Chiều 25-5, ông Lê Đại Thắng, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chủ trì họp báo công bố quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 tại TP Buôn Ma Thuột.
![]() |
Khu dân cư thôn 8, xã Cư Êbua được quy hoạch thành đất trồng cây lâu năm. Ảnh: VŨ LONG |
16 công trình, dự án trọng điểm bị ảnh hưởng
Theo ông Nguyễn Ngọc Lân, Trưởng phòng TN&MT TP Buôn Ma Thuột, quy hoạch sử dụng đất của TP được đảm bảo theo quy định của pháp luật về quy hoạch, hướng dẫn của Bộ TN&MT; đã tổng hợp, cân đối nhu cầu sử dụng đất cho các nguồn lực, nhân dân trên địa bàn.
![]() |
Ông Nguyễn Ngọc Lân trả lời câu hỏi của PV Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: VŨ LONG |
“Việc điều chỉnh lần này là theo đúng quy hoạch chung toàn TP. Chúng tôi đã lấy ý kiến của nhân dân từ hai đến ba lần, vì lo sợ có thiếu sót”- ông Lân thông tin.
Trưởng phòng TN&MT TP Buôn Ma Thuột thông tin thêm, hiện nay TP tạm thời chưa đưa vào quy hoạch sử dụng đất (thời kỳ 2021-2030) đối với 16 dự án, công trình trọng điểm, gồm: dự án TP giáo dục quốc tế, Bệnh viện Đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên; Khu sân golf hồ Ea Kao; Khu đô thị hồ thủy lợi Hồ Ea Tam; khu dân cư du lịch và nghỉ dưỡng ven hồ Ea Cuôr Kap…
![]() |
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: VŨ LONG |
“TP tạm thời chưa đưa vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của TP đối với các chỉ tiêu đất ở chưa phù hợp với quy hoạch chung TP đến năm 2025. Hiện nay, quy hoạch chung toàn TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung TP đến năm 2045 đang được triển khai, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sau khi được Trung ương phê duyệt, TP có trách nhiệm cập nhật, điều chỉnh đồng bộ theo quy hoạch sử dụng đất TP với các quy định khác theo đúng quy định của pháp luật"- ông Lân nói.
Giải quyết hài hòa lợi ích của người dân
Vẫn theo ông Nguyễn Ngọc Lân, sau khi cập nhật quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 có hơn 1.100 ha đất của 12 xã, phường phải chuyển từ đất ở thành đất trồng cây lâu năm và đất xây xanh công cộng (DKV).
Tại buổi họp báo, PV báo Pháp Luật TP.HCM nêu câu hỏi: TP Buôn Ma Thuột có đảm bảo các quyền lợi của người dân ở khu vực 1.100 ha này, như vay, đáo hạn ngân hàng, xây dựng nhà ở...
![]() |
Ông Nguyễn Văn Mạnh trả lời câu hỏi của PV Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: VŨ LONG |
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP Buôn Ma Thuột, cho biết người dân ở khu vực quy hoạch (mới) từ đất ở thành đất trồng cây lâu năm, hoặc đất DKV (đất trồng cây xanh) thì vẫn được thế chấp ở ngân hàng, vì giá trị nhà và đất vẫn giữ nguyên.
“Việc thế chấp này là đối với những hộ dân đã được nhà nước cấp sổ. Chúng tôi có làm việc với cán bộ ngân hàng và được giải thích vẫn đồng ý cho bà con được thế chấp", ông Mạnh cho hay.
![]() |
Ông Lê Đại Thắng, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG |
Còn ông Lê Đại Thắng nói rằng, những trường hợp đã cấp sổ nếu còn vướng TP sẽ có tính toán, báo cáo.
“Khi vướng đến việc vay mượn ở ngân hàng, chúng tôi sẽ có hướng xử lý, báo cáo cấp có thẩm quyền can thiệp nếu vượt thẩm quyền. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lường trước được vấn đề là sẽ có những khó khăn nhất định đối với người dân. Trong thời gian tới TP sẽ quyết tâm tháo gỡ”, ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Ngọc Lân cho biết thêm trong giai đoạn thực hiện quy hoạch mới, tạm thời người dân ở những khu vực hơn 1.100 ha này chưa được chuyển đổi (từ đất nông nghiệp sang đất ở). “Đây chỉ là thủ tục kỹ thuật hành chính. Khi quy hoạch chung TP, quy hoạch tỉnh được phê duyệt quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo”- ông Lân nói.
![]() |
Đại diện phòng quản lý đô thị TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG |
Còn đại diện Phòng Quản lý đô thị TP Buôn Ma Thuột cho rằng vẫn cấp phép xây dựng đối với những khu vực đã quy hoạch này; vì theo yêu cầu khi cấp phép có đủ điều kiện (căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là được.
Như PLO đã đưa tin, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt quy hoạch sử dụng đất TP Buôn Ma Thuột giai đoạn 2021-2030.
Theo quy hoạch sử dụng đất mới của TP Buôn Ma Thuột, nhiều khu dân cư ở địa xã Cư Êbua, xã Hòa Phú, xã Ea kao, phường Tân An trở thành đất trồng cây lâu năm, đất công cộng. Theo nhiều người dân họ không hề hay biết việc điều chỉnh quy hoạch trên.
Điều chỉnh quy hoạch
Ngày 13-2-2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 249 phê duyệt quy hoạch chung TP Buôn Ma Thuột đến năm 2025. Theo đó, đối với 12 xã, phường (nêu trên) được quy hoạch là đất trồng cây lâu năm, đất DKV. Tuy nhiên, ở khu vực này lại hình thành những khu dân cư đông đúc.
![]() |
Khu vực thôn 8, xã Cư Êbua bị quy hoạch đưa vào khu vực trồng cây lâu năm. Ảnh: VŨ LONG |
Lý giải về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Lân cho rằng quy hoạch sử dụng đất các kỳ trước là căn cứ vào quy hoạch của tỉnh; căn cứ vào nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương và nhu cầu của người dân. Điều này mang tính liên tục, kế thừa, phát triển. Tuy nhiên, đến năm 2017 Luật Quy hoạch được ban hành, đến năm 2019 mới có hiệu lực.
Quy hoạch giai đoạn trước là không sai, nhưng đến giai đoạn này Luật Quy hoạch có hiệu thì quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên.
“Khi quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung TP được phê duyệt thì quy hoạch sử dụng đất sẽ được điều chỉnh theo hai quy hoạch này để đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất ở TP (đại ý câu nói này của ông Lân sẽ đưa khu vực 12 xã, phường này trở lại khu dân cư vốn có-PV).
“Nếu làm đúng quy hoạch chung thì TP không thể phát triển được. Điều này cũng do nhận thức, cách hiểu trước đây. Sau khi phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch một số khu vực, đối chiếu lại quy hoạch chung thì lại không còn phù hợp” - ông Lê Đại Thắng nói.