Theo kế hoạch dự kiến, đến 30-11-2018 dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn và xây mới cầu đường sắt Bình Lợi sẽ xong. Khi đó sẽ bắt đầu thu giá các loại tàu thuyền từ trên 300 tấn chui qua cầu đường sắt Bình Lợi và đi trên sông Sài Gòn. Ông Đinh Việt Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi (chủ đầu tư) cho biết đây là dự án BOT đường thủy đầu tiên của cả nước nên cách thu giá các phương tiện chui qua cầu Bình Lợi mới không giống cách đặt trạm trên đường bộ.
Thu tại các cầu cảng
Cụ thể, tại cầu Bình Lợi có thể đặt các camera giám sát lưu lượng, loại tàu thuyền qua lại. Còn việc thu giá sẽ được thực hiện ngay ở chân các cầu cảng nằm từ phía thượng lưu cầu Bình Lợi. “Chỉ có tàu thuyền từ trên 300 tấn chui qua cầu Bình Lợi đi trên luồng phía thượng lưu sông Sài Gòn và cập vào cầu cảng các cảng sông trên thượng lưu mới phải đóng giá” - ông Tiến nói rõ.
Theo báo cáo hồi tháng 7-2017 của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐ VN - lúc đó được Bộ GTVT giao làm đơn vị quản lý dự án), việc thu giá sẽ áp dụng đối với các tàu thuyền khai thác, sử dụng ba cảng thuộc tỉnh Bình Dương là cảng Bến Súc, Rạch Bắp, An Sơn và các bến do Cảng vụ ĐTNĐ khu vực 3 (đơn vị thuộc Cục ĐTNĐ VN) quản lý. Nhưng báo cáo mới đây của Ban quản lý dự án 7 (đơn vị thuộc Bộ GTVT, được giao quản lý dự án thay cho Cục ĐTNĐ VN) cho biết sẽ thu giá cả với các tàu thuyền ra vào các cảng, bến thuộc địa bàn TP.HCM. Theo ông Ngô Đình Quang, Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ TP.HCM, hiện có 26 cảng, bến nằm dọc theo hệ thống Kênh Xáng, Rạch Tra, sông Sài Gòn thường xuyên có tàu thuyền trên 300 tấn ra vào.
Tới đây, tàu bè trên 300 tấn đi trên thượng nguồn sông Sài Gòn sẽ đóng giá BOT đường thủy. Ảnh: LƯU ĐỨC
Phí hay giá?
Ông Đinh Việt Tiến cho biết theo dự tính trước đây, khi tàu thuyền ra vào các cảng, bến nằm phía trên cầu Bình Lợi thì Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi nhờ các cảng vụ ĐTNĐ thu hộ giá. Giám đốc cảng vụ một địa phương cho biết cảng vụ là đơn vị sự nghiệp nên có thể thu hộ cho nhà đầu tư BOT.
Tuy nhiên, chủ một hãng xà lan cho rằng theo Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ 1-1-2017 thì một số phí như phí BOT đường bộ đã chuyển sang thành giá. Thu phí là thu cho ngân sách nhà nước và được hành thu trực tiếp bởi các cơ quan quản lý nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp thu hộ (như cách các trạm đăng kiểm ô tô đang thu hộ cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam khoản phí bảo trì đường bộ). Còn thu giá là thu cho nhà đầu tư BOT để hoàn vốn đầu tư và phải được chính nhà đầu tư hành thu.
“Như vậy, cách nhờ các cảng vụ thu hộ giá BOT đường sông là cách mượn tay cơ quan quản lý nhà nước. Cũng từ cách mượn tay này rất dễ dẫn đến việc các cảng vụ đẻ thủ tục, gây khó dễ cho các hãng, chủ tàu thuyền” - vị chủ hãng xà lan bày tỏ.
“Công trình cầu Bình Lợi và nạo vét sông Sài Gòn là công trình BOT đầu tiên trên lĩnh vực đường thủy nên khi luật thay đổi thì cả cơ quan nhà nước lẫn chủ đầu tư, đơn vị thi công đều lúng túng không biết gọi nó là phí hay giá” - một quan chức của Bộ GTVT cho biết. Các nhà vận tải đường thủy cho rằng đã đến lúc Bộ GTVT phải có tiếng nói rạch ròi thu phí hay thu giá.
Theo ông Đinh Việt Tiến, do sự thay đổi khái niệm của Luật Phí và lệ phí, từ phí chuyển sang thành giá nên nay Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi rất cần sự hướng dẫn sớm từ các bộ, ngành để có thể tự tổ chức thu giá hoặc nhờ thu như kế hoạch trước đây.
Dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi, TP.HCM tới cảng Bến Súc, tỉnh Bình Dương được động thổ tháng 4-2017, dự kiến hoàn thành tháng 5-2018 nhưng do vướng mặt bằng nên được kéo lùi đến 30-11-2018. Đây là dự án đường thủy đầu tiên trên cả nước thực hiện theo hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.300 tỉ đồng, gồm hai hợp phần: Xây mới cầu sắt Bình Lợi để nâng tĩnh không thông thuyền từ 1,5 m lên 7 m; nạo vét luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc, tỉnh Bình Dương dài 70 km. Nhà đầu tư BOT được thu phí ĐTNĐ để hoàn vốn đầu tư cho cả hai hợp phần. |
70 đồng/tấn/km
Theo tính toán của Bộ GTVT và nhà đầu tư BOT đưa ra trước đây, mức thu giá cho tàu thuyền đi từ cầu Bình Lợi lên là 70 đồng/tấn/km. Cạnh đó, hiện phí, lệ phí ra vào cảng, bến là 330 đồng/tấn. Như vậy một xà lan 500 tấn từ cầu Bình Lợi lên cập cảng An Sơn, Bình Dương sẽ phải đóng phí và lệ phí thủ tục khoảng 185.000 đồng. Nếu cộng thêm giá BOT cho đoạn sông dài 20 km và chui cầu Bình Lợi, chiếc xà lan này sẽ phải tốn thêm khoảng 700.000 đồng. “Xà lan càng lớn tải, đi càng xa lên thượng nguồn sông Sài Gòn thì sẽ phải đóng rất nhiều tiền BOT. Cạnh đó, chưa biết ông BOT thu chỉ một lần lên xuống hay thu cả chiều lên và chiều xuống, nếu thu hai chiều theo kiểu lượt qua trạm như đường bộ thì chiếc xà lan kia phải tốn 1,4 triệu đồng” - chủ một hãng xà lan nói.
Theo tính toán ban đầu của Bộ GTVT và chủ đầu tư BOT thì thời gian thu giá trên sông Sài Gòn là 20 năm chín tháng.
Cảng chờ cầu Hiện phía thượng lưu sông Sài Gòn có hàng loạt dự án cảng, bến sẽ được đầu tư hoặc đã đầu tư nhưng đành nằm chờ có cầu Bình Lợi mới cao 7 m thay cho cầu cũ hiện chỉ cao 1,5 m. Cụ thể, phía bờ sông thuộc tỉnh Bình Dương hiện có cảng An Sơn đã đầu tư xây dựng từ hơn năm năm qua nhưng đành nằm chờ. Khi thông cầu và luồng mới, hàng container sẽ không phải đi từ cụm cảng Cát Lái, Long Trường ngược lên sông Đồng Nai để lên cảng Bình Dương hoặc Hóa An để chuyển sang đường bộ về sáu khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương mất hàng chục cây số. Cầu thông, luồng thoáng, cảng An Sơn hoạt động thì hàng container chỉ cần đi 5-10 km là đến cửa sáu khu công nghiệp nói trên. Ở bên bờ sông Sài Gòn thuộc TP.HCM, phía trên cầu Phú Cường cũng đang hình thành cụm Khu công nghiệp - cảng sông Đông Nam Củ Chi. Khi có cầu Bình Lợi mới, cảng sông này cũng sẽ được gấp rút đầu tư để hàng container từ đường biển lên thẳng nơi đây, rót container cho cả cụm Khu công nghiệp Tây Bắc và Đông Nam Củ Chi hoặc cho cả Tây Ninh, không phải đi đường bộ qua nội đô TP.HCM, quốc lộ 1 và quốc lộ 22. |