Chiều 15-7, TP.HCM tổ chức hội nghị về triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM. Tại hội nghị, lãnh đạo TP.HCM, Sở GTVT, chủ đầu tư, các sở, ngành liên quan cùng đội ngũ chuyên gia đã đưa ra các kế hoạch cũng như phương án cụ thể để chuẩn bị cho việc khởi công dự án vào giữa năm sau.
Quán triệt công việc tới từng cơ quan, đơn vị
Phát biểu khai mạc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết hội nghị về đường vành đai 3 là một sự kiện rất quan trọng đối với TP.HCM. Từ hội nghị sẽ quán triệt công việc tới từng sở, ngành; từng quận, huyện của TP.HCM.
Quang cảnh hội nghị triển khai dự án đường vành đai 3 TP.HCM. Ảnh: ĐT |
Để làm tuyến đường này, TP.HCM và các địa phương cũng thành lập Hội đồng cố vấn. Đây là các chuyên gia về kỹ thuật, pháp lý để triển khai dự án sao cho tốt nhất.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP là cơ quan đầu mối dự án đường vành đai 3. Vừa qua dự án đã được Quốc hội thông qua về chủ trương đầu tư xây dựng. “Dự án phải thông xe kỹ thuật vào năm 2025 và hoàn thành vào năm 2026. Có thể thấy đây là dự án có mật độ dân số cao, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) sẽ có nhiều khó khăn. Theo đó, đòi hỏi công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn” - ông Mãi nhấn mạnh.
Theo ông Mãi, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu các địa phương cố gắng khởi công dự án vào tháng 6-2023. Chúng ta phải khẩn trương thực hiện các đầu việc như tư vấn, lập dự án, đấu thầu, chọn nhà thầu… để khởi công kịp tiến độ.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, Sở GTVT và các địa phương đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, TP.HCM và các địa phương sẽ đẩy nhanh tiến độ các công việc như công tác khảo sát, phê duyệt hồ sơ thiết kế ranh GPMB để bàn giao ranh mốc dự án phục vụ các thủ tục liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC)…
Theo ông Lâm, các địa phương cần tập trung ưu tiên chỉ đạo, điều hành đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC dự án, phấn đấu bàn giao ranh GPMB bắt đầu từ tháng 8-2022. Tiến hành bàn giao mặt bằng từ tháng 10-2022 và khởi công công trình trong tháng 6-2023.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tổ chức khảo sát, lập hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng nhằm đảm bảo có đủ nguồn cung cấp vật liệu xây dựng thông thường và xác định các bãi đổ chất thải rắn xây dựng để thực hiện dự án.
“Ban quản lý dự án các dự án thành phần và Ban Bồi thường GPMB cấp huyện là vô cùng quan trọng để đáp ứng yêu cầu về tiến độ bàn giao mặt bằng theo kế hoạch đề ra” - ông Lâm cho biết.
Ráo riết chuẩn bị cho công tác giải phóng mặt bằng
Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết xác định công tác bồi thường GPMB có vất vả, khó khăn nhưng mang tính chất quan trọng để dự án hoàn thành.
Theo ông Trực, để rút ngắn thời gian thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC, UBND TP.HCM giao Sở GTVT và chủ đầu tư (Ban giao thông) rà soát kỹ những đoạn tuyến đã đảm bảo chính xác ranh giới theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần tiến hành đo vẽ, kiểm kê hiện trạng trước khi ban hành thông báo thu hồi đất. Việc hoàn chỉnh pháp lý, cắm và bàn giao mốc ranh, bàn giao bản đồ ranh thu hồi đất của dự án sẽ được hoàn thành vào ngày 30-9. Công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC dự kiến sẽ hoàn thành từ ngày 1-10-2022 đến 18-11-2023.
Sở TN&MT kiến nghị UBND TP thành lập Ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC dự án đường vành đai 3 do chủ tịch UBND TP.HCM làm trưởng ban, giám đốc Sở TN&MT làm phó trưởng ban thường trực và thành viên là lãnh đạo các đơn vị liên quan và lãnh đạo UBND bốn địa phương có dự án đi qua. Ban chỉ đạo sẽ chỉ đạo và hướng dẫn, giải quyết các kiến nghị, vướng mắc liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC dự án.
Sở TN&MT cũng kiến nghị TP.HCM trình Chính phủ cho phép TP.HCM bố trí TĐC trước khi quyết định ra thông báo thu hồi đất. Hộ dân được giải quyết nhận TĐC trước phải cam kết sử dụng tiền được tạm ứng để xây dựng nhà mới, cam kết bàn giao mặt bằng theo đúng tiến độ, kế hoạch của hội đồng bồi thường của dự án.
Quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ
Thành ủy sẽ có văn bản chỉ đạo, đưa ra quyết tâm chính trị và phân công các đồng chí hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta quyết tâm cao nhất để hoàn thành dự án đường vành đai 3 đúng theo tiến độ mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN VĂN NÊN
Giải phóng mặt bằng là vô cùng quan trọng
Đường vành đai 3 là dự án có mức độ ảnh hưởng lớn từ quy mô đến người dân. Trước khi triển khai dự án, chúng ta cần phải làm rõ, vấn đề GPMB đến dự án và nó đã quyết định 50% đến việc dự án có thành công hay không.
Nên chăng, TP phải tạm duyệt ranh GPMB để có cơ sở pháp lý cho các huyện để cắm mốc. Hiện chúng ta đã xin làm GPMB một lần cũng cần tính toán mốc lộ giới, phương án quản lý ra sao. Đồng thời, TP.HCM cũng tính toán thành lập một ban GPMB riêng.
Ông NGÔ MINH ĐỨC, Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT
Sơ đồ dự án đường vành đai 3. Đồ họa: HỒ TRANG
Cần triển khai đồng thời các thủ tục
Các địa phương cần đẩy mạnh tiến độ GPMB của dự án trên toàn tuyến. Thực tế trong gần 50 năm qua, làm một công trình giao thông đều bị chậm vì liên quan đến GPMB. Theo đó, cần giảm ngay thủ tục, triển khai đồng thời các thủ tục.
Đối với người dân thì chính sách bồi thường cần xác định việc cưỡng chế theo đúng thời gian quy định, chứ không sẽ kéo dài dự án.
TS HÀ NGỌC TRƯỜNG, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM
Những vấn đề cần lưu tâm
Tuyến đường đi qua đô thị có một số vấn đề cần lưu tâm. Thứ nhất là tiếng ồn, chúng ta cần làm sao để cách âm, giảm tiếng ồn tối đa để tránh ảnh hưởng tới người dân.
Thứ hai là vấn đề chia cắt hai bên đô thị bằng cách nào cũng cần lưu tâm. Bên cạnh đó, sắp tới dự án cần áp dụng công nghệ tiên tiến nhất và Việt Nam có thể làm chủ được; các cây cầu, dự án băng qua đường phải mảnh mai, phù hợp với cảnh quan đô thị TP.
Cuối cùng, về ứng dụng BIM cần tiến tới dữ liệu, một trang web để người dân hay bất kỳ ai quan tâm cũng có thể truy cập, tìm hiểu về dự án hoặc giám sát.
Ông PHAN NGUYỄN DUY QUỐC, thành viên Hội đồng cố vấn (kinh nghiệm 20 năm làm việc ở Nhật Bản về phát triển giao thông đô thị) Cam kết hoàn thành tốt đường vành đai 3
Để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, Ban giao thông đã đưa ra nhiều nhóm việc cần làm. Hiện nay đã giao hơn 22 km ranh giới cho các địa phương và tiếp tục giao thêm một số đoạn trong thời gian tới. Dự kiến ngày 30-8 sẽ phê duyệt ranh chính thức cho các địa phương. Tập thể Ban giao thông xin hứa hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ để hoàn thành tốt nhất cho dự án đường vành đai 3.
Ông LƯƠNG MINH PHÚC, Giám đốc Ban giao thông
(chủ đầu tư tuyến đường vành đai 3)
Đề ra trách nhiệm, phương pháp để hoàn thành dự án
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên bày tỏ: “Tôi rất cám ơn các đơn vị, chuyên gia đã đến đây và đóng góp ý kiến cho hội nghị. Tôi đánh giá rất cao những ý kiến của các đồng chí, của Hội đồng cố vấn. Thông qua hội nghị, chúng ta có thể khẳng định trách nhiệm, cam kết của lãnh đạo TP với nhân dân, Quốc hội. Đây cũng là một cơ hội để chúng ta được góp công, góp sức vào dự án lớn như hiện nay”.
Bí thư Thành ủy cho rằng TP cần đề ra trách nhiệm, phương pháp cụ thể mới có thể đưa dự án đường vành đai 3 hoàn thành đúng tiến độ. Chúng ta đang bị áp lực về mặt thời gian, nên cần chuẩn bị thật chắc chắn. Theo đó, chúng ta cần tính toán làm sao để người dân yên tâm, thỏa mãn, đồng thuận và đặc biệt hạn chế tối đa việc cưỡng chế.
Việc TĐC và bồi thường GPMB cần phải nói cho người dân hiểu, người dân thông và đồng thuận. “Làm đường nghe có vẻ dễ đồng thuận, song nó tác động tới từng người dân. Theo đó, công tác TĐC cần phải làm chu đáo. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa nội bộ TP.HCM và giữa TP.HCM và các tỉnh cũng cần chú ý” - Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận định.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết đã tiếp thu và cam kết thực hiện theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên. UBND TP cũng tiếp thu ý kiến của Sở TN&MT về việc thành lập Ban chỉ đạo GPMB để công việc trơn tru, nhanh chóng.
Theo ông Mãi, chúng ta cũng cần triển khai ngay các công việc, thủ tục để nhanh chóng hoàn thiện và xây dựng các kế hoạch tổng thể, có sự tư vấn của ban cố vấn dự án. Đối với nhóm kế hoạch bồi thường, TĐC... sẽ sớm được hoàn thiện chính thức, có chính sách tuyên truyền, TĐC. Song song, TP cũng cần tính toán đến phương án khai thác quỹ đất theo phương án TOD (Transit Oriented Development) là lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán.
Hiện HĐND TP.HCM đã đồng ý bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án đường vành đai 3. Từ đó, TP.HCM sẽ xây dựng các kế hoạch để bố trí vốn kịp thời, đặc biệt năm 2023 cần nguồn vốn rất lớn cho công tác GPMB…•
Hai nhiệm vụ về kiến trúc cho đường vành đai 3
Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở QH-KT TP.HCM, cho biết sở đang thực hiện hai nhiệm vụ cho dự án đường vành đai 3. Đầu tiên là rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch có liên quan đến đường vành đai 3. Từ đó, hoàn thiện cơ sở pháp lý về quy hoạch cho công tác chuẩn bị, triển khai đầu tư xây dựng dự án.
Thứ hai, khai thác giá trị sử dụng đất của các khu vực lân cận tuyến đường trong quá trình phát triển đô thị. Đây là mục tiêu lâu dài để tạo nguồn vốn và phát triển các khu vực đô thị mới, các khu chức năng dịch vụ, công nghiệp hiệu quả cao.
Trước mắt, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, cần tập trung vào mục tiêu thứ nhất. Theo đó, công tác rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch có liên quan đến dự án cần được triển khai một cách khẩn trương. Hiện nay, theo dự thảo kế hoạch tổng thể thực hiện dự án do Sở GTVT trình UBND TP.HCM, công tác rà soát, điều chỉnh dự kiến hoàn tất trước ngày 22-10...
Đối với nhiệm vụ thứ hai, Sở QH-KT đã đề xuất một số quan điểm chính, báo cáo UBND TP như điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với các chức năng ở đô thị và hạ tầng dịch vụ, hạ tầng công nghiệp…