TP.HCM bàn cách làm 220 km đường sắt đô thị

TP.HCM bàn cách làm 220 km đường sắt đô thị

(PLO)- Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các đơn vị nghiên cứu cách làm mới, phương án huy động vốn để làm 220 km đường sắt đô thị và phải khác biệt với cách làm tuyến metro số 1.

Sáng 15-12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì phiên họp lần thứ ba của Hội đồng tư vấn về việc triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) 98/2023/QH, trong đó có nội dung về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) TP.HCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị.

Vận dụng NQ98 để làm ĐSĐT

Tại phiên họp, ông Mãi cho biết theo quy hoạch hiện hành, TP.HCM có khoảng 220 km ĐSĐT trong 12 năm tới, quy hoạch này đã gần 20 năm. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới chỉ làm một tuyến metro số 1 dài 20 km đã chiếm 15-16 năm. Vì vậy, nếu TP tiếp tục duy trì cách làm này, tiếp tục vay vốn ODA, chuẩn bị đầu tư, xây dựng thì có lẽ 220 km sẽ mất 50-70 năm, thậm chí là 100 năm mới hoàn thiện.

“Chúng ta phải thực hiện 220 km ĐSĐT từ nay tới năm 2035 và hiện chỉ còn 12 năm, đòi hỏi chúng ta cần có cách làm hoàn toàn khác tuyến metro số 1” - Chủ tịch UBND TP nói.

P9-bai-daotrang-duongsatdothi-h1-thylan.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp. Ảnh: ĐÀO TRANG

Theo Chủ tịch UBND TP, Kết luận 49 của Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thiện cơ bản hạ tầng ĐSĐT với 220 km vào năm 2035. Vì vậy, TP.HCM quyết định vận dụng NQ98 để triển khai hạ tầng ĐSĐT. Do đó, từ tháng 7-2023, TP đã thành lập tổ để xây dựng đề án hoàn thiện 220 km ĐSĐT và từ nay tới cuối năm, TP phải hoàn thiện đề án để trình HĐND TP, báo cáo Bộ Chính trị, Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội tại kỳ họp giữa năm 2024.

Ông Mãi cho biết những vấn đề như phương án huy động vốn, các quy định còn vướng; các thủ tục đầu tư đặc biệt, rút ngắn; phương án phát triển, vận hành ĐSĐT; mô hình quản lý ĐSĐT trong tương lai… là những vấn đề rất lớn, cần cơ chế, chính sách và xin Quốc hội thông qua.

Cần có quy trình, khung pháp lý để quản lý

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết sau khi đề án 220 km ĐSĐT hoàn thiện, TP sẽ báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội thông qua. Từ nay đến hết năm 2024, TP sẽ thống nhất, tiếp thu ý kiến và bổ sung thêm vào đề án. TP.HCM cũng cần có quy trình, khung pháp lý để quản lý đô thị đặc biệt - TP.HCM ra sao, phát triển một khung pháp lý đủ lớn để quản trị trong năm 2024.

TP cần nhiều cơ chế

Tại cuộc họp, đại diện Ban quản lý ĐSĐT TP.HCM (MAUR) cho biết để làm được 220 km ĐSĐT cần một số cơ chế, chính sách đột phá.

Cụ thể đối với các cơ chế về quy hoạch, TP sẽ kiến nghị Quốc hội cho phép TP được điều chỉnh quy hoạch TP, cho phép TP được lập và quy hoạch hệ thống ĐSĐT khu vực nhà ga theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) để làm cơ sở đấu giá quyền phát triển dự án TOD.

Đối với việc bồi thường, thu hồi đất, TP cần xin cơ chế trao thẩm quyền theo quy hoạch 1/500 của dự án để kết hợp với phát triển và chỉnh trang đô thị theo mô hình TOD. Tất cả theo nguyên tắc đảm bảo đời sống và chỗ ở cho người dân được thu hồi.

TP cũng xin thực hiện một số dự án bồi thường thu hồi đất không phân biệt dự án đầu tư của Nhà nước hay tư nhân. Theo đó, Nhà nước bồi thường giải phóng mặt bằng và giao cho chủ đầu tư được thực hiện dự án phát triển đô thị TOD theo quy hoạch chi tiết 1/500 để tạo nguồn thu tái đầu tư cho hệ thống ĐSĐT.

Đường sắt đô thị
Tuyến metro số 1 dài 20 km mất đến 15-16 năm để hoàn thành. Ảnh: ĐÀO TRANG

Bên cạnh đó, TP xin Chính phủ phê duyệt chủ trương cho một dự án tổng thể với chiều dài 220 km, chỉnh trang đô thị tại các khu vực theo mô hình TOD theo quy hoạch. Như vậy sẽ phê duyệt một lần, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, TP cũng xin chủ trương cho phép TP được trình hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để xin phê duyệt chủ trương đầu tư chỉ bao gồm các nội dung cơ bản như chiều dài, hướng tuyến dự kiến, sơ bộ tổng mức đầu tư, tiến độ dự kiến hoàn thành...

Đối với mô hình tổ chức, TP xin thành lập tổng công ty đầu tư, xây dựng và phát triển vận tải ĐSĐT TP để đảm bảo tài chính, vận hành duy tu hệ thống ĐSĐT.

“Khó khăn rất nhiều nhưng đổi lại chúng ta sẽ hoàn thành 220 km ĐSĐT theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị và tiết kiệm 10 tỉ USD mà không bị nợ quốc gia, huy động nguồn lực trong nước. Đồng thời có thể phát triển 100 khu đô thị TOD, trên diện tích khoảng 200 km2, tạo 1 triệu căn hộ văn minh, hiện đại, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông…” - đại diện MAUR nói.•

TS TRẦN DU LỊCH

Tran-Du-Lich.jpg

Vướng mắc từ thể chế có thể khắc phục

12 năm tới, TP phải làm 220 km ĐSĐT, đây là một thách thức lớn mà TP chưa từng làm. Điều này đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao, nếu không có sự quyết tâm sẽ rất khó triển khai. Mốc thời gian để trình HĐND TP.HCM, Chính phủ đề án hoàn thiện 220 km ĐSĐT hiện rất gấp rút. Vì vậy, tôi ủng hộ việc lập một dự án chung để trình một lần thay vì làm riêng lẻ.

TP cũng cần làm rõ việc hiện nay vấn đề tồn tại lớn nhất của dự án là gì, đâu là vấn đề khách quan, đâu là vấn đề chủ quan và tại sao gần 20 năm làm chưa xong một tuyến ĐSĐT. Nếu TP hoàn thành 220 km ĐSĐT vào năm 2035 thì có thể chứng minh được là những vướng mắc từ thể chế có thể khắc phục được.

Kiến trúcNGÔ VIẾT NAM SƠN

Ngo-Viet-Nam-Son.jpg

Phát triển metro cần như một ngành công nghiệp

Để thực hiện 220 km ĐSĐT trong 12 năm là một đề tài khó. TP mất gần 20 năm để làm tuyến metro số 1, vậy TP sẽ làm gì để hoàn thành 220 km trong 12 năm tới. TP hãy lấy tuyến metro số 1 làm điểm nghiên cứu, dự án đó đã vướng ở đâu, làm sao để rút ngắn thời gian làm dự án.

Làm hệ thống ĐSĐT không chỉ có 25 tỉ USD, thậm chí Trung ương cần ứng đến 100 tỉ USD để làm hạ tầng đô thị và có thể thu hồi sau đó. Việc phát triển metro cần như một ngành công nghiệp phục vụ cho cả Việt Nam và chọn công nghệ phải phù hợp, tránh mỗi tuyến lại một công nghệ khác nhau.

PGS-TS VŨ ANH TUẤN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức

Vu-Anh-Tuan.jpg

Phải hoàn thành mạng lưới vận tải có tốc độ lớn, sức chở cao

Theo nghiên cứu, đến năm 2030 lượng ô tô ở TP.HCM sẽ tăng gấp 2-3 lần hiện nay. Khi đó, TP.HCM sẽ trở thành bãi đậu xe khổng lồ và nếu càng mở rộng đường bộ sẽ càng ùn tắc. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải hoàn thành mạng lưới vận tải có tốc độ lớn, sức chở cao. Đó chính là ĐSĐT.

Hiện nay, nhiều nước phát triển vẫn tiếp tục phát triển ĐSĐT, việc chúng ta phải làm là bàn tiến, không thể lùi. Vì vậy, TP cần sự hỗ trợ của Trung ương và cần tiếp cận nhiều nguồn vốn khác. TP cũng cần kết hợp với tư nhân để đạt được kết quả cao nhất và để thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân.

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Tran-Hoang-Ngan.jpg

Tránh việc trình và điều chỉnh dự án nhiều lần

Đây là một dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia nên rất cần sự đồng thuận, ủng hộ của Trung ương, Chính phủ và người dân.

Tuyến metro số 1 bị kéo dài là do quá trình chuẩn bị dự án không đầy đủ, thay đổi liên tục và điều chỉnh vốn từ 17.000 tỉ lên 47.000 tỉ đồng. Vì vậy, TP không nên xác định “đóng khung” đến năm 2035 phải hoàn thành 220 km ĐSĐT, việc này để tránh phải xin trình và điều chỉnh dự án nhiều lần.

Bên cạnh đó cần lưu ý tính đồng bộ, phát triển công nghiệp ĐSĐT và phát triển nhân lực phục vụ ngành đường sắt và cả nhân lực vận hành.

Đọc thêm