Theo hãng tin Reuters, ngày 21-12 Nga đã chỉ trích Hà Lan vì cho phép Mỹ đóng xe tăng tại nước này. Đồng thời, Moscow cũng chỉ trích một tòa án ở Hà Lan đã ra phán quyết yêu cầu các báu vật Crimea được trưng bày tại một bảo tàng của Hà Lan phải hoàn trả cho Ukraine, chứ không phải Nga.
“Dường như giới chức Hà Lan đang cố ý phá hoại mối quan hệ với Nga” - Reuters ngày 21-12 dẫn lời ông Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, nói trong một tuyên bố.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders đã nói bình luận “thật khó hiểu” và cho biết các xe tăng Mỹ chỉ mới bắt đầu được chuyển tới Hà Lan hồi tuần trước. Ông nói: “Đây không phải là một hành động gây hấn mà chỉ là hành động phòng vệ” - theo hãng thông tấn ANP.
Tuần trước, hãng tin RT cho hay Mỹ đã bắt đầu di chuyển 1.600 xe tăng đến các nhà kho ở Eygelshoven, Hà Lan ngay sát biên giới Bỉ và Đức.
Chiếc mũ vàng trong nghi lễ Scythia từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên (trái) nằm trong bộ sưu tập báu vật ở Crimea. Ảnh: BBC
Ngoài ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga còn chỉ trích vụ một tòa án ở Hà Lan đã ra phán quyết các báu vật bằng vàng của Crimea phải hoàn trả cho Ukraine thay vì Nga. Các báu vật này đã được trưng bày tại một bảo tàng ở Hà Lan.
Ông Zakharova nói rằng phán quyết này là không công bằng và nó sẽ làm chấm dứt tham vọng của The Hague muốn trở thành thủ đô pháp lý của thế giới.
Trước đó, hôm 14-12, BBC đưa tin tại Hà Lan đã diễn ra phiên tòa về việc tranh chấp các báu vật giữa Crimea và Ukraine. Các báu vật này được trưng bày tại Bảo tàng Allard Pierson ở Amsterdam, Hà Lan. Trong bộ sưu tập báu vật gồm có một chiếc mũ vàng trong nghi lễ Scythia từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, một thanh kiếm và bao kiếm cùng một số vật phẩm giá trị khác.
Bốn bảo tàng ở Crimea yêu cầu được hoàn trả bộ sưu tập nhưng Ukraine cho rằng đó là tài sản của đất nước họ. Sau đó, hai bên tổ chức một phiên tòa tại Amsterdam để phân xử ai là chủ sở hữu các bảo vật đó.
Tòa án cho rằng kho tàng giá trị đó phải được giao lại cho nhà nước có chủ quyền, mà Crimea không phải là một nước có chủ quyền sau khi đã sáp nhập Nga từ tháng 3-2014.
Vì vậy, các thẩm phán đưa ra phán quyết Ukraine có quyền đưa bộ sưu tập đó đến chủ sở hữu hợp pháp và được gìn giữ, bảo tồn.
Mối quan hệ giữa Nga và Hà Lan trở nên xấu đi kể từ vụ chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn hạ ở miền Đông Ukraine hồi năm 2014. Phần lớn nạn nhân là người Hà Lan. Các nhà điều tra quốc tế tin rằng MH17 bị bắn hạ bởi phe ly khai do Nga hậu thuẫn. Những người này đã lầm tưởng MH17 là máy bay quân sự.