Ngày 26-9, ông Phan Công Bằng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đường thủy nội địa (Khu đường sông) TP.HCM, cho biết: "Thời gian qua, nạn ghe, tàu chở cát san lấp, phục vụ thi công các công trình xây dựng trên địa bàn TP có chiều hướng diễn biến phức tạp. Các đối tượng bề ngoài chở cát san lấp hợp pháp nhưng lại tham gia bơm hút, vận chuyển cát trái phép ("cát tặc") gây ra cản trở giao thông, an toàn luồng tuyến và tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn giao thông đường thủy".
Trước tình hình trên, cảnh sát giao thông đường thủy, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM và Khu đường sông đã triển khai kế hoạch phối hợp liên ngành kiểm tra, xử lý các vi phạm của các bến thủy, phương tiện liên quan đến vận chuyển, bơm hút cát trái phép...
Theo Đội Tuần tra giao thông đường thủy (Đội Thanh tra số 2), khu vực tập trung nhiều ghe, tàu vận chuyển, bơm hút cát lậu nhiều nhất là cù lao Phước Thiện thuộc phường Long Bình và phường Long Thạnh Mỹ, quận 9. Qua kiểm tra, phần lớn các phương tiện hoạt động tại đây thường mua bán, vận chuyển cát không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhiều phương tiện chở cát san lấp nhưng lại được thiết kế có máy bơm hút công suất cực đại với nhiều vòi, ống cắm xuống sông và các nhánh vòi nhựa mềm đường kính 70-100 mm từ máy bơm nhả cát sang sà lan, ghe tàu cặp mạn (dân trong nghề gọi là "ghe bạch tuộc").
Khi có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát thì các "ghe bạch tuộc" này rút ống hút lên, cuốn vòi bạch tuộc lại cho ghe, đầu kéo kéo ra giữa sông Sài Gòn, sông Đồng Nai hoặc khu vực ngã ba Đèn Đỏ. Đây là những nơi có vị trí cho các loại ghe, tàu lưu đậu, vừa là những điểm cho phép nạo vét tận thu cát để thông thoáng lòng luồng sông.
Cát được ghe, thuyền mẹ và ghe bạch tuộc kéo đi cặp với nhau đến các khu vực cần san lấp để bơm cát tập kết lên bờ hoặc để nguyên trên ghe, thuyền mẹ để thực hiện công đoạn tiếp theo là bơm cát lên vị trí cần san lấp. Sau đó, ghe bạch tuộc dùng chính máy bơm công suất lớn trên ghe bơm đầy cát vào các vùng cần san lấp cách xa bờ sông, kênh cả 2-3-500 m.
Theo Đội Thanh tra đường thủy, qua kiểm tra đã lập bảy biên bản vi phạm hành chính, xử phạt hơn 46 triệu đồng. "Các lỗi vi phạm chính của các loại ghe, thuyền này: đưa phương tiện vào bến không phép, phương tiện không có giấy đăng ký, đăng kiểm, không giấy chứng nhận bảo vệ môi trường" - ông Đàm Phan Phát, Đội trưởng Đội Thanh tra đường thủy, cho biết.
Theo kế hoạch, đợt kiểm tra, truy xét ghe bạch tuộc hút, vận chuyển cát lậu này còn kéo dài đến cuối tháng 10-2018.