Sáng 20-3, tại cuộc trao đổi thông tin với báo chí, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT, yêu cầu chủ đầu tư công trình xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới cần cập nhật số lượng tàu, thuyền (từ trên 300 tấn) lưu thông qua luồng lên xuống thượng nguồn sông Sài Gòn. Từ đó, xây dựng mức thu và thời gian thu giá mới hợp lý, khung chính sách thu giá cho phù hợp với đối tượng thu, cách thu công bằng.
Ông Bùi Xuân Cường (cầm micro): " Sở GTVT , UBND TP.HCM sẽ phản biện cách thu, mức thu giá tàu thuyền chui qua cầu Bình Lợi mới để vừa tạo thuận lợi, hấp dẫn, khuyến khích các nhà đầu tư vào cảng, bến, cầu, luồng sông... vừa tạo chi phí phù hợp với lợi ích của các hãng, chủ tàu thuyền để họ đổi mới, nâng cao, phát triển các loại phương tiện vận chuyển đường sông!"
Ông Vũ Đức Cúc, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển Đô thị xanh, chủ đầu tư cầu đường sắt Bình Lợi mới và nạo vét luồng sông Sai Gòn, dài 71 km, từ cầu Bình Lợi tới Bến Súc cho biết đây là dự án BOT đường sông đầu tiên của cả nước nên chủ đầu tư, các Bộ GTVT, Tài chính, Tư pháp... còn lúng túng trong việc xây dựng mức giá, thời gian và cách thu giá hay phí.
Ông Vũ Đức Cúc: "Mức thu phí (hoặc giá) 70 đồng/tấn/km là rất rẻ so với đường bộ, đường sắt (240-330 đồng/tấn/km)!"
Các báo thông tin phản biện, hiện lượng tàu thuyền từ trên 300 tấn chui qua cầu Bình Lợi cũ đã lên tới 120-150 đến 200 chiếc/ngày đêm, do đó mức thu 70 đồng/tấn/km được đưa ra khi lập dự án chỉ có 30 chiếc/ngày đêm là không còn phù hợp. Cạnh đó, loại phương tiện lớn từ trên 1.000 tấn lưu thông ngày càng nhiều nên chủ đầu tư cần giảm giá thu để tàu thuyền lớn đi lên thượng nguồn sông Sài Gòn ngày càng nhiều hơn. "Mức thu 70 đồng/tấn/km do các bộ, ngành, cơ quan quản lý dự án đưa ra từ nhiều năm trước. Chúng tôi, chủ đầu tư, chỉ là đơn vị mới tiếp quản đầu tư vào dự án và xây dựng công trình. Nay lưu lượng, loại phương tiện, sức chở đã thay đổi nên chúng tôi sẽ cập nhật và xây dựng, trình phương án thu giá hoặc phí mới lên các cấp có thẩm quyền trước khi hành thu!" - ông Cúc nói.
Ông Bùi Xuân Cường đồng tình với đề xuất cập nhật tình hình và phương án thu do ông Cúc đưa ra. Vì theo ông Cường, mức giá hợp lý sẽ khuyến khích các nhà đầu tư vào hệ thống cảng bến phía trên thượng nguồn sông Sài Gòn của cả TP.HCM và tỉnh Bình Dương. "Cầu Bình Lợi mới cao 7 m thông thay cho cầu cũ chỉ cao 1,5 m sẽ đem lại hoạt động đường sông rất nhộn nhịp, giảm tải cho các tuyến đường nội đô TP.HCM, quốc lộ 1, 22 và 13. Cũng đã có đề xuất từ Bệnh viện 175, khi cầu Bình Lợi mới thông thì sẽ xây dựng tuyến y tế đường sông!" - ông Cường nói.
Ông Vũ Đức Cúc thông tin, hiện các đơn vị thi công đang gấp rút thi công cầu đường sắt Bình Lợi mới để cố gắng đến ngày 30-11 thì xong và sẽ tiến hành nạo vét sớm để thông luồng sông Sài Gòn.
Ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khu quản lý giao thông đô thị số 3, thông tin khi cầu đường sắt Bình Lợi mới chuẩn bị xong và tháo dỡ cầu Bình Lợi cũ thì cầu Phú Long 1 (cầu cũ), nối phường Thạnh Lộc, quận 12 với Lái Thiêu, Bình Dương sẽ được tháo dỡ ngay để thông luồng suốt tuyến sông Sài Gòn.
Cầu Phú Long cũ là cây cầu đường sắt nối hai địa phương trên được người Pháp xây dựng cùng thời với cầu đường sắt Bình Lợi, có tuổi thọ đã trên 100 năm. Thời gian chiến tranh cầu chuyển thành cầu đường bộ và khoảng năm 2010 cầu Phú Long mới bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu được xây dựng phía dưới hạ lưu, cách khoảng 800 m nhưng cầu cũ vẫn được duy trì cho người đi xe máy qua lại.