TP.HCM bàn cách triệt nạn khai thác cát trái phép

Ngày 23-4, tại Cần Giờ, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị trao đổi thông qua đề án “Phòng, chống tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, vùng giáp ranh giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận”. Hội nghị có sự tham gia của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cùng các lãnh đạo sở, ngành liên quan.

Hàng loạt khó khăn khi xử lý “cát tặc”

Tại hội nghị, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết thực trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2018 đã ở mức báo động. Nhiều trường hợp liều lĩnh tổ chức khai thác có quy mô, diễn ra rầm rộ, nhất là vào ban đêm với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm né tránh cơ quan chức năng. Trong giai đoạn này đã phát hiện và xử lý 151 trường hợp khai thác, vận chuyển trái phép.

Theo ông Dũng, một trong những khó khăn khi xử lý “cát tặc” là do quy định chỉ tịch thu phương tiện đối với trường hợp khai thác cát trái phép từ 50 m3 trở lên. Theo đó, người vi phạm khi bị phát hiện thường bỏ chạy, xả cát xuống biển tẩu tán tang vật, tránh bị tịch thu phương tiện. Ngoài ra, Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng chưa quy định tịch thu phương tiện vi phạm đối với người thuê phương tiện dưới danh nghĩa chở hàng hoặc thực hiện dự án.

Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, cho rằng hầu hết phương tiện vi phạm có tải trọng hơn 1.000 tấn bị bắt về hành vi khai thác cát trái phép đều từ các tỉnh phía Bắc vào. Sau khi bị lập biên bản, họ không cư trú tại TP.HCM nữa nên cơ quan chức năng “ngại” đi xác minh đầy đủ về nơi tiêu thụ, chủ phương tiện. Từ đó chấp nhận xử lý theo trường hợp bắt quả tang, chỉ phạt cá nhân điều khiển phương tiện chứ chưa xử lý được chủ phương tiện.

Ông Nguyễn Văn Tiệp, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang, cho biết hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh thực hiện với nhiều hình thức như các tàu vừa chạy vừa hút cát, tổ chức người theo dõi, canh gác cơ quan chức năng.

Qua đó, ông Tiệp đề nghị các địa phương cần tăng cường chia sẻ thông tin, thực hiện tốt quy chế phối hợp trong kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép. Đồng thời kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật, tịch thu phương tiện khi phương tiện có khối lượng cát 10 m3 trở lên thay vì 50 m3 như hiện nay.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

 TP.HCM bàn cách triệt nạn khai thác cát trái phép ảnh 2

Bộ đội biên phòng TP.HCM đang tiến hành bắt “cát tặc”. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Kiểm soát nơi neo đậu, địa điểm tiêu thụ cát

Về giải pháp chống nạn khai thác cát trái phép, Thiếu tướng Minh cho biết: “Có quá nhiều công trình sử dụng cát san lấp mà không tính đến nguồn. Nên chăng rà soát các mỏ mà hiện đóng không cho khai thác”. Tướng Minh đề nghị Sở Xây dựng TP tính toán chỉ cấp phép xây dựng khi chủ đầu tư, nhà thầu cung cấp cát san lấp đảm bảo từ nguồn hợp pháp.

Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng TP.HCM, kiến nghị sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp phương tiện đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục tái phạm nhằm gắn trách nhiệm của các chủ sở hữu trong việc cho thuê phương tiện.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết trong đề án sẽ điều chỉnh bổ sung một số đơn vị vào công tác kiểm tra, xử lý việc khai thác, vận chuyển cát trái phép như Sở GTVT. UBND TP cũng sẽ làm việc với Bộ Xây dựng về nhu cầu cát san lấp trong xây dựng trên địa bàn TP. Đồng thời tổ chức các hội nghị kêu gọi đầu tư về vật liệu mới thay thế cát, đề ra các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư. 

Ông Út cũng kiến nghị sửa đổi Nghị định 33 (ngày 3-4-2017) của Chính phủ theo hướng tăng mức phạt tiền đối với hành vi khai thác cát trái phép và phân cấp thành nhiều mức phạt khác nhau. Bổ sung hình thức phạt bổ sung khắc phục hậu quả vi phạm: Không tịch thu phát mại mà yêu cầu cá nhân, tổ chức vi phạm phải vận chuyển số cát, sỏi đã khai thác trái phép để lấp trả lại nguyên trạng tại vị trí đã khai thác…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho hay để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát ở cửa sông, khu vực biển, các địa phương cần kiểm soát nơi neo đậu và các địa điểm thường xuyên tiêu thụ, tập kết cát.

Theo ông Nhân, các cơ quan chức năng cần kiểm tra giấy phép hoạt động và hành trình khai thác của các phương tiện cũng như giấy phép điều khiển phương tiện của cá nhân. TP.HCM cần thành lập tổ liên ngành thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép. Đồng thời đảm bảo các chính sách hỗ trợ cho cán bộ trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép.

Với các tỉnh có tàu khai thác cát tập kết, ông Nhân cho rằng ngoài việc ký kết quy chế phối hợp, giữa các tỉnh cần hình thành tổ công tác thường trực để trao đổi thông tin, xử lý nhanh các trường hợp vi phạm.

Chưa đảm bảo tính răn đe

Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng khai thác cát trái phép. Trong đó có việc một số quy định trong Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn tồn tại bất cập, hạn chế, chưa đảm bảo tính chặt chẽ và hiệu quả trong phòng ngừa, răn đe vi phạm.

Có thể nêu điển hình như quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác khoáng sản (trong đó có khai thác cát) trái phép theo Nghị định 33/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Để xác định mức độ nghiêm trọng của vi phạm hành chính, nghị định quy định căn cứ vào khối lượng cát khai thác (m3) trái phép. Tuy nhiên, số m3 cát trái phép cần xác định để áp dụng mức phạt tiền cao nhất là quá nhiều trong khi số tiền phạt tối đa còn quá thấp, nhất là so với lợi nhuận khai thác cát trái phép có thể nhận được. Do đó việc xử phạt vi phạm hành chính trong khai thác cát trái phép thực tế chưa đủ sức răn đe. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm