TP.HCM kiến nghị về biên chế, xử lý tài sản công lên Thủ tướng Chính phủ

(PLO)- TP.HCM đã kiến nghị mười vấn đề với Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong đó, kiến nghị cần bố trí vốn kịp thời cho dự án Vành đai 3 và nhanh chóng khởi động Vành đai 4 để trình Quốc hội vào giữa năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 27-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội bảy tháng đầu năm 2022, kết quả thực hiện kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc trước đó vào tháng 5-2021 và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tạo động lực cho TP phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với TP.HCM, sáng 27-7. Ảnh: TTBC

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với TP.HCM, sáng 27-7. Ảnh: TTBC

Tham dự buổi làm việc còn có Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan…

Về phía TP.HCM có Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi…

Cần khởi động Vành đai 4 ngay

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã báo cáo nhanh những kết quả hồi phục kinh tế - xã hội của TP trong thời gian qua. Đồng thời, xác định năm tồn tại chính xuất phát từ việc phục hồi, mở cửa gây ra sự tồn đọng về thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng làm chậm tiến độ các dự án, cản trở năng lực hấp thu vốn để đóng góp cho thu ngân sách, tạo thu nhập dân cư.

Đáng chú ý, TP.HCM đã kiến nghị mười nội dung quan trọng mà TP đang gặp vướng mắc nhưng thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: TTBC

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: TTBC

Trong đó, liên quan đến dự án đường Vành đai 3, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết đến giờ này dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, sự hỗ trợ các cơ quan trung ương, sự triển khai dự án đạt thuận lợi.

Tuy nhiên để đẩy nhanh tiến độ, TP.HCM đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về triển khai thực hiện Vành đai 3.

Liên quan đến việc bố trí vốn cho dự án này, ông Mãi cho biết đó là vốn hỗn hợp gồm nguồn vốn trung ương và địa phương, một phần đã được bố trí rồi, tất cả thủ tục tuy rất rõ nhưng thủ tục bố trí vốn rất phức tạp.

“Nếu không bố trí kịp thời, đồng bộ thì sẽ ảnh hưởng tiến độ dự án” - ông Mãi nói và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành giúp các địa phương thực hiện đảm bảo thời gian, tiến độ.

Về dự án Vành đai 4 trải qua năm địa phương với chiều dài 199 km, ông Mãi đề nghị Thủ tướng có chỉ đạo về quy mô đầu tư, hình thức đầu tư, thời gian để thực hiện dự án này.

Ông Mãi cho biết hiện hồ sơ đường Vành đai 3 đã xong, do đó nên khởi động Vành đai 4. TP.HCM đề xuất nên chuẩn bị hồ sơ để kỳ họp của Quốc hội vào giữa năm 2023 hoặc một kỳ họp chuyên đề vào thời điểm này có thể thông qua chủ trương đầu tư.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng thông tin, Vành đai 4 có hai dự án thành phần đi qua TP.HCM và Long An, có giá trị khối lượng giải phóng mặt bằng trên 10.000 tỉ đồng, thuộc thẩm quyền của Quốc hội. TP.HCM xin ý kiến Thủ tướng hoặc là giao cho một trong các địa phương làm đầu mối để chuẩn bị dự án này trình Quốc hội hoặc giao Bộ GTVT; nếu để mỗi địa phương đều tự làm đầu mối, trình ra Quốc hội sẽ có đến 2-3 dự án, không đồng bộ.

Nhiều lãng phí về nhà, đất công

Cũng tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi cho biết việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trong đó có phần diện tích đất công nằm xen cài theo quy định của Nghị định 167/2017 khiến TP gặp khó khăn.

Ông kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận cho UBND TP được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý tài sản công đối với phần đất công nằm xen cài trong các khu đất, được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Phan Văn Mãi nhìn nhận ở tại trung tâm TP, có những dự án đất công xen cài có thể là đường đi, không gian chung nhưng phân rất nhiều mảnh; phải đi đấu giá từng mảnh nhỏ, mất thời gian, nếu không phải cùng một nhà đầu tư thì không triển khai được. “Đây là bất cập rất lớn” – ông Mãi nói và cho biết có những khu đất vàng, kim cương nằm ở trung tâm TP kéo dài nhiều năm chưa triển khai dự án.

Liên quan đến Nghị định 167/2017, Chủ tịch TP.HCM cho biết quy định về quản lý, cho thuê nhà đất công trên địa bàn TP vừa qua đã gây lãng phí không nhỏ cho ngân sách vì không khai thác được quỹ đất mà còn bỏ tiền ra để bảo vệ.

Nhằm tránh lãng phí hơn 1.400 cơ sở nhà đất, TP kiến nghị Thủ tướng cho TP được thí điểm tổ chức đấu giá cho thuê tài sản này. Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính sớm hướng dẫn cho TP giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập đấu giá cho thuê và hướng dẫn TP xác định giá khởi điểm đấu giá cho thuê.

Xin cơ chế vượt trội về bộ máy biên chế

Liên quan đến việc tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và năm năm thực hiện Nghị quyết 54/2017, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận thời gian qua khi xây dựng các cơ chế đặc thù cho TP thì TP đã chưa lường hết được.

Chưa kể, sau một năm triển khai mô hình chính quyền đô thị đã bộc lộ một số vướng mắc.

Do đó, TP.HCM mong Thủ tướng cho định hướng để TP xác định các cơ chế vượt trội để chủ động hơn trong các lĩnh vực như đầu tư, ngân sách tài chính, tổ chức bộ máy…

Ông Phan Văn Mãi xin định hướng của Thủ tướng về đề xuất sẽ đánh thuế tài sản đối với căn nhà, mảnh đất thứ hai, thứ ba không phải để ở mà để kinh doanh. Ông khẳng định cơ chế này không ảnh hưởng đến nguồn thu của TP, không lấy nguồn thu từ địa phương nào mà theo thực tiễn của TP.

Về tổ chức bộ máy, TP.HCM mong trung ương cho TP rà soát lại, đánh giá tổ chức biên chế theo thực trạng của TP.

Theo đó cho TP có sự linh hoạt do quy mô lớn, có thể cộng trừ 10-15% biên chế để TP chủ động hơn trong điều hành, phát triển kinh tế - xã hội TP.

Chính phủ sẽ làm việc với TP.HCM mỗi quý 1 lần

Phát biểu định hướng buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ với TP.HCM sau hơn hai năm tập trung chống dịch COVID-19 với nhiều khó khăn, mất mát trong điều kiện chủng mới lây lan nhanh, chưa tiếp cận vaccine, thuốc và chưa có kinh nghiệm.

“Ngày này năm ngoái, chúng ta phải gồng mình chống dịch bằng biện pháp hành chính vì chúng ta không có chuyên môn, kỹ thuật” - Thủ tướng nói và nhìn nhận TP.HCM là một trong những địa phương chịu hậu quả về dịch lớn nhất nước.

Theo Thủ tướng, sau khi đúc kết ra được kinh nghiệm chống dịch với vũ khí quan trọng từ vaccine, ý thức người dân, thuốc và biện pháp điều trị thì TP đã kiểm soát được dịch, bắt tay phục hồi kinh tế, đạt những thành tích đáng trân trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ sẽ thường xuyên làm việc với TP và cố gắng ít nhất mỗi quý một lần để rà soát lại công việc. Từ đó xác định Chính phủ làm gì; bộ, ngành làm gì và TP làm gì nhằm giải quyết ách tắc của các dự án.

Ông cũng đề nghị TP không được lơ là với dịch COVID-19 và các dịch sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm