Mối lo ngại không chỉ dừng ở hiệu ứng từ cuộc "cách mạng hoa" đang lấy đi của quốc gia không lấy gì làm giàu có này khoảng 310 triệu USD/ngày sẽ lan tới đâu mà cuộc bạo loạn vì giá cả tăng cao ở quốc gia Bắc Phi này đã khơi mào cho bước phi mã mới của giá dầu trong những ngày qua.
Đường ống dẫn dầu bị tấn công trong những ngày biểu tình tại Ai Cập đã ít nhiều ảnh hưởng tới thị trường dầu mỏ thế giới
Cho dù giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 3/2011 tại New York trong phiên giao dịch cuối tuần giảm 1,51 USD xuống 89,03 USD/thùng trong khi dầu Brent tại London xuống 1,93 USD để giao dịch ở ngưỡng 99,83 USD/thùng, nhưng nhìn chung giá dầu thế giới vẫn cộng thêm 22% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái và đang trên đà leo dốc đầy sung mãn.
Bất ổn chính trị đầy bất ngờ tại Ai Cập đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường hàng hóa. Cùng với cuộc nổi dậy đường phố hiếm có tại đất nước của Kim tự tháp, giá dầu Brent đã vượt mốc 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 9-2008.
Nắm giữ cửa ngõ đưa dầu mỏ từ Trung Đông và Bắc Phi ra bên ngoài, sự kiện cánh cửa mở từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương - qua kênh đào Suez trong lãnh thổ Ai Cập - bị đóng sập do làn sóng bạo loạn bước sang ngày thứ 13 tại thủ đô Cairo đã tác động đến giá dầu đúng như cảnh báo. Hơn 10 ngày qua, ước tính mỗi ngày có tới 3 đến 4 triệu thùng dầu bị ách tắc trên Con đường tơ lụa trên biển, nối liền Địa Trung Hải và Hồng Hải để tới những điểm đến khác của thế giới. Những khó khăn do vận chuyển - tàu chở dầu từ Trung Đông phải đi thêm 10.000km đường biển vòng qua châu Phi để tới Đại Tây Dương - đã tạo sự khan hiếm trên thị trường vào thời điểm những nền kinh tế hàng đầu có dấu hiệu chuyển mình đẩy giá dầu mỏ tăng nhanh.
Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa phải hủy bỏ cam kết không tăng sản lượng khai thác dầu cách đây ít ngày để hạ nhiệt thị trường nếu nguồn cung thế giới thiếu hụt khoảng 1 triệu thùng/ngày trong những ngày tới. Nhằm tránh gây bất ổn hơn nữa cho cả các quốc gia sản xuất lẫn tiêu thụ dầu mỏ, giới chức Ai Cập đã nỗ lực mở cửa trở lại kênh đào Suez để nguồn cung dầu trong khu vực không bị chặn đứng. Đây là lý do quyết định khiến giá dầu có bước điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua tác nhân luôn có vai trò quan trọng đối với thị trường dầu thế giới là thông báo về tỷ lệ việc làm của Mỹ. Con số khiêm tốn là chỉ có 36.000 công việc mới được tạo thêm so với tháng trước, thấp hơn dự báo 140.000 người đã làm giới đầu tư chưa hết lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Thế nhưng, chiếc phanh này xem ra chỉ có tác dụng nhất thời khi giá dầu thô được dự đoán sẽ khó ở mức dễ chịu chừng nào xứ sở của các Pharaoh chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Không chỉ là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong thế giới Arab, cơn giận dữ tại Ai Cập còn mang theo lo lắng về một hiệu ứng domino chính trị tại khu vực chiếm tới 78% sản lượng dầu của OPEC trong tháng 1/2011 vừa qua. Thế giới không mong đợi những quân bài domino tiếp theo khi một nút thắt ở bất kỳ vị trí nào cũng có thể gây những hậu quả khó lường đối với cơ thể kinh tế toàn cầu. Tuyên bố từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) cho biết giá dầu ở mức xấp xỉ 100 USD/thùng đang đặt ra rủi ro cho đà tăng trưởng của kinh tế thế giới là cảnh báo đáng lưu tâm cho tất cả các quốc gia.
Sự phục hồi vừa ló dạng của các nền kinh tế khiến nhu cầu dầu mỏ đang ở mức tăng mạnh nhất trong gần ba thập kỷ qua. Thế nhưng, giá nhiên liệu tiếp tục hướng tới những nấc cao mới rất có thể gây tác động lớn cho cả các nước sản xuất lẫn các quốc gia tiêu thụ; đặc biệt là những nước đang phát triển hiện đang dẫn đầu cho đà tăng trưởng toàn cầu. Vì thế, sự ổn định nhanh chóng tại Ai Cập đang là niềm mong mỏi không chỉ của riêng người dân nước này mà còn của cả cộng đồng quốc tế để con tàu kinh tế thế giới không chệch hướng trên con đường hồi phục còn quá mong manh.
Theo Vân Khanh (HNMO)