ IPEF sẽ là nhân tố quan trọng.

. Câu hỏi “làm sao để bảo vệ chuỗi cung ứng” khi thế giới đang đứng trước nhiều thách thức an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống rất đáng chú ý. Sau đại dịch, nước Mỹ đã và đang tìm kiếm đáp án cho câu hỏi ấy như thế nào, thưa bà?

+ Tôi không nghĩ rằng câu hỏi trên không chỉ là vấn đề của Mỹ mà của cộng đồng quốc tế, cần đến sự hợp tác. Tôi nghĩ việc đa dạng hóa nguồn cung thực sự rất quan trọng. Nếu chúng ta phải phụ thuộc nguồn cung hay vận tải hàng hóa vào một quốc gia, dù đó là nước nào, thì thực sự sẽ rất khó khăn. Vậy nên, chúng ta cần đảm bảo hàng hóa có thể xuất phát từ và đến được nhiều nơi, như cảng biển, sân bay...

Mỹ cũng đang nỗ lực làm việc với VN thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Đó là chương trình giúp thương mại thuận lợi, ngăn tình trạng tắc nghẽn tại hải quan, đảm bảo hàng hóa xuất, nhập vào VN một cách nhanh chóng và các công ty VN cũng có thể hiểu rõ hơn về các yêu cầu để xuất khẩu sang Mỹ. Vì vậy, chúng tôi làm việc trực tiếp với các DN tại VN về điều này. Tôi cũng thường xuyên dành thời gian để tìm hiểu xem các hoạt động nói trên hiệu quả ra sao và đảm bảo hàng hóa xuất nhập thông suốt. Tôi nghĩ đó là một cách để không có một sự trì trệ nào trong chuỗi cung ứng.

Tăng cường đầu tư hai chiều Việt Mỹ

. Làm việc ở VN thời gian qua, bà có nhận thấy bất kỳ vấn đề nào đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa giữa VN và Mỹ không?

+ Về tổng thể, tôi nghĩ là không. Vấn đề đáng chú ý nhất có lẽ là ở VN, các cảng và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu (xuất nhập khẩu rất lớn của hai nước). Đó cũng là điều mà chúng tôi mong sẽ giúp được cho VN trong tương lai, phát triển năng lực cảng để thực sự đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ thị trường toàn cầu đối với VN.

Chúng tôi cũng nhận thấy khu vực tư nhân Mỹ đang đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế VN. Đã có nhiều công ty Mỹ vào VN và họ rất vui mừng vì được có mặt ở đây. Dù tôi chỉ mới đến VN làm việc vài tháng, nhưng tôi đã gặp nhiều công ty Mỹ có mong muốn mở rộng hoạt động của mình tại VN. Về hiện tượng thiếu hụt hàng hóa (xuất nhập khẩu) ở thời điểm hiện tại, tôi có thể khẳng định mọi việc đang dần tốt lên. Dù vậy, chúng ta vẫn phải luôn sẵn sàng cho những cú sốc có thể xảy ra tiếp theo để không phải rơi vào hoàn cảnh bị động.

. Giai đoạn hậu COVID-19, thông tin từ dư luận cho chúng tôi cảm nhận ngày càng có nhiều DN nước ngoài, đặc biệt là DN Mỹ muốn đầu tư vào VN?

+ Đúng vậy. Chúng tôi đang cố gắng không chỉ giúp đỡ các công ty lớn của Mỹ muốn đến VN mà còn giúp các công ty vừa và nhỏ của VN sẵn sàng đến Mỹ. Chúng tôi đang cố gắng khuyến khích các công ty VN đầu tư vào Mỹ. Thương mại hai chiều thực sự quan trọng. Vì vậy, USAID có một chương trình liên kết dành cho các DN vừa và nhỏ để cung cấp cho họ ngân sách, các khóa đào tạo và hỗ trợ các họ số hóa tốt hơn, sẵn sàng cạnh tranh nhiều hơn ở quy mô quốc tế. Các bạn có thể thấy cách mà chúng tôi hỗ trợ nhiều công ty VN đạt đến trình độ cao để họ có thể hoạt động trên phạm vi toàn cầu.

. Phía Mỹ khuyến khích các DN VN đầu tư sang Mỹ như thế nào?

+ Một trong những điều thực sự hấp dẫn đối với các công ty VN khi sang Mỹ là họ có thể dễ dàng tìm kiếm đối tác hoặc bắt đầu hoạt động kinh doanh khá nhanh chóng. Quá trình xin giấy phép kinh doanh ở Mỹ rất nhanh, chỉ mất khoảng một hoặc hai ngày. Các vấn đề về thuế, quy tắc xuất nhập khẩu… chắc chắn sẽ khá phức tạp. Tuy nhiên, chúng tôi có toàn bộ cơ sở hạ tầng để hỗ trợ và nhiều đối tác sẵn sàng giúp đỡ các công ty VN muốn đầu tư vào Mỹ.

Tại VN, Mỹ mở văn phòng Thương vụ Mỹ tại Hà Nội và TP.HCM (thuộc Bộ Thương mại Mỹ), chịu trách nhiệm khuyến khích giao thương hai chiều Mỹ-VN. Chúng tôi có chương trình thường niên dành cho các công ty VN muốn đầu tư vào Mỹ tên là “Select USA” (tạm dịch: “Hãy chọn nước Mỹ”) với mục đích khuyến khích ngày càng có nhiều DN Việt hướng nguồn đầu tư đến đất nước chúng tôi.

Thúc đẩy hợp tác tư nhân hai nước

. Sau đại dịch, bà thấy tình hình tái thiết, phát triển kinh tế-xã hội ở TP.HCM nói riêng và VN nói chung ra sao?

+ Tôi mới đến TP.HCM vào tháng 9-2022, tức chỉ vài tháng. Tuy nhiên, tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy mức độ mở cửa của TP này. Tôi đã không ở đây trong thời gian xảy ra đại dịch, nhưng đối với tôi, có vẻ TP đang hoạt động rất tốt, mọi thứ đều đã mở trở lại và công việc kinh doanh diễn ra bình thường. Tôi nghĩ điều đó có liên quan đến tỷ lệ tiêm chủng rất cao ở TP này, lên đến 95%.

Nước Mỹ thực sự rất vui khi có thể cung cấp khoảng 40 triệu liều vaccine cho VN, trong đó có những thời điểm then chốt, góp phần nào đó giúp VN mở cửa trở lại. Hơn nữa, tôi thực sự rất ấn tượng với cách VN xử lý và ứng phó với đại dịch. Khi tôi còn làm việc ở Washington, mọi người ở đó thực sự coi VN như một hình mẫu về cách quản lý cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế và bảo vệ sức khỏe người dân. Tôi nghĩ đó là điều mà tất cả chúng tôi học được từ VN.

Tôi cũng biết VN cũng có những ưu tiên đặc biệt dành cho các DN để cố gắng duy trì hoạt động. Tôi nghĩ điều đó đã cho thế giới thấy rằng VN là một nơi an toàn để kinh doanh vì chuỗi cung ứng được bảo vệ. Nhắc lại về chuỗi cung ứng, nếu bạn là một công ty Mỹ và bạn đang phụ thuộc vào hàng dệt may hoặc giày dép được sản xuất tại VN, thì ngay trong những thời điểm khó khăn nhất vì đại dịch, hàng hóa vẫn được sản xuất vì nhiều nhà máy vẫn mở cửa.

Mỹ cũng đã phát triển chính sách vừa bảo vệ sức khỏe của người dân đồng thời giúp mọi người tiếp tục làm việc. Chúng tôi cũng đã đạt được sự cân bằng, dù không dễ dàng. Mọi quốc gia đều vật lộn với vấn đề này. Tôi nghĩ khi có một độ lùi về thời gian, chúng có thể nhìn lại và nói rằng mọi thứ đã diễn ra tốt đẹp ở VN. Vì vậy, VN trở thành một thương hiệu, đồng thời niềm tin của mọi người với VN đang được củng cố. Một số người bây giờ có thể tin rằng VN có chuỗi cung ứng an toàn với nền sản xuất tốt, và họ có thể dựa vào VN. Tôi mong điều đó sẽ giúp Việt-Mỹ cùng tăng trưởng kinh tế và đạt lợi ích trong tương lai.

. Nếu nhìn từ góc độ của chính phủ, thì Mỹ và VN có thể thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng thông qua các giải pháp nào?

+ Nói đến chuỗi cung ứng, chúng ta không chỉ nói đến vai trò của chính phủ, nghĩa là chính phủ không phải chịu hầu hết trách nhiệm. Chuỗi cung ứng là mạng lưới phức tạp gồm cả khu vực công và tư nhân. Theo tôi, công việc của chính phủ là đảm bảo việc áp dụng các chính sách để giúp hàng hóa, dịch vụ có thể được trao đổi tự do, không bị cản trở. Tôi nghĩ rằng trong tương lai, Mỹ muốn tiếp tục thảo luận với chính phủ VN và khuyến khích hình thức hợp tác khu vực tư nhân giữa hai nước để đảm bảo chuỗi cung ứng của chúng ta được bảo vệ.

Tuy nhiên, tôi nghĩ hai nước cũng cần phải thảo luận về vấn đề nguồn cung năng lượng ở VN. Đây sẽ là chủ đề lớn trong tương lai. VN đã cam kết thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng tái tạo, đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Chúng tôi thật sự rất vui khi nhìn vào cách VN có thể duy trì và tăng năng lực nền kinh tế theo hướng bền vững. Mới đây, VN và Nhóm đối tác Quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đã ký kết thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Bình đẳng (JETP). Thỏa thuận này lên đến 15,5 tỷ USD trong 3-5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam. Điều đó thật tuyệt vời, là cơ hội lớn cho VN với các đối tác. Các công ty Mỹ rất mong muốn được hợp tác trong không gian đó. Vì vậy, có rất nhiều điều thực sự thú vị khiến tôi rất mong chờ đến năm 2023.

Nâng quan hệ Việt Mỹ lên tầm cao mới

. Trong vai trò là Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, bà có những kế hoạch gì để thúc đẩy mối quan hệ giữa Mỹ và VN?

+ Tôi có rất nhiều vấn đề quan trọng và đặc biệt đối với mối quan hệ giữa hai nước. Một phần mà Mỹ thực sự tự hào là mối quan hệ giữa người dân hai nước, trong đó có rất nhiều người VN đang học tập, làm việc, có gia đình ở Mỹ. Những mối quan hệ đó thực sự rất quan trọng.

Vì vậy một trong những điều mà tôi mong muốn thúc đẩy hơn nữa là mối liên kết giữa các trường ĐH, đặc biệt là các trường ĐH Mỹ ở VN. Có rất nhiều sinh viên VN sang học tập tại Mỹ. Bạn biết đấy, ở Mỹ có sinh viên từ khắp nơi trên thế giới theo học, nhưng số lượng sinh viên VN đặc biệt nhiều, khoảng 30.000 du học sinh mỗi năm. Điều quan trọng là tôi muốn thấy ngày càng nhiều sinh viên Mỹ đến VN và trường ĐH Mỹ có nhiều chương trình liên kết với các trường ĐH VN hơn. Điều này thực sự tác động tích cực đến nền kinh tế. Nhiều công ty Mỹ nói rằng họ muốn tìm người lao động VN có tay nghề cao để làm việc ở VN. Để có được điều đó, bạn cần được tiếp cận với chất lượng giáo dục của các trường ĐH hàng đầu từ Mỹ. Chúng tôi có ĐH Fulbright tại VN, và chúng tôi rất tự hào về các hoạt động của trường tại TP.HCM. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để tạo cơ hội cho tất cả mọi người. Đó là vấn đề mà tôi luôn trăn trở.

Cạnh đó, tôi cũng thực sự quan tâm đến vấn đề môi trường và đặc biệt là ngăn chặn rác thải nhựa. Tôi đã đi đến một số bãi biển ở VN và thấy vẫn còn nhiều rác thải nhựa ở đó. Vì vậy, làm thế nào để chúng ta thực sự ngăn chặn điều đó? Tôi nghĩ mọi người sẽ đánh giá vẻ đẹp của VN nhiều hơn nữa nếu chúng ta có thể dẹp bỏ rác thải nhựa.

. Thưa bà, năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện VN - Mỹ. Bà có kỳ vọng gì về mối quan hệ giữa 2 nước trong tương lai không?

+ Gần đây, tôi có cơ hội gặp nguyên Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang. Ngài ấy đã kể cho tôi nghe về sự kiện ký tuyên bố chung về việc quyết định xác lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013 với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đến năm 2023, sự kiện ấy trải qua 10 năm. Tôi nhận thức được quan hệ Việt-Mỹ có tầm quan trọng chiến lược khi nhìn vào những chuyển biến trong quan hệ hai nước. Điều đó càng làm tôi thêm phần trách nhiệm và nỗ lực hết mình trong việc xây dựng mối quan hệ này. Tôi nghĩ vào năm 2023, chúng ta sẽ thấy một mối quan hệ phát triển trong rất nhiều lĩnh vực, kinh tế, thương mại, quan hệ giữa người dân hai nước, an ninh khu vực,...

Mối quan hệ giữa hai nước đã phát triển trên nhiều bình diện và tôi nghĩ rằng các bạn sẽ thấy mối quan hệ này tiếp tục phát triển hơn nữa. Chúng tôi rất hy vọng và chắc chắn rằng Mỹ muốn nâng cấp quan hệ với VN lên tầm cao mới, từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược. Chúng tôi cũng cảm nhận rõ ràng rằng hai nước chúng ta xứng đáng với việc nâng cấp mối quan hệ như thế. VN được Mỹ xem là đối tác chính trong khu vực; và chính phủ Mỹ thực sự nhận thấy VN đóng vai trò trung tâm như một quốc gia hàng đầu khu vực. Tôi nghĩ đó là một nền tảng tốt.

. Đâu là những chỉ dấu cho thấy hai nước có đủ điều kiện thuận lợi để nghĩ đến việc nâng cao quan hệ trong tương lai, thưa bà?

+ Vâng, từ góc độ của Mỹ, chúng tôi đang kỳ vọng sẽ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với VN. Hãy nhìn lại quá trình và những gì hai nước chúng ta đã đạt được kể từ khi thiết lập lại quan hệ ngoại giao (năm 1995). Từ đó đến nay, quan hệ song phương đã rất bền chặt. Chúng ta cũng sẽ kỷ niệm 25 năm thành lập Văn phòng Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) của Mỹ tại Việt Nam vào năm 2023. CDC đã hợp tác rất sâu sắc trong việc củng cố hệ thống y tế cũng như theo dõi và giám sát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 tại VN. Chúng ta cũng đã hợp tác lâu dài trong lĩnh vực y tế và cả thương mại, năng lượng tái tạo… Tôi nghĩ tất cả cho thấy mối quan hệ hai nước đang có những tiềm năng trong tương lai.

. Xin cám ơn bà.

Mỹ đặc biệt quan tâm công nghiệp chất bán dẫn

Một trong những điều chúng tôi đặc biệt quan tâm khi làm việc với các đối tác VN chính là chất bán dẫn trong công nghiệp công nghệ cao.

Mỹ từng rơi vào tình thế thiếu hụt chất bán dẫn. Vì vậy, một ưu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamila Harris là xem xét giải pháp sản xuất nhiều chất bán dẫn hơn ở Mỹ hoặc có thể sản xuất một phần ở nước ngoài để bổ sung. Chúng tôi rất hy vọng có thể thúc đẩy phát triển công nghệ sản xuất bán dẫn ở VN.

Trong thời gian làm việc ở VN, tôi đã suy nghĩ về những giải pháp mà chúng tôi có thể thực hiện đối với các nhà sản xuất công nghệ cao. VN và Mỹ có thể hợp tác trong lĩnh vực này, vì sẽ mang lại nhiều giá trị cao hơn, tạo thêm việc làm cho nguồn nhân lực chất lượng cao ở VN, đồng thời cũng mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ.

Tổng lãnh sự Mỹ SUSAN BURNS

Đọc thêm