Trong thời gian gần đây, hai nước láng giềng vùng Balkan đã liên tục cáo buộc nhau có ý đồ khích động chiến tranh.
Ngày 14-1, một đoàn tàu sơn màu sắc tượng trưng cho Serbia, mang dòng chữ “Kosovo là Serbia” đã bị đơn vị cảnh sát đặc nhiệm Kosovo chặn lại, không cho qua biên giới.
Serbia không công nhận độc lập của Kosovo và không xin ý kiến chính quyền tại Pristina trước khi cho tàu tới. Ngày 15-1, Tổng thống Serbia, Tomislav Nikolic nói rằng hành động của Kosovo chứng tỏ nước này muốn gây chiến với Belgrade.
Tổng thống Kosovo, Hashim Thaci cho rằng đoàn tàu được cử đến nhằm mục đích “khích động” người Kosovo để tạo cái cớ cho Serbia can thiệp quân sự và thôn tính vùng lãnh thổ phía bắc Kosovo. Đây là nơi ở của khoảng 50.000 người Serb bản địa không công nhận độc lập của Kosovo.
“Ý định của Serbia là dùng đoàn tàu này, do Nga cung cấp, trước hết là để chia tách khu vực phía bắc Kosovo và rồi sáp nhập nó vào Serbia. Đó là tiền lệ Crimea” - ông Thaci nói.
Tổng thống Kosovo, Hashim Thaci trong lễ nhậm chức ở Pristina, Kosovo ngày 8-4-2016. Ảnh: REUTERS
Năm 2014, bán đảo Crimea đã được sáp nhập vào Nga, tách khỏi Ukraine. Người gốc Nga ở đây vẫn trung thành với Moscow sau khi Liên bang Xô Viết tan rã và rất hoan nghênh động thái sáp nhập nhưng động thái của Nga đã bị các nước phương Tây phê phán và đáp trả bằng nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế.
Serbia mất quyền kiểm soát Kosovo khi không quân NATO buộc quân đội Belgrade rút lui năm 1999, sau khi lực lượng này giết hại 10.000 dân bản địa Albania. NATO vẫn đang cho 5.000 binh đóng tại Kosovo để duy trì nền hòa bình mỏng manh.
Ngày 15-1, sau khi thảo luận với viên chức cao cấp quân đội và trưởng ban an ninh ở Belgrade, Tổng thống Nikolic đã đe dọa sẽ đưa quân trở lại Kosovo.
Đáp lại, tổng thống Thaci nói rằng bất cứ hành vi nào hòng thôn tính bắc Kosovo của Serbia cũng sẽ khởi động “một phản ứng dây chuyền khắp miền Tây Balkan”.
Cả Belgrade và Pristina đều muốn gia nhập Liên minh EU và bình thường hóa quan hệ là điều kiện của họ nhưng Serbia vẫn tiếp tục cản trở Kosovo trở thành thành viên các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc.
Quan hệ hai bên đã trở nên căng thẳng sau khi cựu thủ tướng Kosovo bị bắt ở Pháp do theo trát của Serbia, cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh.