Tổng thống Mỹ tăng sức ép với Tổng thống Ai Cập

Lời kêu gọi của ông Obama được đưa ra trong bối cảnh biểu tình yêu cầu Tổng thống Ai Cập từ chức đã bước sang ngày thứ 11. Tuy nhiên, Thủ tướng Ai Cập Ahmed Shafiq khẳng định rằng, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để Tổng thống nước này từ chức.

Tổng thống Mỹ tăng sức ép với Tổng thống Ai Cập ảnh 1

Bị thương vẫn tiếp tục tham gia biểu tình

"Trên thực tế, Tổng thống Mubarak đã có sự nhượng bộ. Ông quyết định không tái tranh cử vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cần ông ấy trong quãng thời gian từ nay tới khi tiến hành bầu cử" - Thủ tướng Shafiq nói.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn khác với kênh truyền hình al-Arabiya, ông Shafiq cho rằng, không có nhiều khả năng Tổng thống Mubarak sẽ chuyển giao quyền lực cho tân Phó Tổng thống Omar Suleiman vì những "lý do pháp lý".

Cả thế giới đang dõi theo Ai Cập

Hơn 100.000 người, trong đó bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã tập trung tại quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairo hôm 4/2/2011 - thời điểm được gọi là "ngày ra đi".

Đến trưa, hàng nghìn người biểu tình tạm dừng lại khi một giáo sĩ tuyên bố: "Chúng tôi muốn người đứng đầu chế độ này phải bị loại bỏ". Sau lời tuyên bố của giáo sĩ, đám đông người biểu tình hô vang: "Hãy từ chức", vẫy cờ và cất cao những bài hát ái quốc.

Ngoài Cairo, các cuộc biểu tình còn diễn ra tại Alexandria, thành phố lớn thứ hai của Ai Cập và hàng loạt những thành phố khác như Suez, Port Said, Rafah, Ismailiya, Zagazig, al-Mahalla al-Kubra, Aswan và Asyut.

Tại Washington, Tổng thống Obama phát biểu với các phóng viên: "Cả thế giới đang dõi theo Ai Cập". Theo Liên hợp quốc, bạo động từ ngày 25/1/2011 tại đất nước Bắc Phi này đã khiến tổng cộng hơn 300 người thiệt mạng và 4.000 người khác bị thương.

Mặc dù Tổng thống Obama không yêu cầu ông Mubarak từ chức ngay lập tức, nhưng ông Obama liên tục kêu gọi quá trình chuyển giao phải được thực hiện ngay từ bây giờ.

"Ông ấy (Tổng thống Mubarak - PV) cần phải lắng nghe những người cộng sự trong chính phủ và người dân, đồng thời có quyết định đúng đắn về một quá trình chuyển giao quyền lực nghiêm túc" - Tổng thống Mỹ phát biểu.

"Câu hỏi quan trọng nhất mà ông ấy cần phải tự vấn bản thân là: "Làm sao có thể để lại sau lưng một di sản mà trong đó Ai Cập có thể vượt qua giai đoạn chuyển giao quyền lực này?". Tôi hy vọng ông ấy sẽ có một quyết định đúng đắn".

Phóng viên BBC Mark Mardell cho rằng, ông Obama đã đi xa hơn trong việc thúc giục ông Mubarak từ chức, mặc dù không nói thẳng ra điều đó vì những lý do ngoại giao.

Tổng thống Mỹ tăng sức ép với Tổng thống Ai Cập ảnh 2

Hơn 100.000 người tham gia biểu tình tại Cairo hôm 4/2/2011

Đàm phán của phe đối lập

Phe đối lập cho đến nay vẫn từ chối tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào về tương lai của một chính phủ mới trừ khi Tổng thống Mubarak từ chức. Trong khi đó, chính phủ nói rằng, cần chấm dứt biểu tình thì đàm phán mới có thể được tiến hành.

Một quan chức Mỹ cho BBC hay, một cuộc đối thoại có thể được tổ chức trong vài ngày tới và Mỹ đang thúc ép Ai Cập thực hiện nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho rằng, phong trào Huynh đệ Hồi giáo sẽ không tham dự các cuộc đàm phán này. Mặc dù vậy, một thành viên cao cấp của nhóm Huynh đệ Hồi giáo, ông Issam al-Aryan phủ nhận rằng nhóm này sẽ lợi dụng tình hình hỗn loạn.

"Chúng tôi muốn một nhà nước dân sự dựa trên những nguyên tắc của Hồi giáo, một nhà nước dân chủ với hệ thống nghị viện, bảo đảm tự do báo chí, tự do thành lập đảng phái và một nền tư pháp độc lập, công bằng" - ông Issam nói.

Một trong những thủ lĩnh của phong trào biểu tình, ông George Ishaq cho BBC biết, họ dự định sẽ giảm bớt người biểu tình ở quảng trường Tahrir, trừ vào những ngày thứ 3 và thứ 6 hàng tuần. Ông Ishaq tuyên bố, sẽ có thỏa thuận mới nếu như Tổng thống Mubarak chấp nhận từ chức.

Theo Ngọc Vân (LĐO/BBC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm