Theo các nguồn tin nước ngoài, ngày 3/2/2011, người ta đã liên tục nghe thấy tiếng súng nổ trong các vụ đụng độ giữa những người biểu tình trung thành với Tổng thống Hosni Mubarak và những người chống chính phủ yêu cầu đòi ông Mubarak phải ra đi.
Kênh truyền hình "Al-Arabiya" đã phát đi những hình ảnh xe đặc chủng của quân đội được triển khai tới quảng trường Tahrir từ sáng sớm 3/2/2011, sau khi xảy ra các vụ đụng độ giữa những nhóm kình địch.
Hàng nghìn người đổ về quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairo, biểu tình đòi Tổng thống Hosni Mubarak từ chức. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Hiện quân đội đã bắt giữ nhiều người, tuy nhiên không cho biết số lượng. Cuộc đụng độ đẫm máu trong và xung quanh quảng trường Tahrir đã làm ít nhất 7 người thiệt mạng và khoảng 1.500 người khác bị thương.
Trước diễn biến hết sức căng thẳng, Phó Tổng thống Ai Cập, ông Omar Suleiman đã bắt đầu cuộc đối thoại với "các đảng phái chính trị và lực lượng dân tộc" về các cuộc biểu tình chống chính phủ đẫm máu.
Truyền hình quốc gia Ai Cập tuy không đưa tin cụ thể những đảng phái nào đã tham gia, song khẳng định Phó Tổng thống Suleiman và Thủ tướng Ai Cập Ahmed Shafiq đã bắt đầu đối thoại với các đảng đối lập và đại diện của các nhóm biểu tình tại quảng trường Tahrir.
Theo truyền hình quốc gia Ai Cập, các cuộc biểu tình phản đối chính phủ đã bước sang ngày thứ 10 và có hơn 300 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei và Tổ chức Anh em Hồi giáo lại bác bỏ lời kêu gọi đàm phán của Thủ tướng Shafiq, cho rằng đối thoại chỉ diễn ra sau khi Tổng thống Mubarak rời khỏi nhiệm sở.
Trước đó, Thủ tướng Shafiq đã "xin lỗi" về các vụ đụng độ tối 2/2/2011 và cam kết những kẻ tấn công sẽ phải chịu trách nhiệm.
Theo TTXVN/Vietnam+