Ngày 7-12, kỳ họp 3, HĐND TP Hà Nội đã xem xét báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh Quốc phòng của TP Hà Nội năm 2021 và kế hoạch năm 2022.
Đặt 22 chỉ tiêu trong năm 2022
Theo đó, trong năm 2022, Hà Nội sẽ dự kiến thông qua 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, Hà Nội đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là tư 7,0 - 7,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 139 - 141 triệu đồng.
Để đạt kế hoạch trên, Hà Nội đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục kiểm soát dịch COVID-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Hình thành hệ thống kiểm soát dịch bệnh đồng bộ các cấp. Tiếp tục tiêm vaccine phòng Covid-19 để đạt miễn dịch cộng đồng, đồng thời mở rộng tiêm vaccine cho trẻ em từ đầu năm 2022.
Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 dự kiến đặt ra mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 7-7,5%
Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung thí điểm mô hình chính quyền đô thị, thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù trên địa bàn TP theo nghị quyết của Quốc hội.
Tăng cường kỷ luật tài chính, công tác quản lý thu, chống thất thu; Điều hành ngân sách chủ động, tích cực, an toàn, đúng quy định.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; Tiếp tục tăng cường quản lý và phát triển đô thị; khai thác hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường.
Phát triển văn hóa, xã hội; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; đảm bảo sức khỏe cộng đồng và an sinh, phúc lợi xã hội; giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững…
Mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh tình hình đại dịch năm 2022 tiếp tục diễn biến phức tạp, chính vì vậy “mục tiêu cơ bản của Hà Nội trong năm 2022 là phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid 19”.
Từ đó, tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân; đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và an ninh trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
Về phòng chống dịch, ông Dũng đề nghị, các ĐB phân tích, đánh giá những kết quả trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP thời gian vừa qua, đặc biệt là việc triển khai các mô hình phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Từ đó, phân tích đưa ra về biện pháp phòng, chống dịch bệnh để các ngành tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng
Bí thư Hà Nội lưu ý việc bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu dịp Tết, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không để việc lợi dụng dịch bệnh xảy ra biến động về giá lương thực, thực phẩm.
Đặc biệt quan tâm công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, sức khỏe và tinh thần của Nhân dân, đặc biệt là người có công, các đối tượng chính sách xã hội. Đảm bảo cho nhân dân đón Tết vui tươi an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.
“Kỳ họp cuối năm rất nhiều nội dung quan trọng. Tôi đề nghị các vị đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm, những vấn đề lớn, vấn đề khó để bàn đưa ra các giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của TP” - ông nhấn mạnh.
22 Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của TP Hà Nội 1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): 7,0- 7,5%. 2. GRDP bình quân đầu người: 139-141 triệu đồng. 3. Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển xã hội: 10%. 4. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 5,0%. 5. Chỉ số giá tiêu dùng: dưới 4%. 6. Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước: 0,1%. 7. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng so với năm trước: 0,1%. 8. Duy trì 100% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. 9. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: 92,5%. 10. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 40%; Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 1,5%. 11. Tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 37,5%. 12. Giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố: 20%. 13. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị: dưới 4%. 14. Tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo: 72,2%. 15. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm: 70 trường. 16. Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa": 88%. 17. Tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa": 63%. 18. Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa" 72,5%. 19. Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch: khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 85%. 20. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày: 100%. 21. Xử lý ô nhiễm môi trường: (i) Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đã đi vào hoạt động) có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: 95%. (ii) Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%. (iii) Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%. Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: 28,8%. 22. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tăng thêm: 25 xã; Số xã nông thôn mới kiểu mẫu tăng thêm: 15 xã. |
(PLO)- Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm giai đoạn 2021-2025 của Hà Nội đặt ra mục tiêu tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 1,4 triệu tỉ đồng.