Tại phiên họp đặc biệt của Thượng viện trước đó, 55/81 nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ bãi nhiệm bà Dilma Rousseff, 22 nghị sĩ phản đối. Trước đó, bà Dilma Rousseff đã đề nghị Tòa án Tối cao liên bang dừng tiến trình luận tội tổng thống nhưng yêu cầu đã bị bác bỏ.
Phe đối lập cáo buộc Tổng thống Dilma Rousseff sai phạm trong bốn vấn đề:
• Chi tiêu công: Năm 2014, bà đã che giấu tình hình chi tiêu công thực tế nhằm khỏa lấp mức thâm hụt ngân sách để người dân tín nhiệm, sau đó bà tái đắc cử. Sang đầu năm 2015, bà tiếp tục áp dụng chiêu này. Ngân hàng Nhà nước phải tạm thời chịu một phần chi tiêu của chính phủ. Bà Dilma Rousseff phản pháo cho rằng phe đối lập sử dụng vấn đề kỹ thuật trong kế toán công để đảo chính bà.
• Tham nhũng Petrobas: Bà Dilma Rousseff chỉ đạo hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobas năm 2003-2010. Trong vụ tham nhũng ở Petrobas, bà bị tố đã biết chuyện tham nhũng, đồng thời quỹ tranh cử tổng thống của bà có phần tài trợ từ tiền tham nhũng của Petrobas. Luật sư của bà khẳng định tiền tài trợ trong chiến dịch tranh cử năm 2014 của bà đều hợp pháp và tự nguyện.
• Cản trở pháp luật: Công tố viên trưởng Rodrigo Janot đã đề nghị mở cuộc điều tra về hành vi cản trở pháp luật của bà Dilma Rousseff. Hồi tháng 3, bà bổ nhiệm cựu Tổng thống Lula da Silva làm chánh văn phòng tổng thống. Phe đối lập tố cáo bà làm như thế để bảo vệ ông Lula trong khi ông này bị điều tra trong vụ tham nhũng Petrobas. Quyết định bổ nhiệm đã bị tòa án tuyên hủy.
• Kinh tế: Kinh tế Brazil đang chìm trong suy thoái do Brazil là nước xuất khẩu dầu thô trong khi giá dầu liên tục giảm. Theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, GDP của Brazil đã giảm còn 3,8% trong năm 2015. Do khủng hoảng, thất nghiệp trong tháng 2 vừa qua đã đạt 8,2%, mức cao nhất từ năm 2009. Theo thăm dò từ năm ngoái, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Dilma Rousseff đã giảm kỷ lục 10%. 2/3 số người được hỏi yêu cầu bà ra đi.